Giá tiêu dùng tại hai thành phố lớn hạ nhiệt

Không còn chịu tác động mạnh của cơn sốt lương thực như tháng 5, giá tiêu dùng tháng 6 tại hai đầu tàu kinh tế của cả nước là thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã giảm mạnh, với mức tăng dưới 2,5% so với tháng trước.
 
Giá lương thực đã khựng lại
 
Số liệu từ cơ quan thống kê vừa công bố cho thấy, giá tiêu dùng tháng 6 của Hà Nội tăng 2,39% so với tháng 5, trong đó thực trạng lương thực thực phẩm, vật liệu tăng cao nhất lại trở về như nhiều tháng trước.
 
Cụ thể trong tháng 5, dù cơn sốt gạo đã qua và mức tăng giá lương thực chỉ còn bằng 1/3 so với mức tăng tháng trước (6,66% so với 20,91%) thì cộng với mức tăng giá thực phẩm 2,34%, giá cả của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng tới 3,53% so với tháng 5.
 
Nhóm có quyền số cao nhất lại tăng mạnh nhất, cộng với mức tăng cao đột ngột của nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD, lên tới 3,49% (so với mức chưa đầy 1% của tháng 5); nhóm đồ uống và thuốc lá 2,09% …đã khiến cho giá tiêu dùng tháng 6 của Hà Nội có mức tăng nhẹ hơn so với tháng trước (2,34% so với 2,84%).
 
Các nhóm hàng còn lại trong rổ tính hàng hóa như may mặc, đồ gia dụng, giáo dục, văn hóa, giải trí…đều tăng rất thấp, trên dưới 1%, thậm chí có những nhóm tăng không đáng kể (0,03%) như nhóm phương tiện đi lại, bưu điện.
 
Tính chung nửa năm 2008, giá tiêu dùng tại Hà Nội đã tăng 16,89%  so với tháng 12 năm ngoái; và nếu so với cùng kỳ, giá tiêu dùng đã tăng 23,9% - mức tăng đột biến.
 

Ảnh minh họa


Giá vàng và USD cùng lên cơn sốt. ảnh HT


Tại TP.HCM, giá tiêu dùng tháng 6 cũng tăng tới 2,37% so với tháng trước, nhưng nếu so với mức tăng tới 4,24% của tháng 5 thì đó là một sự cố gắng lớn của địa phương này trong việc kiềm chế bão giá lương thực. Đặc biệt nhất, nếu giá lương thực tháng 5 tăng tới trên 36% thì tốc độ tăng giá mặt hàng này trong tháng 6 giảm cực mạnh (chỉ bằng 5% so với mức tăng của tháng 5), chỉ còn tăng 1,77% so với tháng 5.
 
Tuy nhiên giá thực phẩm lại tăng cao hơn tháng trước (4,49% so với 2,98%) nên giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại TP.HCM tăng 3,75% so với tháng 5.
 
Cũng như Hà Nội, ngoài nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất thì nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng cao (2,58%) cùng với mức tăng 2,91% của nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình là những tác nhân chính khiến giá tiêu dùng của cả 10 nhóm hàng hóa tăng 2,37% so với tháng 5, dù hầu hết các mặt hàng còn lại đều tăng giá thấp, thậm chí giảm giá (như dịch vụ bưu chính viễn thông).
 
Tính chung nửa năm 2008, giá tiêu dùng tại TP.HCM tăng 16,48% so với tháng 12/2007 và tăng 25,49% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy mức tăng giá của hai thành phố lớn nhất cả nước đã vượt qua mức 22% mà Bộ Kế hoạch đầu tư dự báo cho cả nước trong năm 2008.
 
Vàng và USD cùng tiến
 
Riêng trong tháng 6 này, giá của hai mặt hàng không nằm trong rổ hàng hóa tính giá tiêu dùng là vàng và USD lại tăng mạnh do những nguyên nhân khác nhau.
 
Cụ thể, giá vàng tại Hà Nội và TP.HCM tăng mạnh, với mức tăng tương ứng 3,29 và 4,75% so với tháng 5, theo sau đà tăng giá của thị trường thế giới. Thậm chí tới thời điểm này, giá vàng đã leo lên tới 1,900 triệu đồng/chỉ.
 
Tháng qua giá USD tăng đột biến, với mức tăng 6,36% tại Hà Nội và 6,69% tại TP.HCM mà nguyên nhân cơ bản lại không phải là tác động từ thị trường thế giới mà do tâm lý đầu cơ, do lo ngại sự suy giảm kinh tế, do nhu cầu USD cho nhập khẩu…

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh