Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trên hệ thống quốc lộ (QL) và cao tốc có 86 trạm thu phí do bộ này quản lý, trong đó: 74 trạm thu phí trên các tuyến QL, 12 hệ thống thu phí trên đường cao tốc.
Giảm theo chỉ đạo của Chính phủTrong 74 trạm thu phí trên các tuyến QL có 45 trạm đang thu phí, 29 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. Trong 12 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc có 6 hệ thống đã thu phí theo hình thức thu kín (phí tính theo km xe qua), 6 hệ thống chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. Ngoài ra, còn 15 trạm thu phí trên các tuyến QL và cao tốc do địa phương quản lý (do HĐND cấp tỉnh ban hành mức phí), trong đó có 10 trạm đã thu phí và 5 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư.
Ngày 16-5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020. Tại điểm 4 mục III nghị quyết giao: Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là DN kinh doanh vận tải.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ các phương án giảm phí BOT tại 29 trạm thu phí trên cả nước với mức giảm từ 10%-20%. Việc giảm phí này dựa trên cơ sở giá trị triển khai dự án thấp hơn dự toán. Nếu đề xuất được chấp thuận sẽ có 24 trạm thu phí giảm phí cho các xe nhóm 4, 5 và 5 trạm thu phí giảm phí cho các xe nhóm 1, 2 với mức giảm từ 10% - 20%.
Cụ thể, theo tờ trình số 8302/BTC-CST, Bộ Tài chính cho biết các phương án giảm phí được đề ra trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT. Cụ thể, việc giảm phí được đề xuất mức 10%-15% cho xe nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10-18 tấn, xe container 20 feet), xe nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm có mức thu tối đa khung quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC (mức thu cao nhất là 200.000 đồng/lượt).
Bộ Tài chính kiến nghị xem xét giảm 10%-20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi (xe nhóm 1, nhóm 2) là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất, gồm: 2 trạm ở QL 5, 2 trạm cầu Bến Thủy QL 1 và 1 trạm cầu Gianh QL 1.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất không tăng phí năm 2016 theo lộ trình với các trạm thu trước năm 2014. Các trạm có mức thu theo Thông tư số 90/2004TT-BTC vì mức thu này thấp và các trạm thu phí trên đường cao tốc do thu phí kín, mức thu tính theo km xe chạy và người sử dụng có quyền lựa chọn (đi đường cao tốc hoặc QL) không thuộc diện đề nghị giảm phí.
Một trạm thu phí đặt tại tỉnh Nghệ An - Ảnh: Đức ngọc
Thực hiện ngay từ 1-8Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết để hỗ trợ người dân và DN, 29 trạm thu phí BOT có thể sẽ giảm mức thu 10% ngay từ 1-8 sau khi Chính phủ phê duyệt đề xuất của liên Bộ GTVT và Tài chính. Ông Trường cho biết Bộ GTVT đã gửi thông báo tới các trạm thu phí trong diện đề xuất giảm.
Hiện 2 bộ vẫn đang chờ quyết định chính thức từ Chính phủ nhưng lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng về cơ bản đề xuất này sẽ được chấp thuận vì Chính phủ đã có chủ trương và Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cụ thể về vấn đề này. Do đó, việc giảm phí ngay từ ngày 1-8 là hoàn toàn có thể.
Tính lại phí BOT ở cầu Hạc Trì
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc về bức xúc của người dân liên quan đến dự án BOT cầu Hạc Trì. Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo địa phương cho biết khi thực hiện phương án phân luồng như trên, người dân phường Bạch Hạc (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và xã Việt Xuân (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) chưa đồng thuận. Nguyên nhân là mức phí qua cầu Hạc Trì được cho là cao (thấp nhất 35.000 đồng/lượt) và việc di chuyển qua tuyến này khiến quảng đường dài hơn từ 3-5 km. Dù nhà đầu tư đã miễn phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng ở Phú Thọ nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Từ thực tế nêu trên, địa phương đề nghị chủ đầu tư tính toán phương án giảm mức thu phí qua cầu Hạc Trì hoặc cần có quy định cụ thể về việc khai thác cầu Việt Trì cũ theo hướng chỉ hạn chế xe tải, cho phép xe dưới 7 chỗ ngồi lưu thông.
Trước những bức xúc của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc quan tâm một cách nghiêm túc việc giải quyết quan hệ giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, đời sống của người dân; yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá toàn diện an toàn của cầu Việt Trì cũ và đề xuất phương án giá phí qua trạm BOT phù hợp trên cơ sở tính toán tổng thể lại chi phí đầu tư xây dựng công trình, nhằm bảo đảm thời gian thu hồi vốn, bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng chi trả của người dân. |
Không sử dụng đường vẫn è cổ đóng phí
Không đi trên đường của nhà đầu tư BOT nhưng nhiều năm qua, nhiều người dân ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phải è cổ đóng phí BOT khi qua trạm thu phí Bến Thủy 1 và 2 của Tổng Công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4).
Trạm thu phí Bến Thủy 1 nằm phía Bắc cầu thuộc địa phận TP Vinh (tỉnh Nghệ An). Trạm hoạt động từ năm 2005. Tháng 11-2012 trạm Bến Thủy 2 hoàn thành (cách cầu Bến Thủy 1 khoảng 500 m). Hai trạm thu phí trên do Cienco 4 xây dựng nhằm thu hồi vốn BOT tuyến đường tránh TP Vinh; dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh; dự án cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam; tiểu dự án cầu vượt QL8B (cũ) với QL1; dự án cầu đường bộ Yên Xuân. Tổng mức đầu tư cho các dự án này khoảng hơn 4.200 tỉ đồng.
Do vị trí nằm án ngữ ngay chân cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 (đều được đầu tư bằng vốn ngân sách) nên hiện tại tất cả các phương tiện giao thông lưu thông qua đây đều phải mua vé. Trong đó, rất nhiều phương tiện dù không lưu thông một mét nào trên đường, cầu do Cienco 4 đầu tư xây dựng vẫn phải đóng phí BOT.
Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết mức thu phí như hiện nay tại trạm thu phí Bến Thủy là cao, cần phải giảm giá khoảng 60% cho người dân huyện Nghi Xuân và một số xã, phường của các huyện Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh… khi qua cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy II không tham gia giao thông trên QL1 tuyến tránh TP Vinh, QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh”.
Liên quan đến việc vị trí đặt trạm thu phí tại Bến Thủy bất hợp lý gây bất bình cho người dân cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của huyện Nghi Xuân, mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị chủ đầu tư Cienco 4 nghiên cứu dời điểm thu phí tại Bến Thủy tới địa điểm thích hợp.
Ông Dương Tất Thắng nói: “Về nguyên tắc, đầu tư BOT ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Với vị trí trạm thu phí tại Bến Thủy như hiện tại khiến nhiều người dân bị thu tiền oan, không đi trên đường, cầu BOT cũng phải đóng phí. Ngoài ra, việc đặt trạm thu phí như hiện nay còn ảnh hưởng đến quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gây khó khăn cho giao thương giữa hai tỉnh đặc biệt là cư dân hai bên cầu Bến Thủy”.
Cũng theo ông Thắng, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, nhà đầu tư: “Để bảo đảm giao thông đi lại thuận lợi cho người dân, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế biển, thu hút phát triển du lịch - dịch vụ của thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Xuân nói riêng và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói chung, đề nghị di dời trạm thu phí Bến Thủy về vị trí phù hợp”.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn về việc chuyển trạm thu phí Bến Thủy ra ngoại vi TP Vinh. Theo quan điểm của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nghiêm Xuân Đường, mức thu phí của trạm thu phí Bến Thủy là quá cao, không phù hợp với đời sống thu nhập của người dân sống hai bên cầu Bến Thủy.
Còn trạm thu phí BOT đường tránh TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) trước đây ở trên tuyến QL1 đoạn qua phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, do nhiều bất cập, trạm đã dời ra Km 286+397 QL1, đoạn qua phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn), cách vị trí cũ khoảng 40 km. Kể từ ngày dời ra vị trí mới, trạm thu phí BOT này gặp rất nhiều sự phản ứng của người dân và các DN trên địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.
Trạm dựng lên để thu phí 10 km đường tránh TP Thanh Hóa, tuy nhiên trạm không dựng ở đầu đường tránh để hoàn vốn mà đặt ở QL1 khiến rất nhiều người không bao giờ đi trên tuyến đường trên vẫn phải bỏ tiền trả phí oan. Bức xúc hơn là các DN đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn làm ăn bên phía Ninh Bình và nhiều DN Ninh Bình qua Thanh Hóa, họ không đi qua đường tránh TP Thanh Hóa nhưng vẫn phải bỏ ra số tiền rất lớn để qua trạm.
Đức Ngọc - Tuấn Minh
|