Vụ Xuân năm nay, người dân xã Hưng Hòa, TP Vinh đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hàng chục héc-ta nuôi tôm ở xã Hưng Hòa bị chết hàng loạt khiến người dân gặp không ít khó khăn.
Vụ Xuân năm nay, gia đình ông Lê Văn Cư – xóm Phong Yên, xã Hưng Hòa, TP Vinh thả nuôi 3 hồ tôm thẻ chân trắng với diện tích 1,5ha. Trước khi thả tôm giống, ông thực hiện các bước xử lý nước, cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật. Thế nhưng, tôm nuôi được gần 1 tháng, bắt đầu đến thời điểm tăng trưởng nhanh thì tại 2 hồ nuôi có hiện tượng tôm bơi lờ đờ, nổi đầu lên mặt nước và vài hôm sau chết đỏ cả lòng hồ. Theo ông Lê Văn Cư - xóm Phong Yên, xã Hưng Hòa, TP Vinh: "Gia đình tôi nuôi tôm trên 15 năm nay. Chưa bao giờ có hiện tượng tôm chết hàng loạt, thiệt hại lớn như năm nay…".

Ông Lê Văn Cư bên đầm tôm của mình
Hiện nay, xã Hưng Hòa có gần 350 hộ nuôi tôm tại các xóm Phong Đăng, Phong Quang, Phong Hảo, Phong Yên, Phong Thuận với tổng diện tích trên 152ha. Trước khi bước vào vụ nuôi, xã chỉ đạo nhân dân cày bừa, làm lại bờ ao kẻ bạt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc tôm. Tuy nhiên, trong vòng khoảng gần 20 ngày từ đầu tháng 4 cho đến nay, toàn xã có 40 hồ nuôi tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng với diện tích gần 20ha, thiệt hại ban đầu ước tính gần 1 tỷ đồng. Ông Trần Cao Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: "Năm nay, dịch bệnh trên tôm xuất hiện sớm hơn so với mọi năm và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp do người dân chỉ mới khoanh vùng khống chế dịch và xử lý tạm thời bằng vôi bột chứ chưa có biện pháp xử lý về thuốc để dập tắt mầm bệnh".

Tôm chết hàng loạt gây thiệt hại kinh tế lớn cho người dân
Nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh trên tôm lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng là do các hồ nuôi ở Hưng Hòa canh tác từ lâu, chất đất, chất tái tạo trong đất, độ PH giảm dần theo thời gian. Hiện nay, ao hồ nuôi đã xuống cấp, hệ thống hạ tầng, kênh tiêu, kênh cấp chưa được đầu tư đồng bộ. Người dân chưa áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, năm nay nhà nước không có chủ trương hỗ trợ thuốc cho những vùng nuôi quảng canh như ở Hưng Hòa nên đến nay người dân vẫn chưa có thuốc để xử lý triệt để, vì vậy dịch bệnh dễ lây lan trên diện rộng. Bà Đặng Thị Thanh Tâm - Trạm trưởng Trạm thú y TP Vinh nói: "Sau khi phát hiện ra dịch, Trạm thú y đã lấy mẫu đi xét nghiệm và trình xin cấp trên hỗ trợ hóa chất cho người dân dập dịch. Nhưng do người dân nuôi mật độ không đúng quy định nên theo quy định 187…"
Theo dự báo, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm phát triển. Trong khi chưa có sự hỗ trợ từ cấp trên, các ban ngành thành phố và UBND xã Hưng Hòa cần phối hợp với người dân có biện pháp xử lý triệt để mầm bệnh, tránh để lây lan ra diện rộng.
Võ Huyền