Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Nghệ An tăng hơn 10% so với năm 2014. Nhiều dây chuyền, nhà máy phát huy hiệu quả sau đầu tư, nhiều dự án sau thời gian xây dựng đi vào hoạt động.
Từ công nghiệp dệt may
Có mặt tại nhà máy may công nghiệp Prex Vinh ở Đô Lương một ngày đầu tháng 12, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc hối hả của hơn 4.000 công nhân nơi đây. Anh Trần Đức Long - Kế toán trưởng công ty cho biết hiện nay nhà máy đang gấp rút sản xuất hoàn thiện đơn hàng cho phía đối tác ở Italia, Đức, Colombia vào cuối tháng. Năm 2015 này, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD sang 29 nước, sản phẩm chủ yếu là quần áo thể thao.
|
Kỹ sư, công nhân Nhà máy xi măng Sông Lam 2 (Anh Sơn) kiểm tra dây chuyền sản xuất trước khi vận hành. |
Dệt may hiện đang là một trong những thế mạnh đầu tư của Nghệ An. Trong thời gian ngắn, dòng vốn đổ mạnh vào lĩnh vực này, nhiều nhà đầu tư đã tìm về và chọn Nghệ An làm điểm dừng chân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án dệt may được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Không chỉ ở thành phố Vinh, nhiều dây chuyền may hiện đại đã có mặt tại Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động.
Những lô hàng dệt may xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu gia tăng, thúc đẩy phát triển sản xuất. Theo đề án phát triển dệt may, mục tiêu đến năm 2015 xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch 16 - 20 triệu USD, chiếm khoảng 5,3 - 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh thì đến nay, công nghiệp dệt may đã “lội ngược dòng”. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 thực đạt 90 triệu USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh; sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Đức, Ai Cập, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đến sản xuất xi măng
Lĩnh vực xi măng đang có nhiều chuyển biến, hoạt động sôi động. Ngoài việc nỗ lực để đưa Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2020 và định hướng đến năm 2030; bảo vệ để giữ lại Dự án Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ làm tiền đề cho đầu tư giai đoạn tiếp theo. Một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp xi măng, đó là Tập đoàn xi măng The Vissai đã thành lập Công ty cổ phần xi măng Sông Lam làm chủ đầu tư, chính thức tiếp nhận Dự án xi măng Đô Lương, thực hiện dự án nâng công suất nhà máy từ 900.000 tấn/năm lên 4 triệu tấn/năm. Đồng thời, nhà đầu tư cũng lập dự án đầu tư trạm nghiền xi măng và cảng quốc tế tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) với công suất 4 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư cho cụm dự án là 12.600 tỷ đồng...
Tháng 3/2015, Tập đoàn Hoàng Phát Vissai đã nhận chuyển nhượng Dự án xi măng Dầu khí 12/9 đóng tại Hội Sơn (Anh Sơn), đổi tên thành Công ty CP xi măng Sông Lam 2. Sau khi tiếp nhận, chủ đầu tư đã ký kết với 7 nhà thầu có uy tín và tiềm lực đảm nhận dự án, bảo đảm tiến độ thi công. Ngày 25/8, công ty tiến hành đốt lò nung Clinker, đến ngày 11/9 cho ra sản phẩm đầu tiên, phục vụ nhu cầu cao điểm của thị trường VLXD cuối năm. Hiện công ty sản xuất được 108.000 tấn Clinker, hơn 60.000 tấn xi măng với chất lượng tốt.
|
Hình minh họa. |
Với những chuyển biến của các dự án nêu trên, trong những năm tới, lĩnh vực sản xuất xi măng Nghệ An đang được kỳ vọng đạt sản lượng 10 triệu tấn/năm, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những trọng điểm sản xuất lớn về xi măng của cả nước, vươn tới xuất khẩu.
Và những kỳ vọng mới
Cuối tháng 11, sự kiện Công ty CP Cấp nước Sông Lam tổ chức lễ khánh thành hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại thành phố Vinh với công suất 200.000 m3/ngày đêm sau gần 9 tháng thi công khẩn trương. Trước đó, tháng 11/2015, Nhà máy Masan miền Bắc tại Nghệ An đã chính thức đi vào hoạt động với sản phẩm chính là mì ăn liền Kokomi công suất 50 triệu gói/tháng và nước mắm Nam Ngư công suất 10 triệu lít/tháng.
Cùng trong năm, Nhà máy tôn Hoa Sen giai đoạn 1 cũng được khánh thành tại KCN Nam Cấm. Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen khẳng định: “Việc mở rộng hệ thống sản xuất tại thị trường Nghệ An, với công nghệ hiện đại, Tập đoàn Hoa Sen sẽ ngày càng đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước với phương châm “Bán đúng giá, đúng tiêu chuẩn, đúng chất lượng”...
|
Sản xuất thép trong Nhà máy Tôn Hoa Sen (KKT Đông Nam). Ảnh: H.V |
Xác định phát triển công nghiệp là nền tảng kinh tế, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Từ đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Huy Cương – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2016, ngành đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng 14%. Để đạt mục tiêu đó, ngành tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; đưa hàng hoá, dịch vụ về khu vực nông thôn…
Tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất hiện có, phát huy tối đa năng lực sản xuất như nhà máy bia, thủy điện, các mũi trọng điểm,... Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án như Nhà máy xi măng Sông Lam, VSIP Nghệ An, Nhà máy Tôn Hoa Sen,… Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm theo phân công, nhất là các dự án đang có vướng mắc...
Thu Huyền-Baonghean.vn