Năm 2013, lần đầu tiên, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức tôn vinh những thẩm phán đã có nhiều đóng góp nổi bật, với những thành tích tiêu biểu trong quá trình thụ lý và giải quyết các vụ án. Nghệ An vinh dự có hai thẩm phán được vinh danh lần này, trong đó có nữ thẩm phán Nguyễn Thị Hương công tác tại TAND TP Vinh.
Khi tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Hương tại trụ sở TAND TP Vinh cũng là lúc chị đang hoàn thiện hồ sơ giải quyết vụ việc liên quan đến trộm cắp tài sản. Vụ án đã khép lại nhưng trong lòng chị vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về tình trạng học sinh vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Thẩm phán Nguyễn Thị Hương đang nghiên cứu hồ sơ vụ án |
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề thẩm phán, chị Hương cho biết bản thân đã nối nghiệp bố. Học Trường pháp lý ở TP Hồ Chí Minh, sau đó về công tác tại TAND huyện Nam Đàn rồi trải qua nhiều công việc khác nhau tại TAND TP Vinh, từ năm 1998, chị được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND TP Vinh.
“Cuộc sống lúc đó rất khó khăn, lương lại thấp trong khi quỹ thời gian hạn hẹp, khối lượng công việc nhiều nên nếu không có niềm đam mê thì có lẽ mình cũng như nhiều người bạn, quyết định rẽ sang con đường khác”, chị Hương tâm sự. Trong suốt thời gian gần 20 năm gắn bó với nghiệp thẩm phán, tham gia giải quyết hơn 2.000 vụ việc đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Đó là lần giải quyết vụ việc ly hôn giữa một cặp vợ chồng trẻ, vì hoàn cảnh khó khăn nên cả hai đều phải làm thuê, bán rau vặt kiếm tiền sống qua ngày. Vì vậy, không ai chịu nuôi con, trong khi người chồng suốt ngày say xỉn. Đứa trẻ 2 tuổi chứng kiến cảnh bố mẹ giằng co đã khóc thét giữa phiên tòa. Đó còn là lần đi định giá tài sản trong vụ án tranh chấp tài sản thừa kế giữa hai anh em ruột. Khi chị cùng Hội đồng định giá đến nơi, bị đơn không những không phối hợp xử lý mà còn cầm dao rượt đuổi và đòi chém.
Để làm tròn vai trò của một thẩm phán, giải quyết thấu tình đạt lý các vụ án, theo chị, phẩm chất quan trọng nhất cần phải có là cái tâm và tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Tùy từng loại án và tính chất vụ việc, người thẩm phán sẽ tìm ra cách giải quyết phù hợp.
Đối với án dân sự, nhất là các vụ việc ly hôn, khâu hòa giải có yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi hòa giải sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các đương sự và góp phần ổn định xã hội. Lúc này, người thẩm phán phải tìm hiểu rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các bên, sau đó dựa vào tình hình cụ thể để đưa ra những phân tích, lời khuyên hợp lý, hợp tình.
Thẩm phán có thể tìm cách khơi gợi về những kỷ niệm của một thời vợ chồng gắn bó, hay nhắc về những đứa con - sợi dây gắn bó tình cảm giữa hai người, cũng có khi dựa vào phân tích về bản năng của người phụ nữ. Tuy nhiên, không phải lúc nào những nỗ lực của các thẩm phán cũng mang lại kết quả tích cực, khi mà các bên đương sự tỏ thái độ không đồng tình và bất hợp tác.
Ngoài việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tìm đọc các tài liệu rồi những nghị định, thông tư mới liên quan trực tiếp đến công tác chuyên môn, các văn bản thuộc lĩnh vực khác cũng là cơ sở quan trọng để chị Hương giải quyết hiệu quả khối lượng công việc với áp lực nặng nề. Dù tuổi đã nhiều, nhưng chị vẫn chịu khó tìm hiểu các kiến thức phục vụ cho công việc trên internet, rồi các tài liệu nước ngoài...
Với những thành tích tiêu biểu trong công tác, chị Nguyễn Thị Hương vinh dự nhiều lần được nhận các phần thưởng của ngành, liên tục được biểu dương, khen thưởng. Trong đó, giải thưởng “Thẩm phán mẫu mực” chính là động lực tinh thần to lớn để chị nỗ lực không ngừng trên con đường thực thi công lý.