Hà Nội, Lửa và Hoa
 

Hướng tới ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long, tôi may mắn được đọc Trường ca Hà Nội của tôi của nhà thơ Vương Trọng, quê Nghệ An, tác giả được giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Trường ca gần 1.300 câu, gần 10 chương, được anh khởi thảo từ 2003, hoà
n chỉnh 2008. Tuỳ theo nội dung và cảm hứng, anh đã sử dụng linh hoạt nhiều thể thơ: Thơ 4 tiếng, 5 tiếng, 6 tiếng; thơ 7 tiếng, 8 tiếng; thơ lục bát; thơ bậc thang và cả thơ văn xuôi nữa.

Trường ca Hà Nội của tôi đã khái quát một thời kỳ lịch sử từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Thủ đô (1946) cho đến lúc kết thúc chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" của thời kỳ chống Mỹ. Hai mươi bảy năm so với hàng ngàn năm của lịch sử Thăng Long - Hà Nội thì quả là ngắn ngủi, nhưng đây lại là những năm tháng của một thời kỳ đầy đau thương nhưng rất đỗi anh hùng.

Cuộc đọ sức giữa 2 lực lượng: chính nghĩa và phi nghĩa đã
lên đến đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử! Nhà thơ đã hóa thân thành nhân vật Tôi - một đứa con sinh ra và lớn lên ở làng hoa Ngọc Hà - để viết về quê mình, về những người thân của mình, về những gì mình đã chứng kiến, đã can dự, suốt từ tuổi thơ cho đến khi trưởng thành. Hình ảnh những người con của Thủ đô, tự nguyện sát cánh bên nhau lập thành trận tuyến để chống trả kẻ thù được anh tái hiện thật cụ thể, với những chi tiết tiêu biểu được chọn lọc. Vũ khí tuy còn thiếu thốn và thô sơ, nhưng lòng quyết tâm bảo vệ Thủ đô, bảo vệ nền Độc lập non trẻ của mình thì không gì so sánh được: "Cha giạng chân ngồi lau bom ba càng...", "Mẹ trở thành nữ cứu thương"... "Đồng đội cha lặng lẽ nhồi mìn/ Những sợi dây dọc, ngang nén chặt". Rồi: "Nào giường nào tủ/ Tràng kỷ / Xa lông sập gụ/ Cả câu đối hoành phi/ Gọi nhau ra đường làm chướng ngại...".

Cuộc chiến đấu không ngang sức, lực lượng kháng chiến của ta tạm thời phải rút ra khỏi Hà Nội trong sự lưu luyến, nhớ nhung: "Bao người khóe mắt rưng rưng / Nửa đi nhanh, nửa muốn dừng lại lâu"... Cha đã ra đi cùng đồng đội: "Ôm tôi mẹ đứng sững sờ/ Nhìn theo hẻm phố khuất mờ bóng cha". Người ra đi chỉ còn biết: "Cắn chặt đôi hàm răng/ Thầm hẹn ngày về... ". "Hà Nội rơi vào tay giặc / Mái cổ buồn mưa rơi".

Từ đó mẹ anh cũng như bao bà con cô bác của Hà Nội phải sống trong vùng tạm bị chiếm nhưng lòng dạ vẫn hướng về người thân, về kháng chiến: "Có đêm mưa vây bủa Ngọc Hà/ M
ẹ trăn trở mấy chiều không ngủ được/ Nửa phần thương vườn nhà hoa dập/ Nửa phần lo suối lũ, mưa rừng". Mẹ vừa lao động kiếm sống, vừa nuôi con lớn khôn, vừa tham gia hoạt động bí mật: "Trong gánh hoa giấu những gói truyền đơn".

Rồi Hà Nội được giải phóng. Náo nức, hân hoan. Cờ hoa rợp đường, rợp phố. Người ở lại đón người kháng chiến trở về. Bao niềm vui. Bao xúc động bù
i ngùi. Nhưng có chiến thắng nào mà không mất mát. Cha của anh đã không trở về. Một nỗi đau xót đã đột ngột ập xuống cuộc đời của hai mẹ con: "Mẹ úp mặt xuống gối bông trắng muốt/ Con lặng nhìn đôi vai mẹ rung lên/ Tưởng nước mắt của ngày gặp mặt /Thấm vai người thương nhớ tháng năm xa/ Nào hay... ".

Rồi thời gian cứ dần trôi, vượt lên mọi nỗi đ
au, mẹ đã nuôi anh khôn lớn. Càng trưởng thành, anh càng hiểu hơn về Hà Nội, về lịch sử cha, anh; miền Nam chưa được giải phóng, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lại lên đường nhập ngũ và đã trở thành sĩ quan tên lửa.

Như có sự hẹn trước, anh đã vinh dự có mặt trong chiến dịch đập tan uy thế của B52 trên bầu trời Hà Nội. Đoạn viết về cuộc đất đối không này, mà sử sách gọi là "Điện Biên Phủ trên không", như một thiên phóng sự bằng thơ, mang tính chất sử biên niên, với những thời điểm chính xác tới từng phút, với những con số đã trở thành số liệu lịch sử. Tác giả đã khắc họa tính cách của Tổng thống Ních-xơn khá thành công với thái độ kiêu ngạo, với tham vọng mù quáng để sau đó chuốc lấy thất bại chua cay. Những diễn biến tâm lý trong đội quân viễn chinh, trước và sau thời khắc mở cuộc hành quân "Lai-nơ-bếch-cơ" dùng B52 huỷ diệt Hà Nội được anh khai thác và tái hiện khá sinh động, đọc rất thú vị.

Chiến thắng đã thuộc về ta. Cuộc đối thoại giữa một phóng viên Mỹ với một người dân thường đang đứng cạnh xác B52 được viết với bút pháp vừa chân thật, vừa dí dỏm. Có những đoạn lại bùi ngùi, xúc động, sâu lắng. Khi anh trở lại thăm nhà. Bà nội không còn. Tóc mẹ đã nhiều sợi bạc. Anh chiêm nghiệm về đất nước, về con người: "Đất nước mình lắm hoạn nạn gian truân/ Đời nối đời đánh không hết giặc/ Cha quân phục, rồi con quân phục/ Cha chiến khu, con ở chiến trường... ".

Anh đã gặp lại người bạn gái năm nào và họ đã có những ngày hạnh phúc nhất trong đời. Nhưng: "Mười ngày phép ngắn ngủi/ Tuần trăng mật xích về phía cuối". Mỹ cút nhưng nguỵ chưa nhào. Cưới nhau xong lại là đi và họ lại chia tay trong niềm tin, nỗi nhớ. Trường ca được kết thúc bằng những cơn mơ của anh trong vòng tay âu yếm của người vợ mới cưới trước lúc chia xa...

Một bản trường ca viết về Hà Nội, chủ yếu trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tất cả các sự kiện được soi chiếu qua cuộc sống của một gia đình ba thế hệ. Những chiến công thầm lặng, những hy sinh mất mát, những hạnh phúc trong cuộc sống đời thường, mà bao trùm lên tất cả là tình yêu Hà Nội của người dân Thủ đô, một tình yêu máu thịt đã thấm đẫm bản trường ca.

Hà Nội của tôi là một bản trường ca được viết công phu, chất anh hùng ca và chất tình ca hài hòa, đan xen qua giọng điệu tự sự, đã phản ánh chân thực một thời kỳ lịch sử đáng nhớ, đáng tự hào. Vì thế, tác phẩm mới này của nhà thơ Vương Trọng nhiều khả năng đánh thức và lôi cuốn bạn đọc!

Nguyễn Quang Tuyên

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh