Cảnh giác: Mua hàng trên mạng xã hội và những rủi ro
7/5/2016 7:13:15 AM

Bán hàng qua mạng Internet ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là thông qua mạng xã hội như Facebook, nhiều người đã lập các fanpage để bán hàng. Bản chất của việc này không có gì xấu, thậm chí là rất tốt khi không cần phải có nhiều vốn lẫn mặt bằng kinh doanh, nhiều người vẫn có thể kiếm tiền một cách dễ dàng. Tuy nhiên, do tính chất “ảo” của mạng xã hội, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong số gần 40 triệu người trên cả nước sử dụng Internet, có hơn 28 triệu người dùng mạng xã hội Facebook và con số này không ngừng tăng lên theo thời gian. Nhận thấy lợi thế từ điều này, không chỉ các cá nhân mà các cơ quan, doanh nghiệp lớn cũng sử dụng mạng xã hội kết nối với khách hàng để buôn bán kinh doanh.

Lợi dụng bán hàng trên mạng xã hội để lừa đảo ngày càng gia tăng -  Ảnh minh họa
Lợi dụng bán hàng trên mạng xã hội để lừa đảo ngày càng gia tăng - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc kinh doanh qua mạng xã hội cũng gặp không ít khó khăn từ cả phía khách hàng lẫn người bán khi có nhiều loại tội phạm lợi dụng điều này để mạo danh, lừa đảo hoặc bán các sản phẩm kém chất lượng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, trên địa bàn TP Vinh, tất cả các loại hàng hóa như quần áo, mỹ phẩm, thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng… đều được quảng bá mạnh mẽ trên Facebook nhưng không được kiểm chứng về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm.

Anh Hoàng Văn Dũng, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết, cách đây vài hôm anh mua bộ bàn ghế trên mạng xã hội Facebook nhưng khi nhận được hàng thì không như yêu cầu về kích thước, màu sắc và hoa văn. Do đó, anh muốn đổi hoặc trả, song chủ bán hàng đã gây khó khăn, khiến anh rất bức xúc.

Sự việc của anh Dũng là thực trạng chung của rất nhiều khách hàng khi mua phải hàng hóa kém chất lượng qua mạng Internet. Rõ ràng, do đặc thù giao dịch mua bán hàng trực tuyến, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên nên hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình mua bán khá phổ biến.

Bên cạnh đó, việc giao dịch, mua bán trên diễn đàn, mạng xã hội của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của cơ quan nào. Trong khi đó, về mặt bản chất và phương thức tổ chức, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại.

Ngoài ra, theo nguyên tắc, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Tuy nhiên, trên mạng xã hội có nhiều tài khoản ảo, hoặc ẩn danh nên việc truy tìm và quản lý cá nhân điều hành các trang mạng này gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội đang bị thả trôi.

Việc xuất hiện ngày càng nhiều và thiếu kiểm soát của các gian hàng trên mạng xã hội cũng kéo theo hệ lụy là xuất hiện không ít hàng giả, hàng “nhái”. Thực tế này đã dẫn đến nhiều rủi ro khiến cho khách hàng không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả nên không có sự tìm hiểu, lựa chọn kĩ lưỡng. Do đó, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… dễ dàng đến tay người tiêu dùng mà không bị kiểm soát, xử phạt.

Chính vì vậy, người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ, chỉ mua hàng trên những trang web hợp pháp, có đầy đủ thông tin. Ngoài ra, người tiêu dùng cần nhận thức được rằng, việc mua hàng qua mạng là hoàn toàn dựa vào lòng tin của người mua đối với người bán mà không có cơ chế đảm bảo giao dịch nào nên cần phải thận trọng và cảnh giác; đồng thời nên chọn những nhà cung cấp, bán hàng có uy tín và thông tin rõ ràng, có thể thỏa thuận giá cả qua mạng và xem hàng thực tế trước khi trả tiền, hoặc có thể yêu cầu nhận hàng mới trả tiền để tránh rủi ro.

.

Phan Phượng

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh