Những gốc đại nằm trong sân khu nhà Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ấn tượng với tôi và cô bạn thân học chung cấp hai từ những ngày bảo tàng vừa được xây dựng, những tán cây mới trồng còn lúp xúp trên đầu chúng tôi một chút. Trải bao mưa dầm nắng gắt, những đóa hoa trĩu trịt ken dày thêm theo từng mùa trên những tán cây thấp loà xòa. Chỉ vài năm cây đã lớn vổng như những chàng trai lực lưỡng trong sân bảo tàng. Chúng tôi vẫn thường đưa sách vở ra ghế đá, dưới những gốc hoa đại ngồi học bài. Mùi hương len dịu trên những trang sách vở kề cận mùa thi.
1. Nhà tôi nằm trên một con đường nhỏ ở Vinh, đường Nguyễn Công Trứ. Nhà cách đền Hồng Sơn vài trăm bước chân. Cảm giác những sáng mùa hè đi chợ ngang qua đền Hồng Sơn thật thú vị, lạ lẫm, dù đó vẫn là con đường quen thuộc mỗi ngày. Bên ngoài bờ tường là những hàng chè xanh, ngọn bù, rau muống… nối thành con đường lắm sắc màu, nhộn nhạo tiếng người cười, nói, bán mua, trả giá. Bên trong là khu vực đền um tùm cây cối, ríu ran tiếng chim hòa ca. Chỉ dăm gốc đại trong um tùm ấy nhưng hương thơm vượt qua hết thảy, nương theo tiếng chuông chùa, cùng với tiếng chim băng qua bức tường ngăn phố chợ với khuôn viên đền chùa linh thiêng, lặng lẽ dâng hương.
|
Từng chùm hoa ken dày, ngan ngát hương thơm |
2. Hình như nhiều người dân Vinh có thói quen thả hoa đại rụng vào tô nước. Một kiểu “chưng” hoa, tận dụng hoa rất dễ tính, có vẻ xuề xòa. Thực ra sau sự xuề xòa ấy là những tinh tế. Bạn tôi kể, chị vẫn giữ thói quen dâng lên bàn thờ bố mình những cánh hoa đại rụng vì khi còn sống ông vẫn thích thả hoa đại vào nước. Ông nói, hoa còn đẹp cả khi đã rụng thì mình càng phải trân quý. Và hoa không phụ lòng người, còn tươi thêm được dăm ngày trong bát nước, ngan ngát dâng hương trong căn nhà nhỏ. Đó là lý do vì sao cây đại trước nhà chị năm nào đó bị mưa gió giật gãy tét nửa cây, nhìn như thể một người đưa cánh tay còn lại lên trời, dáng vẹo vọ nhưng chị vẫn gìn giữ, không chặt. Cây đại ấy gắn với chị bởi những kỷ niệm về người bố mình trân quý.Ông Đạt, người coi quản, cho chữ trong đền Hồng Sơn ngày nào có đôi mắt ấm áp, lông mày rậm, tóc búi củ tỏi gọn gàng sau đầu, hàng ngày vẫn mặc bộ quần áo nâu đạp xe từ đền về nhà, ngang qua nhà tôi. Trước xe đạp ông có tay nải cũng màu nâu đựng trái cây lộc cúng đền. Ông dùng trái cây ấy chia cho đám trẻ con gặp dọc đường đi, về tới nhà tôi thì túi đã xẹp, tới nhà ông thì không còn gì trong đó. Hình ảnh ông đẹp, thong dong tới mức khi cô giáo ra đề văn tả người ông yêu quý, tôi đã tả ngay ông. Bài văn được 9 điểm, mẹ khoe với ông. Từ đó ông luôn dành thêm vài bông hoa đại rụng nhưng còn tươi nguyên để đưa cho tôi mỗi khi cho trái cây. Ông thường trêu: “Phần thưởng dành cho cô cháu lãng mạn”. Mẹ bày tôi cách thả hoa đại rụng vào tô nước, hương hoa thơm ngát cả gian nhà.
|
Hoa đại ở mộ Đội Cung |
Ở con đường chạy từ mộ Đội Cung tắt ra đường Đặng Thái Thân, một dạo không hiểu sao nhiều nhà trồng hoa đại trước sân nhà. Tôi đùa, hay tại đầu đường là “nhà” ông Đội Cung có gốc đại cổ thụ nên nhà nhà cũng… bắt chước. Chị bạn cười cười giải thích, chắc tại chẳng có cây nào dễ tính mà ích lợi hơn cây đại. Chỉ cần xin đâu đó về một cành đủ già, cắm xuống đất là có thể nảy rễ, đâm chồi. Tán cây cho bóng mát, hoa tỏa hương, hoa rụng còn làm thuốc trị đau đầu, cao huyết áp…
Chị kể cho tôi nghe chuyện cổ tích về hoa đại. Câu chuyện bố chị đã kể cho nghe vào ngày thơ ấu. Hoa đại hay có thể là cách đọc chệch ra từ hoa đợi. Chuyện kể về chú hươu gắn bó với người bạn nhỏ là một cậu bé. Một ngày kia, cậu bé có việc đi xa, chú hươu đã mỏi mòn đợi cậu bé trở về. Đợi mãi, đợi mãi cho tới khi không còn sức lực, chú gục ngã. Nơi chú hươu tội nghiệp nằm xuống một loài cây thế cành trơ xương tựa sừng hươu mọc lên, đầu cành có những chùm hoa thơm đậm, trắng muốt pha những chút màu vàng sắt son... Nhiều năm sau cậu bé mới xong việc, trở lại chốn cũ thăm hươu, thấy cây hoa lạ có hình dáng sừng hươu, biết là hoá thân của hươu nên đã đem về. Khi ngang qua cổng chùa, sư ông nghe cậu bé kể câu chuyện tình nghĩa cảm động đã xin một cành để trồng. Có lẽ vì thế mà cây hoa đại cũng được trồng nhiều nơi thờ Phật. Chị hiểu bài học thủy chung, tình nghĩa và thiêng liêng từ câu chuyện cảm động về một loài hoa đẹp.
3. Nhiều góc đường, hẻm phố Vinh có nhiều gốc đại. Mẹ tôi thường đưa than tổ ong vào tận những nhà nằm ở phường Đông Vĩnh, Hồng Sơn, khi về bao giờ cũng có thêm vài bông hoa đại buộc lúc lỉu bên tay cầm xe xích lô. Hoa vừa rụng vẫn còn tươi mới. Dạo bé, tôi vẫn thường ghé qua nhà nhà thơ Cảnh Nguyên trên đường Đặng Thái Thân chơi. Bên hàng rào nhà ông cũng có một cây hoa đại. Có lẽ ở ngay mặt phố nên đất cằn, cây không lớn nổi. Trồng hàng chục năm mà vẫn thấp tè, tán sum suê, hoa rợp cả góc sân. Có lần, tôi leo lên hàng rào bẻ một nhánh hoa đại nhỏ về cắm, mủ trắng chảy ra, nhìn dòng mủ ấy, cái cảm giác sợ hoa đau khi lìa cây vội tới. Cảm giác ấy khiến tôi không bao giờ bẻ nhành hoa đại nào khác.
|
Hoa đại rụng trắng sân Bảo tàng xô viết Nghệ Tĩnh |
Mẹ tôi có thời gian làm việc ở Lào. Bài hát mẹ thường hát nhất là “Hoa đẹp Chăm Pa” – tên gọi của hoa đại ở xứ triệu voi. Đôi khi nhớ mẹ, nhớ luôn cả cánh hoa đại ngày bé mẹ thường gom về cho tôi. Tôi bắt chước chị bạn, mua tô thủy tinh, thả hoa vào đó dâng mẹ?
Nhớ hoa đại lại nhớ tới chú Châu “què” bán bánh mướt, đối diện nhà tôi. Sau mỗi ngày lao động bán buôn vất vả ngoài chợ Vinh, đêm về chú hay mở nhạc Trịnh, tiền chiến, trữ tình, bolero… nghe ngọt lịm. Bài hát chú thường nghe nhất là “Hoa sứ nhà nàng”: “Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng…”. Đám con nít có đứa thắc mắc hoa sứ là hoa gì mà nghe lạ hoắc? Chú Châu trỏ bàn tay ngón còn ngón mất về phía cây đại chếch bên kia đường: “Đó, cây sứ là cây đại đó”. Bỗng chú cười to: “Mà đừng tin ông nhạc sĩ nói láo, xưa nay người ta ướp trà sen, trà nhài chứ ai mà ướp trà hoa đại bao giờ?”…
4. Những gốc đại nằm trong sân khu nhà Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ấn tượng với tôi và cô bạn thân học chung cấp hai từ những ngày bảo tàng vừa được xây dựng, những tán cây mới trồng còn lúp xúp trên đầu chúng tôi một chút. Trải bao mưa dầm nắng gắt, những đóa hoa trĩu trịt ken dày thêm theo từng mùa trên những tán cây thấp loà xòa. Chỉ vài năm cây đã lớn vổng như những chàng trai lực lưỡng trong sân bảo tàng. Chúng tôi vẫn thường đưa sách vở ra ghế đá, dưới những gốc hoa đại ngồi học bài. Mùi hương len dịu trên những trang sách vở kề cận mùa thi.
|
|
Khi những mùa thi qua, cô bạn và tôi lại vẫn thường hẹn nhau dưới những gốc hoa đại ấy. Đã thôi không còn bận bịu bài vở, đã có thể ngắm những bông hoa năm cánh xếp đều lên nhau duyên dáng. Chúng tôi có thể ngồi hàng giờ bên những gốc đại, ngắm nắng rọi trên vạt hoa vừa rụng đêm qua. Cô bạn biết làm điệu, cài đóa hoa lên tóc, biết kết những bông hoa đại thành vòng cổ, vòng đội đầu thật đẹp, còn tôi mê mải ngắm những bông hoa như thể còn ngậm ngọc – những hạt ngọc lóng lánh sắc màu nắng sớm mà cơn mưa đầu mùa buổi ban mai vừa rót xuống. Thi thoảng có vài ba đôi lứa yêu nhau, len lén cầm tay dưới gốc hoa đại. Đám trẻ con mới lớn chúng tôi nhìn thấy, ngó lơ tủm tỉm quay đi. Chúng tôi đã đi qua mùa thương với những buổi sáng trong veo chi lạ giữa lòng phố sá.
Chẳng đếm nổi có bao nhiêu lứa trẻ, bao nhiêu đôi bạn thân, và cả những đôi lứa yêu nhau gắn bó những kỷ niệm yêu thương bên những gốc đại sần sùi mưa nắng trong sân bảo tàng. Chỉ khác, có các ông, các bà đi theo. Còn bạn, đi ngang nhìn thấy lại tủm tỉm cười khi nghĩ về những ngày tươi đẹp, hồn nhiên đến mức tưởng vài vòng hoa đại đội đầu, đeo cổ đã thành công chúa đến nơi. Thực tình, những ngày tươi đẹp chẳng mất đi đâu, nhờ những gốc cây đại và những ghế đá tưởng như vô tri nhưng hóa ra lại có khả năng làm cầu nối, chuyển từ người này qua người khác, lứa này qua lứa khác mà thôi, phải không bạn, phải không mình?
Võ Thu Hương-Baonghean.vn