Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/5; trong đó quy định rõ 10 điều sinh viên không được làm. Mặc dù Thông tư trên chưa đi vào thực tiễn nhưng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Siết chặt quản lý sinh viên
Trong 10 điều sinh viên không được làm, đáng chú ý là hành vi đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng internet.
Thông tư 10/2016 của Bộ GD&ĐT chủ yếu hướng sinh viên đến lối sống lành mạnh trong môi trường học đường (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, sinh viên không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác; hút thuốc, uống rượu, bia trong trường học; say rượu, bia khi đến lớp học.
Sinh viên cũng không được tổ chức hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; cấm tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; thành lập, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; tổ chức, tham gia các hoạt động tập thể mang danh nghĩa cơ sở giáo dục đại học khi chưa được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học cho phép…
Những sinh viên có hành vi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể bị nhắc nhở, phê bình hoặc phải chịu các hình thức kỷ luật tương thích. Cụ thể, sinh viên thi, kiểm tra thay hoặc nhờ thi, kiểm tra thay; làm thay, nhờ làm thay hoặc sao chép tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp sẽ bị đình chỉ học có thời hạn ngay từ lần vi phạm đầu tiên; lần vi phạm thứ hai sẽ bị buộc thôi học.
Trường hợp sinh viên uống rượu, bia trong giờ học; say rượu, bia khi đến lớp; đánh bạc; tàng trữ, truy cập, sử dụng sản phẩm văn hóa đồi trụy; tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định… sẽ bị khiển trách ở lần vi phạm đầu tiên, cảnh cáo ở lần vi phạm thứ hai, tạm đình chỉ học có thời hạn ở lần vi phạm thứ ba và từ lần vi phạm thứ tư sẽ bị buộc thôi học.
Sinh viên đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung không được phép lên mạng xã hội hoặc có hành động quấy rối, dâm ô, xâm phạm nhân phẩm, đời tư của người khác thì tùy theo mức độ, xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học.
Nếu nghiêm trọng thì giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Hình thức kỷ luật của sinh viên từ cảnh cáo trở lên được lưu vào hồ sơ quản lý sinh viên và thông báo cho gia đình sinh viên. Trường hợp sinh viên bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, cơ sở giáo dục đại học phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình sinh viên để phối hợp quản lý, giáo dục.
Nhiều ý kiến trái chiều
Khi quy chế được ban hành, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó nhiều người bày tỏ sự đồng tình, đặc biệt là điều cấm sinh viên đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng internet.
Bởi trong những năm gần đây, khi mạng internet ngày càng được phủ sóng rộng rãi, hầu hết sinh viên đều tham gia các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận trong số đó sử dụng nó với những động cơ, mục đích không lành mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, đạo đức của sinh viên. Nhiều sinh viên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải những thông tin có nội dung bôi xấu, hạ nhục danh dự, nhân phẩm của người khác.
Các thế lực phản động thường sử dụng các hình ảnh, bài viết tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Điều đáng nói là, có không ít người, đặc biệt là sinh viên do nhận thức còn non kém, không kiểm chứng tính xác thực của thông tin nên đã tham gia bình luận, chia sẻ.
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng, những điều cấm này đều được quy định trong những điều luật của Bộ luật Hình sự do Quốc hội ban hành, hoặc đã được quy định trong quy chế của các trường từ lâu.
Hơn nữa, các trường đại học có chức năng nghiên cứu, đào tạo, giáo dục sinh viên trở thành những công dân tốt, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật nhưng nhà trường không thể thay thế các cơ quan thực thi pháp luật làm nhiệm vụ xác định tội phạm hay giám sát, kiểm tra hành vi phạm tội kể cả ngoài đời sống hay trên mạng xã hội.
“Chúng tôi có hàng nghìn sinh viên, phần lớn trong số này đều sử dụng mạng xã hội, do vậy rất khó để kiểm soát các em. Về Thông tư mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành, theo tôi là để hướng dẫn, nhắc nhở và giáo dục là chủ yếu. Thực tế, ngoài việc học, sinh viên đã nhận thức rất rõ các quy định của pháp luật, vì vậy, 10 điều cấm mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành chỉ là những quy tắc ứng xử, giúp sinh viên sống lành mạnh, có văn hóa với nhau hơn khi còn ngồi trên ghế giảng đường”, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Soa, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trường Đại học Vinh cho biết.
Phản hồi báo chí và dư luận về Thông tư vừa ban hành, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Việc khai thác thông tin trên mạng là quyền của sinh viên nhưng không nên đăng tải, chia sẻ những thông tin mang tính chất dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và những thông tin xuyên tạc, bịa đặt… nhằm tạo môi trường lành mạnh”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng thừa nhận, việc quản lý sinh viên còn nhiều khó khăn, vì vậy cần phát huy vai trò của các trường. Hiện tại, một số trường đã có thể theo dõi sinh viên thông qua các tài khoản. Việc đánh giá thế nào là dung tục, phản cảm cũng giao cho Sở GD&ĐT xem xét trong từng trường hợp cụ thể.