"Thay vì cấm dạy thêm học thêm, chúng ta nên chăng nghiên cứu, bổ sung và thực hiện Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm một cách khoa học và thực tế", độc giả Nguyễn Minh Duy đề xuất.
Một chủ đề đang được dư luận bàn tán xôn xao hiện nay là dạy thêm học thêm đi cùng những hệ quả mà nó mang lại. Đặc biệt là sau khi một lãnh đạo ra “lệnh” cấm dạy thêm học thêm thì xuất hiện đủ ý kiến: đồng ý có, không đồng ý có. Theo quan điểm của cá nhân tôi, mọi người hầu hết chỉ nêu lên ý kiến một cách cảm tính mà không tìm hiểu vấn đề một cách rõ ràng.
Tại sao tôi nói như thế? Là bởi tôi thấy đa số ý kiến đánh giá dựa trên dư luận mà không có một phân tích cụ thể khách quan nào. Tôi xin được trích dẫn thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm học thêm. Ở chương I, Điều 4, các trường hợp không được dạy thêm:
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Nếu nhìn vào điểm b), mục 4 thì rõ ràng các ý kiến thường lập luận kiểu như: giáo viên trên lớp không dạy hết, đủ kiến thức hoặc đì học sinh để đem về nhà dạy là hoàn toàn bị bác bỏ. Điều này, nếu có xảy ra khi và chỉ khi cả bộ môn hay cả trường cùng đì học sinh để đồng nghiệp khác của mình có dịp dạy thêm. Đây là điều không tưởng.
Còn nếu dạy thêm trong trường thì thủ tục rất rõ ràng, cơ bản là: Nhà trường đứng ra tổ chức, thu tiền và phát lại cho giáo viên dạy thêm, học sinh tự chọn giáo viên thích hợp để học. Như vậy tiêu cực dạy thêm trong trường xảy ra khi và chỉ khi lãnh đạo và giáo viên cùng đồng lòng. Đây cũng là điều không tưởng.
Thật ra với góc độ người trong cuộc, tôi thấy đa số giáo viên than phiền rằng thông tư 17 quá “siết”, những giáo viên và học sinh thực sự muốn dạy, học thêm một cách tích cực cũng thấy rất khó khăn, thủ tục nhiêu khê.
Như vậy có thể khẳng định tiêu cực của việc dạy thêm học thêm chỉ xảy ra khi giáo viên không thực hiện đúng Thông tư 17.
Không thể phủ nhận những mặt tích cực của dạy thêm học thêm góp phần nâng cao chất lượng học sinh, đó còn là nhu cầu tự nhiên: nhu cầu nâng cao kiến thức của mỗi người (đối với học sinh) và nhu cầu kiếm thêm thu nhập từ chuyên môn (đối với giáo viên). Không chỉ ngành giáo dục mà các ngành khác họ vẫn có quyền kiếm thêm thu nhập từ chuyên môn của mình bằng cách làm thêm giờ (điều mà tôi tin chắc ai cũng ngán ngẩm, mệt mỏi): công nhân tăng ca, bác sĩ khám ngoài giờ…
Xin khẳng định các nước phát triển trên thế giới đều có dạy thêm học thêm dù ở mức độ này hay mức độ khác. Ngay cả phụ huynh, ai không muốn con mình giỏi hơn các bạn khác? Và đa số phụ huynh cho con học thêm cũng vì mục đích đó, còn cho con học thêm vì sợ bị đì chỉ là số ít. Nhưng vì cái số ít đó mà đáng buồn là trong thời đại hội nhập ngày nay lại còn tư tưởng cái gì quản không được là cấm!
Một cánh đồng lúa thơm ngát bao giờ cũng lẫn đâu đó những bụi cỏ dại, nhiệm vụ của chúng ta tìm cách diệt cỏ dại chứ không phải là khai tử cánh đồng. Mặc dù, cách thứ hai dễ làm hơn nhiều.
Thay vì “cấm” dạy thêm học thêm, chúng ta nên chăng nghiên cứu, bổ sung và thực hiện Thông tư 17 một cách khoa học và thực tế? Nếu được như vậy thì dẫu cho còn sót vài bụi cỏ dại nhưng ít ra cánh đồng của chúng ta tiếp tục tỏa hương thơm ngát, mang lại nhiều hương vị ngọt ngào cho cuộc sống.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Duy
Nguồn tin: Báo VnExpress
|