Năm học 2014 – 2015 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai kỳ thi THPT Quốc gia. Dù vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc và băn khoăn trong quá trình triển khai nhưng đây là kỳ thi có nhiều đổi mới và tác động tích cực đến nhận thức của học sinh và phụ huynh…
|
Thí sinh nghe phổ biến quy chế tại điểm thi Trường Đại học Vinh |
Những chuyển biến
Năm học 2014 – 2015, Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành có 180 em đăng ký tại cụm thi địa phương, chiếm tỷ lệ 30%. Thầy Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm nay, tỷ lệ học sinh đăng ký vào các trường đại học ít hơn mọi năm. Đây là một tín hiệu tích cực. Thứ nhất, nó phản ánh đúng thực chất năng lực của các em. Thứ hai, điều đó có nghĩa nhận thức của phụ huynh và học sinh đã có nhiều thay đổi và đa phần đều xác định được “đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp”. Dự kiến, năm học này, số học sinh khối 12 thi để lấy kết quả tốt nghiệp THPT sẽ cao hơn mọi năm. Nhờ xác định được nhu cầu, nguyện vọng của học sinh nên Nhà trường đã sớm lên kế hoạch phân luồng, ôn tập.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương tổ chức một kỳ thi để thực hiện hai mục đích: công nhận tốt nghiệp và lấy điểm xét vào các trường đại học, cao đẳng thì nhận thức của phụ huynh và học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên, tại Nghệ An có gần 40% học sinh đăng ký tại cụm thi địa phương. Điều đó, có nghĩa là hơn 40% học sinh sẽ không thi lên đại học mà quyết định chỉ thi lấy kết quả tốt nghiệp.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, đây là một lựa chọn thông minh, phản ánh đúng nhu cầu sử dụng lao động xã hội, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”; hạn chế tỷ lệ cứ nhân thất nghiệp. Bên cạnh đó, việc lựa chọn cụm thi, trường thi, ngành học cũng giúp các gia đình thí sinh tiết kiệm chi phí, giảm áp lực thi cử. Tỉnh và các địa phương, các trường đại học cũng không phải chịu áp lực về công tác tổ chức thi… Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, thí sinh có quyền lựa chọn môn thi theo đúng năng lực, sở trường của mình. Mặt khác, việc kết hợp điểm trung bình của cả năm lớp 12 với điểm thi để xét tốt nghiệp buộc học sinh phải coi trọng tất cả các môn học, tránh tình trạng học lệch học tủ như trước đây.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia tại Cụm thi Vinh |
Tại Nghệ An, kỳ thi năm 2015, ghi nhận những nỗ lực vượt bậc ở các trường THPT, đặc biệt là ở các trường huyện. Trường THPT Quỳnh Lưu 1 là một trong ba ngôi trường đứng đầu tỉnh về tỷ lệ đậu tốt nghiệp và điểm xét tuyển đại học. Trong đó trường có 16 lượt học sinh đạt điểm xét tuyển đại học từ 27 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên) trở lên.
Trường THPT dân tộc nội trú 2, mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động 3 năm, học sinh đều là con em người dân tộc vùng cao nhưng trong 141 học sinh khóa 12 đầu tiên ra trường thì đã có 131 em học sinh đậu vào các trường ĐH, cao đẳng, dự bị đại học, đạt tỷ lệ gần 93%.
Trường THPT Thanh Chương 1, có 360/458 (đạt trên 78%) học sinh có kết quả thi từ 20 điểm trở lên, 26 học sinh đạt 26 điểm trở lên, trong đó có 11 em đạt 27 điểm trở lên và 3 em đạt 28 điểm trở lên (chưa cộng điểm vùng, điểm ưu tiên). Rất nhiều học sinh đạt điểm cao là con em các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...
Năm 2015, tỉnh đã tuyên dương 101 em đậu điểm cao, trong đó có nhiều em là thủ khoa, á khoa của các trường đại học. Nhiều em nằm trong nhóm những học sinh có điểm số cao nhất cả nước như: Em Nguyễn Thị Minh Chi (lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, huyện Diễn Châu, Nghệ An) được 29, 25 điểm thí sinh có điểm thi khối A cao thứ 2 cả nước; em Cao Thị Trinh, học sinh Trường THPT Diễn Châu 3, đạt 28,25 điểm khối B và đậu Đại học Y khoa Hà Nội. Em Đặng Hoàng Quân, trường THPT Thanh Chương 1, dù thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn thi được 28,75 điểm trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân…
|
…Và kỳ vọng
Nhìn nhận một cách khách quan, kỳ thi THPT quốc gia trong lần đầu tiên tổ chức còn một số vấn đề về mặt kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin. Sự phối kết hợp giữa các trường có khi còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lường trước được những khó khăn trong quá trình xét tuyển, không dự báo được những phức tạp nảy sinh. Học sinh, phụ huynh chưa có kinh nghiệm trong quá trình nhập dữ liệu, hồ sơ, còn nóng vội trong khi chờ kết quả hoặc ít nhiều có những ngộ nhận...
|
Thành viên đội "Tiếp sức mùa thi" Trường ĐH Vinh tư vấn cho thí sinh tại kỳ thi THPT Quốc gia 2015 |
Trước những hạn chế này, phụ huynh học sinh và các nhà trường đang mong chờ vào sự đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Trong đó, cùng với việc phát huy những ưu điểm thì những mặt hạn chế cũng cần phải được khắc phục. Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường Đại học Vinh bày tỏ quan điểm: Quy chế tuyển sinh 2015 về cơ bản khá chặt chẽ. Tuy vậy, việc đăng ký, xét tuyển, hậu xét tuyển, cần xử lý đúng theo luật ngay từ đầu. Đồng thời, Bộ cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới khâu ra đề, nhằm phân loại học sinh, đảm bảo công bằng cho các thí sinh và thuận lợi cho các trường đại học trong quá trình xét tuyển. Một số ý kiến khác thì cho rằng, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cần có sự phối hợp của các Sở Giáo dục và Đào tạo ở khâu đăng ký xét tuyển để tránh tình trạng thí sinh, phụ huynh phải lúng túng và vất vả.
Kỳ thi THPT quốc gia một trong những đổi mới đầu tiên, có tính đột phá của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”. Cho đến thời điểm này, hiện chưa có quy chế về kỳ thi 2016 nhưng theo tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi vẫn được thực hiện theo hình thức “2 trong 1”. Tuy nhiên, theo dự kiến, năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Những vướng mắc trước đây cũng từng bước được sửa đổi.
Ví như, sau khi có kết quả thi, các trường Đại học, cao đẳng tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Mỗi đợt xét tuyển dự kiến rút xuống từ 5 - 7 ngày. Thí sinh căn cứ kết quả thi của mình và quy định của cơ sở đào tạo để đăng ký xét tuyển trực tuyến qua mạng, qua bưu điện, tại trường THPT của sở GD- ĐT hoặc tại trường…
Nguồn: Mỹ Hà/Báo nghệ an