|
Mỹ chỉ đứng sau nước chủ nhà Trung Quốc ở Olympic 2008 trong sáu kỳ Olympic gần nhất.
|
Đoàn Mỹ thống trị ở môn điền kinh với 31 tấm huy chương bao gồm 13 HC vàng. Đứng thứ hai ở môn này là đoàn Jamaica với 11 tấm huy chương, trong đó có sáu chiếc màu vàng.
Không chỉ trên đường chạy, những kình ngư Mỹ cũng cho thấy sức mạnh tại đường đua xanh. Họ đoạt 33 huy chương trong tổng số 104 bộ huy chương được trao ở môn bơi, chiếm tới 32%. Những ngôi sao như Michael Phelps, Katie Ledecky giúp Mỹ giành tới 16 HC vàng, bỏ xa đoàn thứ hai là Australia có ba HC vàng.
Thành công rực rỡ ở Rio 2016 giúp đoàn Mỹ cán hai cột mốc lịch sử là có nhiều hơn 1.000 HC vàng và 2.500 tấm huy chương Olympic. Mỹ vượt xa các quốc gia khác trong bảng tổng sắp huy chương qua các kỳ Olympic.
Bộ ba người Mỹ dẫn đầu thành tích cá nhân. Hai kình ngư Michael Phelps và Katie Ledecky cũng như nữ hoàng thể dục Simone Biles là những người giành nhiều huy chương nhất tại Olympic 2016. Phelps dẫn đầu với năm HC vàng, một HC bạc. Ledecky có bốn HC vàng và một HC bạc trong khi Biles có bốn HC vàng và một HC đồng.
Với riêng Phelps, huyền thoại này lại nói lời từ giã sự nghiệp như sau Olympic 2012. Gia tài của Phelps hiện có 28 tấm huy chương Olympic (23 vàng, 3 bạc, 2 đồng), giúp anh trở thành VĐV thành công nhất lịch sử các kỳ Thế vận hội.
|
Mỹ có sáu VĐV trong top 10 VĐV giành nhiều huy chương nhất trên đất Brazil.
|
Đứng thứ tư trong top 10 VĐV tại Rio 2016 là "Quý bà thép" Katinka Hosszu của Hungary với ba HC vàng và một HC bạc ở môn bơi. Ngôi sao điền kinh Usain Bolt cùng có ba HC vàng như Jason Kenny (đua xe đạp, Vương quốc Anh), Danuta Kozak (chèo thuyền, Hungary), Ryan Murphy (bơi, Mỹ).
Cú hat-trick của hat-trick dành cho Usain Bolt. "Người đàn ông nhanh nhất hành tinh" không cho thấy sự suy giảm tốc độ ở kỳ Olympic cuối cùng. Giống như tại Bắc Kinh 2008 và London 2012, Bolt thống trị hai nội dung chạy ngắn 100 mét và 200 mét, đồng thời đưa đội tiếp sức 4 x 100 mét của Jamaica tới ngôi số một.
Bolt đã đứng ngang hàng với huyền thoại nhảy xa người Mỹ Carl Lewis và huyền thoại chạy đường dài người Phần Lan Paavo Nurmi trong số những người từng giành nhiều HC vàng Olympic nhất ở môn điền kinh (cùng 9 HC vàng).
Những cột mốc lịch sử được dựng nên. VĐV Kohei Uchimura trở thành người đầu tiên sau 44 năm giành HC vàng nội dung toàn năng môn thể dục ở hai kỳ Olympic liên tiếp. VĐV nam 27 tuổi cũng giúp Nhật giành HC vàng đồng đội môn thể dục sau Athens 2004.
Hàn Quốc quét sạch bốn tấm HC vàng ở môn bắn cung để khẳng định sự thống trị tại môn thể thao này. Trong số 36 tấm HC vàng sau chín kỳ Olympic của bắn cung thì Hàn Quốc đã giành tới 23, chiếm 76,67%.
VĐV Mohamed Farah của Vương quốc Anh trở thành người đầu tiên bảo vệ được tấm HC vàng ở nội dung chạy 5000 mét và 10000 mét sau Lasse Viren của Phần Lan vào các kỳ Olympic 1972 và 1976.
Ngôi sao quần vợt Vương quốc Anh Andy Murray trở thành người đầu tiên trong lịch sử bảo vệ được tấm HC vàng Olympic nội dung cá nhân.
Elaine Thompson của Jamaica trở thành phụ nữ đầu tiên giành HC vàng hai cự ly chạy ngắn là 100 mét và 200 mét sau 28 năm kể từ sau VĐV Mỹ Griffith-Joyner ở Olympic 1988.
VĐV Trung Quốc Wu Minxia là người đầu tiên giành 5 HC vàng môn nhảy cầu tại các kỳ Olympic. Tại Rio 2016, Wu Minxia và đồng đội Shi Tingmao giành chiến thắng ở nội dung nhảy cầu đôi 3 mét.
Những kỷ lục thế giới bị phá vỡ. 27 kỷ lục thế giới mới được lập nên tại Olympic 2016 tại năm môn là điền kinh, bắn cung, đua xe đạp, bơi lội và cử tạ.
Kình ngư Mỹ Katie Ledecky là người duy nhất phá hai kỷ lục ở nội dung 400 mét và 800 mét bơi tự do nữ.
Tại môn điền kinh, kỷ lục chạy 400 mét kéo dài 17 năm của Michael Johnson đã bị phá bởi Wayde van Niekirk của Nam Phi. Trong khi đó Almaz Ayana của Ehiopia giành HC vàng 10.000 mét nữ sau khi vượt qua kỷ lục của Wang Junxia từ năm 1993.
Theo BBC