Tấm lòng hai người bố
Cách trung tâm thành phố chừng 3km nhưng xóm 2, xã Hưng Chính (Thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn còn lưu giữ được nét thanh tĩnh của một làng quê thuần nông, những con đường, ngôi nhà và rặng cây gần như vẫn chưa nhuốm màu phố thị. Ngôi nhà của vợ chồng anh Ngô Xuân Bình (SN 1976) và chị Phan Thị Yến (SN 1979) nằm ở cuối xóm. Lúc chúng tôi đến nghe rộn ràng tiếng cười đùa của trẻ thơ. Anh khát nước, chị đỡ anh ngồi dậy, thân hình anh như người không xương, sự đau đớn hiện rõ trên nét mặt. Chị một tay đỡ và giữ để anh khỏi ngã, tay kia cầm chiếc cốc đưa lên miệng anh, vẻ mặt toát lên sự nhẫn nại. Anh và chị, hai con người sinh ra khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc nhưng phải gánh chịu di chứng nặng nề, cơ thể tật nguyền vì sự tàn phá của chất độc da cam từ người cha truyền lại.
Hạnh phúc ngày cưới của anh Ngô Xuân Bình và chị Phan Thị Yến
Chị Yến kể, chị quê ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), cách thành phố Vinh khoảng 10km, bố mẹ sinh được 3 anh em, chị là con út. Nhưng không hiểu sao chỉ một mình chị phải gánh chịu bất hạnh, khi mới lọt lòng khuôn mặt đã có những nét dị dạng, giọng nói không bình thường. Mãi về sau mới biết, những năm tháng hành quân và chiến đấu ở những cánh rừng miền Tây Trị Thiên, bố chị - ông Phan Bình minh đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thứ chất độc quái ác ấy thấm sâu vào từng tế bào và di truyền sang người con gái út. Tuy bị tật nguyền nhưng đến tuổi đi học chị Yến vẫn được bố mẹ cho đến trường, vượt qua tất cả mặc cảm, chị cố gắng hết sức trên con đường học tập. Học xong THCS chị phải dừng bước, một phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần khác vì nghĩ đến tương lai không có nhiều hứa hẹn. Chị về giúp bố mẹ công việc đồng áng và nội trợ. Tuy khuôn mặt dị thường nhưng bù lại chị có sức khỏe, nhanh nhẹn và tháo vát, làm mọi việc đều thuần thục.
Chồng chị, anh Ngô Xuân Bình sinh ra trong gia đình có 5 anh em (2 trai, 3 gái), bố mẹ đều làm nông, 3 người con gái lành lặn, bình thường nhưng 2 người con trai bị dị tật bẩm sinh. Từ nhỏ, không như những người bạn cùng trang lứa, cơ chân của anh Bình gần như tê liệt nên việc đi lại hết sức khó khăn, mỗi bước đi kéo theo sự đau đớn, đôi chân trở nên khập khiễng. Anh vẫn theo chúng bạn đến trường học cái chữ để mong cuộc đời sau này đỡ phần khổ cực. Học đến lớp 7, bệnh tình có dấu hiệu ngày một nặng hơn, đôi chân cử động càng khó khăn và đau đớn, miệng nói cũng khó hơn vì các dây cơ luôn bị kéo căng. Vậy là anh phải nghỉ học giữa chừng, ước mơ ấp ủ bấy lâu thành ra dang dở. Em trai của anh Bình là Ngô Xuân Dần cũng mắc phải căn bệnh quái ác, miệng không thể nói được thành lời, chỉ phát ra những âm thanh “ú ớ”. Cũng như anh trai, Dần được bố mẹ cho đến trường và học được hết lớp 9. Và cũng thời gian này, con người Dần bắt đầu thay đổi mạnh, cả về ngoại hình và tính cách. Cơ thể phát triển nhanh nhưng trí tuệ ngày cang sa sút, lại thường hay nổi khùng với mọi người. Không lâu sau, Dần mất ý thức, suốt ngày đi lang thang và cười, nói một mình.
Ông Ngô Xuân Thụy và Phan Bình Minh là đôi bạn thân, cùng nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường B và cùng bị nhiễm chất độc dioxin. Kết thúc cuộc chiến, trở về quê hương xây dựng gia đình, hai người lại cùng chung một nỗi đau khi có những đứa con sinh ra không lành lặn, phải gánh chịu số phận tật nguyền. Những lúc vui buồn, hai người lính năm xưa thường tìm đến nhau để chia sẻ và an ủi, để gánh nặng cuộc đời vơi đi trong chốc lát. Và rồi, hai người bố ấy quyết định vun vén cho hai con của mình (anh Bình và chị Yến) được thành đôi.
Chị Phan Thị Yến chăm sóc chồng lúc cơn đau hành hạ
Nỗi lo và niềm hạnh phúc
Người mừng rỡ nhất chính là anh Bình, bởi hơn ai hết, anh biết cuộc đời mình phải gánh chịu bất hạnh, tương lai mịt mờ như đi trong hầm tối, nếu được chị Yến đồng ý làm vợ thì cuộc đời anh sẽ lóe lên như ánh sáng cuối đường hầm. Người đắn đo chính là chị Yến, tuy là khiếm khuyết ở khuôn mặt và giọng nói nhưng chị vẫn có đủ sức khỏe, đủ khả năng làm việc để kiếm sống. Nhưng lo thân mình chưa xong, giờ “đèo bòng” thêm một người chồng tật nguyền, không có khả năng lao động, rồi sau này cuộc sống sẽ thế nào? “Mưa dầm thấm đất”, anh Bình thường xuyên đến nhà chị, những cuộc gặp gỡ ấy đã làm trái tim của người con gái xao xuyến. Cùng với đó là sự vun vén của hai bên gia đình, bạn bè và ước mơ về một mái ấm đã đưa chị đến quyết định nhận lời làm vợ anh.
Bé trai đầu lòng được ông nội đặt tên là Ngô Xuân Hoàn với ý nghĩa là sự hoàn hảo và gửi gắm ước mơ, khát vọng về tương lai. Giờ đây, cậu bé đã 11 tuổi và sắp vào lớp 6, niềm hạnh phúc ngày một lớn thêm. Chị tâm sự: “Thời gian mang thai, tôi vô cùng lo lắng, sợ cái chất độc quái ác ấy sẽ di truyền sang con. Nhưng thật may mắn và phúc đức, con trai chúng tôi ra đời hoàn toàn bình thường...”.
Vợ chồng anh Bình được bố mẹ chia một mảnh vườn để ra ở riêng, được chính quyền xã, các ban, ngành và anh em, họ hàng giúp xây một căn nhà, không khang trang nhưng cũng đủ để che mưa, tránh nắng. Thời gian đầu, chị Yến còn có thời gian làm ruộng để tự túc lương thực, làm hoa giấy bán để có đồng ra đồng vào. Nhưng mấy năm nay, bệnh tình của anh Bình ngày một nặng. Anh không thể tự mình đi lại, tự mình ngồi dậy và làm làm những công việc cá nhân như ăn, uống và vệ sinh cơ thể, mỗi ngày hơn chục cơn đau hành hạ. Những lúc trái gió trở trời, cơ thể anh như có hàng nghìn mũi kim châm vào, đau đớn đến tê dại. Nhìn cách chị chăm sóc anh, ai cũng bảo chỉ có tình yêu chân thành, trái tim nhân hậu và giàu đức hy sinh mới có thể làm được những việc ấy.
Bệnh tình của anh Bình ngày một nặng thêm, Vợ anh phải nghỉ hẳn công việc đồng áng, ở nhà chăm sóc chồng, làm hoa giấy không tìm được đầu ra nên cũng đành gác lại. Để trang trải cho cuộc sống hằng ngày, từ ăn uống đến mua sắm và các chi phí sinh hoạt, thuốc thang của gia đình đều dựa vào khoản tiền hơn 2 triệu đồng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Số tiền ấy chi dùng cho 3 người sinh sống ở thành phố mà khi con trai đang tuổi ăn tuổi học, chẳng khác gì muối bỏ bể. Nhưng anh chị luôn động viên nhau dè sẻn, chi tiêu tiết kiệm đảm bảo cuộc sống gia đình. Chị Yến chia sẻ: “Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là được tạo điều kiện, giúp đỡ có một công việc phù hợp với hoàn cảnh, không cần thu nhập cao, chỉ cần được làm việc tại nhà để có thời gian chăm sóc chồng và có thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Bây giờ còn đủ sức khỏe để chăm lo, sợ những lúc mình đau ốm không biết phải làm thế nào...”.
Tạm biệt anh chị, chúng tôi nhớ mãi cử chỉ chăm sóc ân cần của chị Phan Thị Yến, nụ cười trong cơn đau của anh Ngô Xuân Bình và vẻ mặt khôi ngô của bé Ngô Xuân Hoàn. Những khó khăn, vất vả vẫn ở phía trước nhưng ai cũng tin rằng tình yêu thương sẽ giúp họ vượt qua, giúp họ xoa dịu “nỗi đau da cam”.
Đám cưới của anh chị được tổ chức vào năm 2004, cả làng quê Hưng Chính và Hưng Tân rộn ràng niềm vui, hai họ và bà con lối xóm đến chung vui chật cả hôn trường. Từ trẻ tới già, ai cũng mừng cho đôi tân hôn và mong anh Bình - chị Yến có được cuộc sống hạnh phúc bền lâu, cùng nắm tay nhau vượt qua những thử thách đang chờ đợi họ ở phía trước. Tình yêu của hai người đã đơm hoa kết trái khi gần một năm sau ngày cưới, một bé trai bụ bẫm, khỏe mạnh và hoàn toàn lành lặn chào đời.