TP. Vinh nỗ lực vươn tầm trung tâm thương mại vùng Bắc Trung Bộ
8/5/2016 7:53:43 AM

Những năm qua, lĩnh vực thương mại dịch vụ (TMDV) ngày càng phát triển, với nhiều dấu ấn quan trọng, đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế của TP.Vinh. Tuy nhiên, để tương xứng với tiềm năng và vươn lên trở thành Trung tâm thương mại (TTTM) của vùng Bắc Trung bộ, TP.Vinh còn nhiều việc phải làm.

 

Với vị trí đắc địa nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - văn hóa của thành phố với các tỉnh bạn; các nước trong khu vực và quốc tế. Từ Vinh có thể trao đổi hàng hoá với nước bạn Lào qua Cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ của Nghệ An hoặc Cửa khẩu Cầu Treo của tỉnh Hà Tĩnh; hoặc thông qua đường biển qua Cảng Cửa Lò với các nước khác. 

Để đẩy mạnh phát triển TMDV trên địa bàn thành phố, thời gian qua TP.Vinh đã triển khai đề án quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống chợ; gắn với việc chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác kinh doanh. Sự tham gia của các thành phần kinh tế vào khai thác kinh doanh chợ bước đầu phát huy hiệu quả. Đơn cử như chợ đầu mối nông sản TP.Vinh, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã trở thành đầu mối tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn; giải quyết địa điểm kinh doanh cho 700 hộ tiểu thương.

Hiện nay, 29 chợ trên địa bàn đang từng bước được hiện đại hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm của người dân. Tổng thu hàng năm của các chợ đạt trên 28 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 13.000 hộ kinh doanh. 

Thành phố Vinh
Thành phố Vinh giàu tiềm năng phát triển Thương mại dịch vụ (Ảnh minh họa - SM).

Bên cạnh phát huy hiệu quả hệ thống chợ, trong những năm qua TP.Vinh đã thu hút được nhiều dự án TMDV lớn: Siêu thị Big C, Metro, Intimex, Maximax, Vạn Xuân, CK Palaza, Điện máy Hoà Bình; chuỗi siêu thị điện lạnh như: Trần Anh và Siêu thị điện máy HC... Nhiều công trình thương mại lớn, Trung tâm Thương mại chung cư cao cấp BMC, Trung tâm thương mại VICENTRA. Thành phố cũng đang triển khai dự án xây dựng khu phố thương mại Vinh trên trục đường ven sông Lam đoạn Vinh - Cửa Lò...

TP.Vinh thực sự là thị trường màu mỡ để các doanh nghiệp khai thác đầu tư lĩnh vực TMDV. Bà Huỳnh Thị Phương Châu - Đại diện truyền thông Siêu thị Metro cho biết: Sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Vinh về du lịch và các KCN lân cận đang mở ra nhiều cơ hội cho Metro trong việc tiếp cận các nhóm khách hàng mục tiêu. Hiện nay Metro Vinh đang tập trung phát triển nhóm khách hàng chuyên nghiệp bao gồm: các nhà hàng, khách sạn, căn tin, nhà máy, các văn phòng lớn trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài ra, hệ thống khách sạn trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, với 85 khách sạn. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng phát triển nhanh với gần 40 ngân hàng thương mại cổ phần tập trung ở thành phố Vinh. Mạng lưới bưu chính viễn thông phủ kín khu vực và đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin, liên lạc.

Đô thị Vinh
Hoạt động mua bán tại Trung tâm thương mại Metro 

Giai đoạn 2011 - 2015, cơ cấu kinh tế TP. Vinh có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng TMDV tăng từ 58,% lên 65,%; công nghiệp xây dựng; nông, lâm, ngư nghiệp đều giảm. Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất của ngành dịch vụ ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Lĩnh vực TMDV của TP. Vinh thời gian qua đã phát huy thế mạnh nhưng chưa lan tỏa khu vực và chưa hấp dẫn các tỉnh bạn, chưa có trung tâm thương mại xứng tầm, chưa thu hút được các tỉnh bạn về tham quan mua sắm. Ông Trần Quang Lâm - Trưởng phòng Kinh tế TP.Vinh cho rằng: Hiện, mạng lưới kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn thành phố chưa cân đối.

Quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại gắn với các chợ truyền thống còn thiếu. Đầu tư vào xây dựng hệ thống cơ sở vật chất tại các chợ chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển. Ngoài ra, thành phố cũng chưa có được trung tâm xúc tiến thương mại tầm khu vực trên địa bàn. Mặt khác, các vấn đề về văn minh thương mại như: công tác quản lý môi trường, trật tự đô thị, PCCC, lần chiếm lòng lề đường ... vẫn còn hạn chế. 

 Để tương xứng với tiềm năng và khẳng định vai trò trung tâm TMDV vùng trong thời gian tới, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ông Phan Duy Hùng - Chi nhánh VCCI tại Nghệ An cho rằng: Thành phố cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để xây dựng TP.Vinh thành đầu tàu tăng trưởng trong tương lai gần. Trước mắt cần quy hoạch khu dân cư và ưu tiên các dự án Trung tâm TMDV lớn trên trục đường ven sông Lam. 

Một số nhiệm vụ ngành Công Thương
đã xác định trong thời gian tới: 

- Xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm khu vực Bắc Trung bộ; 

- Tập trung phát triển các TTTM hạng 3 trở lên tại các địa bàn phường Bến Thủy, Ga Vinh, xã Nghi Ân, Hưng Lộc, Nghi Liên, Nghi Đức; 

- Phát triển mạng lưới siêu thị hiện đại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tổng hợp. 

- Dần cải tạo các chợ truyền thống thành công trình đa năng hoặc nâng cấp chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển phố chuyên doanh hiện đại mang tính tập trung cao. 

- Phát triển hệ thống tổng kho và kho trung chuyển, phân phối hàng hóa gắn với phát triển trung tâm logistic tại khu vực ngoại vi thành phố. 

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước. 

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố...


Nguyệt Minh 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh