Mới đây, trên ti vi bắt đầu “rầm rộ” một chiến dịch truyền thông lên án tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm - một vấn nạn phổ biến ở Việt Nam suốt thời gian dài. Điều làm tôi ấn tượng nhất ở chiến dịch này là những thông điệp được gửi đi từ các nhân vật đại diện cho những thành phần xã hội khác nhau.
|
Những món ăn được chế biến và bán ngay trên đường phố (Nguồn Internet) |
Một bác công nhân hùng hồn khẳng định: “Tôi kiên quyết nói không với những quán ăn không đảm bảo vệ sinh”; một bà nội trợ dắt tay cậu con trai dứt khoát tuyên bố: “Tôi không để cho gia đình mình sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc”; một chủ doanh nghiệp cam kết: “Lương tâm của tôi không cho phép mình bán ra những sản phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”,… Đi kèm với đó là hình ảnh những người dân miệt mài ăn uống ở nơi hè phố, lề đường, bên cạnh những đống rác hay vũng nước thải; những đống thực phẩm thối được đổ trực tiếp xuống nền đất bẩn để xử lý bằng hoá chất; những căn bếp bẩn thỉu, nhầy nhụa nơi người bán thản nhiên chế biến thức ăn phục vụ người tiêu dùng. Những thông điệp và hình ảnh của chiến dịch truyền thông “chào” hè - mùa cao điểm của những vụ ngộ độc thực phẩm - khiến tôi bất chợt rùng mình.
Thành thật mà nói, việc các cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh theo quy định của các cơ quan chức năng không còn là điều quá xa lạ với tất cả chúng ta. Thậm chí, người ta còn phần nào chấp nhận tình trạng đó như thể một chân lý hiển nhiên, một quy luật của xã hội. Rằng cứ nghĩ đến việc “ăn hàng, ăn quán” là người ta lại tặc lưỡi cho qua vấn đề vệ sinh với lý do: nếu muốn sạch thì hãy ăn ở nhà. Đỉnh điểm là khi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, dưới một góc nhìn nào đó, trở thành một nét “văn hoá” đặc trưng mà người nước ngoài trước khi đến Việt Nam đều rỉ tai nhau và sau khi rời Việt Nam thường mang theo những kỷ niệm hy hữu gắn liền với vệ sinh thực phẩm.
Ẩm thực đường phố thực sự là một nét rất riêng của các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Chẳng thế mà những chuyên trang, tạp chí, chương trình thực tế về du lịch nổi tiếng thế giới luôn nhắc đến những món ăn đường phố mà khách du lịch không thể bỏ lỡ khi có dịp đặt chân đến một phần rất “lạ”, rất đặc trưng này của thế giới. Những quốc gia có nền công nghiệp du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia,… đều biết tận dụng sự hiếu kỳ của du khách đối với ẩm thực bản địa, biến kinh doanh thực phẩm gần như trở thành một ngành “công nghiệp”, dịch vụ phục vụ nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức văn hoá. Bằng cách đó, họ đã thành công trong việc nâng tầm ẩm thực đường phố - một “lĩnh vực” hết sức dân dã - thành một nét văn hoá được du khách trầm trồ, ngưỡng mộ.
Tôi cho rằng, để bạn bè quốc tế yêu quý và tôn trọng ẩm thực bản địa, trước tiên chính dân bản địa phải yêu và tôn trọng nền ẩm thực của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn tôn trọng chính bản thân mình khi quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng, đong đếm lợi - hại của những thức đồ bạn chuẩn bị đưa vào cơ thể mình. Quyền được an toàn của người tiêu dùng - điều mà bấy lâu nay chúng ta bỏ quên, không chỉ thể hiện sự hạn chế trong nhận thức và trách nhiệm của người kinh doanh mà còn là lỗ hổng đáng sợ trong nhận thức của bản thân người tiêu dùng. Đừng lập luận rằng thực phẩm bẩn là lựa chọn duy nhất khi chúng ta luôn có quyền từ chối. Vậy bạn đang làm gì: nói không với thực phẩm bẩn hay nói không với quyền được an toàn của bản thân?
Hải Triều-Baonghean.vn |