UBND tỉnh Nghệ An vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về thành Phượng Hoàng Trung Đô. Tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị xúc tiến việc tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại tỉnh này.
Vùng đất tứ linh
Theo các tài liệu lịch sử, vào ngày 1-10-1788, Hoàng đế Quang Trung đã ban chiếu gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp về việc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Trong chiếu thư gửi La Sơn phu tử, vua Quang Trung viết: “Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Châu Lộc, xã Yên Trường hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy”.
Đền vua Quang Trung ngày nay ở khu vực núi Quyết, TP Vinh, tỉnh Nghệ An
Trước đó, trong những lần ra Bắc tiêu diệt quân chúa Trịnh hay đại phá quân Thanh, vua Quang Trung đã có ý xây dựng kinh đô tại Nghệ An. Nhà vua đã giao cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp xem cuộc đất và xây thành.
Sau đó, khi nhận được tấu trình của quan trấn thủ Nghệ An về việc La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp chưa cho tiến hành chọn đất, xây dựng thành, Hoàng đế Quang Trung đã viết chiếu thư đôn đốc: “Trước đây đã nhờ phu tử về Nghệ An để coi đất đóng đô, sao tới nay ta quay về thấy việc đó chưa làm? Vì thế, ta phải thẳng về Phú Xuân để binh sĩ dưỡng sức và viết chiếu này ban xuống để phu tử hãy cùng với quan trấn thủ bàn bạc, xem xét đất đai để đóng đô tại Phù Thạch (trên bờ sông Lam, dưới chân núi Nghĩa Liệt - PV). Hành cung hãy dựng dựa lưng vào sát núi. Cuộc đất được chọn tùy nơi phu tử dùng con mắt tinh tường mà sớm định. Hãy mau mau chọn gấp, giao cho trấn thủ xây dựng cung điện thật nhanh, sao cho trong vòng 3 tháng phải xong”.
Nhận được chiếu thư của hoàng đế, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã viết tấu trình khuyên không nên xây dựng kinh đô tại Phù Thạch mà chọn vị trí khác là Yên Trường và vua Quang Trung đã đồng ý. Vị trí được vua Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô là vùng đất giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Cánh Phượng và núi Con Mèo) ở Yên Trường, Châu Lộc, Nghệ An - nay là phường Trung Đô, TP Vinh.
Đây là vùng đất hội tụ cả long - ly - quy - phượng để xây thành, gọi là thành Phượng Hoàng Trung Đô. Cụ thể, móm đá về phía Tây có hình dáng long gọi là Mũi Rồng. Chi chạy theo hướng Đông Nam có hình dáng loan cánh phượng, tục gọi là Phượng Hoàng. Chi chạy về phía Nam gọi là Kỳ Lân hay núi Con Mèo, chi chạy theo hướng Đông Bắc mang tên Cồn Rùa.
Theo các nhà nghiên cứu, khu vực Quang Trung chọn xây dựng thành là vùng đất đắc địa, “âm phù dương trợ, quần phong tụ khí”. Địa thế của thành rất dễ giữ vì phía trước có sông Cồn Mộc và sông Lam, phía bên có núi Quyết - vốn là hào và thành thiên nhiên che chắn, bảo bọc. Sau khi chọn được đất, vua Quang Trung đã trực tiếp giao cho trợ thủ thân tín nhất của mình là Trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu gấp rút xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.
Tầm nhìn chiến lược
Hiện nay, thành Phượng Hoàng Trung Đô chỉ còn lại dấu tích nhạt nhòa tại khu vực phường Trung Đô, TP Vinh. Tuy nhiên, theo các tư liệu lịch sử thì ngày xưa, khu vực này được xây dựng với các công trình khá đầy đủ như thành nội, thành ngoại, lầu rộng, cung điện...
“Hoàng Lê nhất thống chí” đã viết: “Quang Trung liền sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu 3 tầng cùng 2 dãy hành lang để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ”.
Trong khi đó, sách “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp” của GS Hoàng Xuân Hãn cũng ghi: “Ngoài các vách núi làm bức lũy tự nhiên còn phải đắp bờ thành Nam dài 300 m, bờ thành Tây dài 450 m và các nền cao thì ngang dọc cũng chỉ chừng 20 m”...
Nhiều chuyên gia khảo cổ cho rằng về mặt địa lý, việc chọn Nghệ An để xây dựng kinh đô đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hoàng đế Quang Trung. Bởi lẽ, Nghệ An cách Thăng Long 300 km, cách Phú Xuân trên 300 km, nằm vào khoảng giữa nên rất thuận tiện trong việc quản lý cũng như đi lại của quân và dân. Trong chiếu thư gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (ngày 3 tháng 9 năm Thái Đức 11, tức năm 1788), nhà vua giải thích: “Nay kinh đô ở Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà địa thế khó khăn. Đình thần nghị rằng chỉ đóng đô ở Nghệ An là đường vừa cân vừa khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ giúp cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về”.
Tuy nhiên, khi sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung đang ở đỉnh cao, thành Phượng Hoàng Trung Đô đang xây dựng dang dở thì một ngày mùa thu năm 1792, nhà vua lâm trọng bệnh. Biết không qua nổi, nhà vua cho triệu Trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Phượng Hoàng Trung Đô. Trước khi lâm chung, nhà vua đã căn dặn Trần Quang Diệu và quần thần: “Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử tư chất dù hơi cao nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất... Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không, quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân…”.
Hoàng đế Quang Trung mất, Quang Toản lên thay, triều đại Tây Sơn kéo dài thêm một thời gian ngắn thì sụp đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi, thành Phượng Hoàng Trung Đô bị rơi vào quên lãng theo thời gian.
Nghi vấn nơi chôn cất Quang Trung
Năm 2011, tại TP Vinh đã diễn ra cuộc hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô”. Tại cuộc hội thảo có sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, một số ý kiến đã đưa ra nghi vấn về việc thi hài thật của vua Quang Trung được an táng ở khu vực thành Phượng Hoàng Trung Đô trước đây, tức khu vực núi Quyết hiện nay.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), trước khi băng hà, vua Quang Trung hoàn toàn không muốn nằm lại tại khu lăng mộ chính thức ở Huế để trở thành mục tiêu đào phá đầu tiên của Gia Long mà bày tỏ nguyện vọng được trở về quê cha mẹ ở Nghệ An. Tuy nhiên, GS Ngọc cho rằng cần phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu về giả thuyết này.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Bản - nguyên Bí thư Thành ủy TP Vinh, trưởng nhóm tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An - đưa ra lập luận: “Trong 3 tháng án binh bất động ở thành Phú Xuân với bên ngoài chính là thời điểm những người thân tín của Hoàng đế Quang Trung chuẩn bị thực hiện lễ an táng thi hài giả của nhà vua. Thi hài hoàng đế thật được đưa theo đường biển ra khu vực Cửa Hội rồi ngược theo sông Lam vào an táng tại lăng mộ đã có sẵn ở Phượng Hoàng Trung Đô”.
Liên quan đến việc phục hồi di tích Phượng Hoàng Trung Đô, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các hội thảo khoa học về thành Phượng Hoàng Trung Đô, hướng tới việc phục hồi di tích này. Tỉnh nghệ An cũng kiến nghị xúc tiến việc tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An.
Bức ảnh năm 1930
Đến năm 1930, dấu tích về thành Phượng Hoàng Trung Đô còn được miêu tả khá rõ qua bức ảnh chụp từ trên máy bay. Bức ảnh này đã được đưa vào tác phẩm “An Tĩnh cổ lục” của Le Breton - một học giả người Pháp.
Thành Phượng Hoàng Trung Đô chụp từ máy bay (trích trong “An Tĩnh cổ lục” của Le Breton).
Nhờ bức ảnh này mà chúng ta có thể thấy được thành Phượng Hoàng gần như hình tam giác, các bức tường còn thể hiện rất rõ. Thành phía Đông Bắc chạy sát theo chân núi Quyết (Phượng Hoàng), phía Nam cắt ngang qua núi Mèo (Kỳ Lân), phía Tây kéo dài qua cánh đồng theo một đường thẳng lên sát Mũi Rồng (một nhánh của núi Dũng Quyết).
|