Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Y tế lên “kịch bản” dự báo tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và đời sống của người dân sau khi tăng viện phí đồng thời nghiên cứu viện phí áp dụng cho đối tượng không có bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian tới. Dự kiến, viện phí sẽ được điều chỉnh vào cuối tháng 8-2016 với mức tăng khoảng 50% so với viện phí trước tháng 3. Trước mắt, viện phí sẽ tăng tại những tỉnh, thành phố có số người dân tham gia BHYT đạt tỉ lệ cao.
Điều chỉnh thành nhiều đợt
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, cho biết bộ này đang đề xuất điều chỉnh viện phí mới thành nhiều đợt, mỗi đợt thực hiện từ 8-12 tỉnh, thành phố và trước mắt chỉ áp dụng cho người có BHYT.
Theo đó, đợt điều chỉnh đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 8-2016 với các địa phương có tỉ lệ dân số tham gia BHYT từ 95% trở lên; từ tháng 10 tại các tỉnh, thành có tỉ lệ khoảng 90%; tháng 11 tại các địa phương có tỉ lệ trên 85% và tháng 12 tại nơi có tỉ lệ trên 80%. Các tỉnh, thành còn lại sẽ áp dụng viện phí mới vào tháng 1-2017. Các bệnh viện (BV) thuộc trung ương đóng tại địa bàn nào thì sẽ điều chỉnh cùng thời điểm điều chỉnh viện phí tại địa phương đó.
|
Trước mắt, việc tăng viện phí các đợt tiếp theo sẽ thực hiện với bệnh nhân có thẻ BHYT |
Theo danh sách BHXH Việt Nam cung cấp, 5 tỉnh hiện có tỉ lệ bao phủ BHYT từ 95% dân số trở lên là Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Như vậy, nếu đề xuất của Bộ Y tế được thông qua thì 5 tỉnh này sẽ tăng viện phí vào cuối tháng 8.
Trước đó, vào tháng 3, liên bộ Tài chính - Y tế đã điều chỉnh giá của gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế. Giá điều chỉnh lần đó mới chỉ cộng thêm phụ cấp trực ngày/giường và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Trong đợt điều chỉnh sắp tới, viện phí sẽ bao gồm cả lương nhân viên y tế. Theo tính toán, viện phí lần này sẽ tăng khoảng 50% so với trước thời điểm tháng 3.
Đến nay, 9 BV trực thuộc Bộ Y tế tự chủ hoàn toàn về tài chính đã được tính viện phí bao gồm cả lương và phụ cấp ngay từ ngày 1-3. Cụ thể, đó là các BV: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Tai Mũi Họng Trung ương, Mắt Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương, Răng Hàm Mặt TP HCM, Nội tiết và Phụ sản Trung ương.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết ngoài gần 1.900 dịch vụ đã được điều chỉnh, BHXH Việt Nam còn phối hợp với Bộ Y tế ban hành giá của hơn 17.000 dịch vụ kỹ thuật khác và “phiên tương đương” cho hơn 6.000 dịch vụ của 26 chuyên khoa khác nhau.
“Danh mục kỹ thuật BHYT chi trả hiện có gần 25.000 dịch vụ, đầy đủ các danh mục kỹ thuật. Các BV sẽ không còn phải lúng túng, khó khăn trong việc thanh toán BHYT vì không tìm được kỹ thuật đã điều trị cho bệnh nhân trong danh mục quy định” - ông Sơn nhìn nhận.
Bảo hiểm “gánh” hộ người bệnh
Theo tính toán, với việc đưa lương vào viện phí, đợt điều chỉnh lần này sẽ có hàng chục ngàn dịch vụ kỹ thuật tăng giá, với mức tăng trung bình khoảng 50%.
Đơn cử, dịch vụ phá thai to từ tuần 13 đến tuần 22 tăng từ 430.000 lên 1 triệu đồng; mổ quặm 4 mi gây tê tăng từ 790.000 đồng lên gần 1,2 triệu đồng; cắt amidan gây mê tăng từ 660.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng; cắt ung thư vùng hàm mặt và tạo hình tại chỗ từ 5,9 triệu đồng lên 7,2 triệu đồng, cắt ung thư lưỡi từ 6,8 triệu đồng lên 8,2 triệu đồng; cắt u máu, u bạch huyết lồng ngực từ 6,7 triệu đồng lên gần 8 triệu đồng…
Các dịch vụ kỹ thuật như: siêu âm đen trắng từ 30.000 đồng tăng lên 49.000 đồng/dịch vụ, siêu âm 4D từ 407.000 đồng lên 446.000 đồng, chụp X-quang từ 36.000 đồng lên 47.000 đồng… Giá khám bệnh tại các BV hạng đặc biệt và hạng I tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng/lượt, BV hạng II từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng, BV hạng III từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng, BV hạng IV từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.
Cùng đó, giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực tại các BV hạng đặc biệt cũng tăng từ 354.000 đồng lên 677.000 đồng/ngày/người. Giường bệnh loại đặc biệt đối với các bệnh nội khoa: hô hấp, truyền nhiễm, ung thư, tim mạch… từ 99.000 đồng lên 215.000 đồng/ngày/người. Giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, sản không mổ, tai biến… cũng tăng từ 89.000 đồng lên 192.000 đồng/người/ngày…
Ông Nguyễn Nam Liên cho hay sau khi viện phí tăng với đối tượng có BHYT, Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất tăng viện phí với đối tượng chưa có BHYT. Với mức tăng viện phí như vậy, nếu người dân không có BHYT sẽ gặp khó khăn rất lớn khi ốm đau.
“Hiện nay, vẫn còn 23,5% dân số chưa tham gia BHYT. Do đó, thời gian tới, ngành BHXH cũng như các bộ, ngành khác cần có các biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của BHYT” - ông Liên nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, sau hơn 2 tháng thực hiện viện phí mới, dù cộng thêm phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật nhưng người bệnh vẫn hạn chế được chi phí tiền túi do phải mua thêm vật tư bên ngoài. Chẳng hạn, với thủ thuật xông tiểu, trước đây người bệnh phải mua thêm dây xông bên ngoài với giá dịch vụ thì nay, dù phải đồng chi trả thì mức thanh toán vẫn thấp hơn giá vật tư mà họ phải bỏ tiền túi ra mua riêng.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), nhận xét viện phí tăng giúp người bệnh được hưởng dịch vụ chất lượng hơn, đỡ chi tiền hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 30%-40% bệnh nhân điều trị tại BV Việt Đức chưa có BHYT, trong khi các dịch vụ ở BV tuyến cuối như Việt Đức có giá rất cao. Nếu người dân không tham gia BHYT thì khi bị tai nạn, cấp cứu có chỉ định phẫu thuật và sử dụng kỹ thuật cao sẽ rất nặng gánh viện phí.
Trục an sinh xã hội quan trọng
Tại hội nghị giao ban trực tuyến về BHYT mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng BHYT là trục an sinh xã hội quan trọng nhất. Hiện nay, người nghèo đã được quan tâm mua BHYT từ nguồn ngân sách nhưng các ngành liên quan cần tìm kiếm thêm nhiều giải pháp nhằm tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT. “Nâng tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90% để mọi người đều được hưởng phúc lợi quan trọng này, đặc biệt là các hoàn cảnh khó khăn, người nghèo...” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo BHXH Việt Nam, dự kiến đến cuối năm 2016, tỉ lệ người dân tham gia BHYT có thể đạt 78%.
|
Nguồn: Báo lao động