Chủ trì phiên họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời chia tay đến các cộng sự lâu năm.
"Ngày 6/4 tôi sẽ kết thúc nhiệm vụ. Phiên họp Chính phủ tới, tôi với 19 đồng chí nữa không có mặt. Tôi có lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc, Văn phòng Chính phủ đã gần 20 năm phục vụ, tạo điều kiện cho tôi thực hiện nhiệm vụ. Cám ơn các chuyên gia tư vấn đã đóng góp rất tích cực", ông nói.
Theo ông, Chính phủ đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng suốt 10 năm qua để thực hiện nhiệm vụ, vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Đánh giá về Chính phủ, về Thủ tướng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã đánh giá rồi. Việc Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm cao nhất với Thủ tướng là sự đánh giá nỗ lực của tập thể Chính phủ.
Ông chúc mừng các thành viên tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ: "Một số đồng chí được giao trọng trách nặng nề hơn như đồng chí Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Trịnh Đình Dũng... Rất mong các đồng chí tiếp tục phát huy, hoàn thành tốt trọng trách cao cả".
Tâm sự với 15 người nghỉ chính sách và với chính bản thân, ông nhủ "ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm ngườiNgười tử tế. Tùy mỗi hoàn cảnh, mỗi đồng chí đóng góp hết sức mình cho đảng, cho dân".
Thủ tướng kết thúc phần tâm sự trong tiếng vỗ tay của các thành viên dự họp, đồng thời gửi quà tặng và tham gia chụp ảnh lưu niệm.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo nhiệm kỳ 5 năm trước Quốc hội hôm 22/3. Ảnh: Giang Huy.
|
Ông Nguyễn Tấn Dũng năm nay 67 tuổi, quê tại Cà Mau, từng tham gia quân đội, làm Trưởng ban cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.
Năm 1981, ông phục viên, kinh qua nhiều chức vụ ở tỉnh Kiên Giang và từ năm 1995 ra Trung ương làm Thứ trưởng Công an.
Năm 1997, ông trở thành Phó thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay khi mới 48 tuổi. Giai đoạn 1998-1999, ông kiêm nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2006, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng trẻ nhất trong 20 năm trước đó.
Tại Đại hội Đảng XII hồi tháng 1 vừa qua, ông cùng 8 Ủy viên Bộ Chính trị không tham gia Ban Chấp hành khóa mới. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu Chính phủ.
Dự kiến, việc miễn nhiệm Thủ tướng được Quốc hội khóa 13 thực hiện ngày 6/4 và hoạt động bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng diễn ra một ngày sau đó.
Báo cáo nhiệm kỳ 5 năm qua trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá đã làm được một số việc như tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất đã đạt kết quả bước đầu. Bộ máy hành chính, theo Thủ tướng, cũng được tinh giản. Chính phủ hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, đã giảm một tổng cục so với đầu nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp. Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách.
"Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả, khắc phục còn chậm; thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu", Thủ tướng nói vàcho rằng tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng tiềm năng. Năm 2015 tăng trưởng cao nhất kể từ 2008 nhưng bình quân cả nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kế hoạch.
|
Nguồn: VNE