Đến các đại lý trên địa bàn thành phố Vinh, hầu hết trên các kệ hàng của cửa hàng bách hóa, sữa nội đã chiếm một số lượng "áp đảo"…
Những năm trước đây, trên thị trường Nghệ An sữa bột ngoại nhập nguyên hộp và sữa của hãng thương hiệu nước ngoài nổi tiếng như Abotte hay các dòng sữa XO (Hàn Quốc), sữa Nan(Nga), sữa Meji của Nhật luôn là sự quan tâm “số một” của các bà mẹ “bỉm sữa” có con nhỏ. Có những thời điểm sữa bột ngoại chiếm số lượng áp đảo trên các kệ hàng. Tâm lý của người tiêu dùng cũng chạy theo, cho rằng chỉ có sữa ngoại là tốt.
Chính tâm lý “sính hàng ngoại” và chỉ tin dùng sữa bột ngoại của người tiêu dùng đã khiến cho một thời gian dài, giá các mặt hàng sữa ngoại thay đổi chóng mặt, chủ yếu là theo cấp độ tăng dần nhưng người tiêu dùng không ngại “móc” tiền túi ra mua. Chính vì thế, thời điểm đó “sữa nội” mặc dù giá rẻ bằng một phần ba vẫn không qua mặt nổi các thương hiệu sữa ngoại nổi tiếng đang “hoành hành” trên thị trường. Trong những năm 2012 - 2013, khi các vụ bê bối về sữa nhiễm “melamin”, sữa không đảm bảo thành phần, sữa xách tay không rõ nguồn gốc… được phanh phui thì sức hút của sữa ngoại có phần giảm sút.
|
Người tiêu dùng ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào sữa nội. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, nhờ có các chính sách kinh doanh phù hợp các hãng sữa nội đã đưa ra các chiến lược phát triển, tập trung cải thiện và đa đang hóa sản phẩm sữa bột, không chỉ có sữa bột từ nguyên liệu sữa bò, mà sữa bột từ nguyên liệu sữa dê được khai thác. Nhận thấy chất lượng là yếu tố tiên quyết cho sức mạnh của sản phẩm các hãng sữa Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm sữa bột để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Tiêu biểu như hãng sữa Vinamilk với các dòng sản phẩm sữa bột cho trẻ thấp còi, biếng ăn, sữa công thức cho trẻ dưới 6 tháng, sữa bột của Cô gái Hà Lan, sữa tăng trưởng chiều cao của Nutifood được người tiêu dùng đánh giá cao và có nhiều phản hồi tích cực… Bên cạnh đó, yếu tố giá cả ổn định, ít có biến động đã tạo nên sức hút của sữa “nội”, sữa Nutifood grow có giá khoảng 380.000 đồng/hộp (loại 800g), sữa pediasure của Vinamilk dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/hộp… Trong khi đó, sữa Nan của Nga có giá 415.000 đồng/hộp loại 800g, sữa Meiji của Nhật có giá 385.000 - 390.000 đồng/hộp.
Đến các đại lý trên địa bàn thành phố Vinh, hầu hết trên các kệ hàng của cửa hàng bách hóa, sữa nội đã chiếm một số lượng “áp đảo”… Theo một số đại lý sữa lớn trên địa bàn thành phố Vinh, sữa bột nội đang ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn, lượng bán ra tương đương 70 - 80%, sữa ngoại hiện chỉ còn 20 - 30%. Nhiều chị cho biết trong những năm gần đây nhờ tìm hiểu kỹ càng và nhận thấy sữa bột “ngoại” chưa hẳn đã tốt hơn sữa “nội”, người mua nên tìm hiểu các thành phần trên hộp sữa để biết loại nào là phù hợp với con.
Như vậy, có thể thấy ngoài những yếu tố cơ bản thuyết phục người tiêu dùng là giá cả và hệ thống phân phối rộng khắp…, thì trong khoảng thời gian từ khi xuất hiện cho tới nay, việc chưa có “điều tiếng” về chất lượng, cũng như an toàn thực phẩm của các sản phẩm sữa bột được cung cấp từ các nhà sản xuất trong nước đã trở thành những yếu tố “tạo nên sức mạnh” cho sản phẩm sữa bột của Vinamilk, Nutifood, Cô gái Hà Lan…
Chính điều này, càng cho thấy sức mạnh của sữa bột “nội” trên thị trường hoàn toàn không bị lép vế trước sữa “ngoại”, thậm chí có thể đánh bật sữa “ngoại” nếu biết quan tâm, đầu tư đúng hướng thì không có lý do gì mà người tiêu dùng quay lưng với sữa “nội”.
Kim Ưng-Baonghean.vn