Trò chơi ảo đang gây bạo lực trong thế giới thực

Game o­nline (trò chơi trực tuyến) đang tạo ra một sức hút ma lực đối với thanh thiếu niên.

Bên cạnh những lợi ích của một trò chơi mang tính giải trí, game o­nline cũng đang trở thành “con dao hai lưỡi” khi đẩy người chơi xa dần cuộc sống thực tại và để chìm đắm trong một thế giới ảo, gây ra không ít tai hoạ .
 
Hầu hết các quán Internet (net) hiện nay, lượng người truy cập và sử dụng các tiện ích do nó mang lại rất ít. Ghé thăm một số quán net ở TP.Vinh trên đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trường Tộ, Lệ Nin, Phượng Hoàng…Chúng tôi nhận thấy một điều rằng, đa phần các đối tượng có mặt tại các quán net thường xuyên là chỉ để chơi game, chỉ có một số ít là vào để gửi thư hoặc đọc báo. Trong số này chủ yếu là thanh thiếu niên, có em vừa tan trường là sà vào quán net, trên vai vẫn còn đeo phù hiệu của một trường… tiểu học.
 
Có thể thấy rằng, trong đời sống hiện nay, việc giới trẻ biết đến game và chơi game là một chuyện hết sức bình thường. Bởi đơn giản các thể loại game hiện nay phát triển một cách chóng mặt, được thay đổi liên tục từ bối cảnh, nhân vật cho đến âm thanh minh hoạ. Chính vì thế việc các đối tượng là thanh thiếu niên bị “mê hoặc” bởi game là điều khó tránh khỏi.
 
Chúng tôi để ý thấy rằng, hầu hết ở quán net nào cũng treo một bảng nội quy ghi rõ những quy định của chủ quán cũng như của Bộ Thông tin-Truyền thông đối với người chơi. Trong đó người chơi game phải khai báo thông tin cá nhân, gồm: tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân… Nếu là đối tượng chơi game dưới 14 tuổi, phải có sự giám sát bảo hộ của cha mẹ mới được truy cập Internet. Tuy nhiên trên thực tế việc ban hành các nội quy phòng net cũng như quy định dường như cũng chỉ để cho có lệ.
 
Theo chị Th. chủ quán net trên đường Hà Huy Tập (TP.Vinh): “nếu cứ nhất nhất chấp hành đúng như quy định thì có mà ế, khi đó ai còn thèm đến chơi ở quán mình”. Chính vì thế việc đưa ra quy định là vậy nhưng có chấp hành quy định đó hay không lại là một chuyện hoàn toàn trái chiều.
 
Mục đích được các game thủ đưa ra cũng có nhiều, người thì cho rằng để giải trí sau những giờ học căng thẳng, có người lại nói là để giải khuây…Lý do là vậy nhưng hệ luỵ mà game o­nline mang lại cũng không phải là ít. Trước hết, người chơi game o­nline đi liền với việc sử dụng máy vi tính nhiều, sẽ gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Ngồi trước máy vi tính hàng giờ mỗi ngày sẽ gây ra những triệu chứng mệt mỏi cho đôi mắt, thần kinh và cơ thể. Thậm chí có những trường hợp người chơi quên ăn, quên ngủ làm cho cơ thể không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tư thế ngồi ít thay đổi hàng giờ liền... là những nguyên nhân làm cơ thể rã rời, đau nhức, tổn thương cột sống.
 
Một khi chơi game nhiều, ngoài việc tốn kém tiền của, sự sa hút học hành (đối với game thủ là học sinh, sinh viên) là điều không tránh khỏi. Chưa kể các thể loại game thịnh hành hiện nay đều có những chiêu thức nhằm thu hút càng nhiều người chơi càng tốt. Trong đó nội dung của game chủ yếu xoay quanh chủ đề bạo lực, băng đảng giang hồ, đánh nhau, tranh giành lãnh địa… thậm chí cả game có tính đồi truỵ. Ở đó người chơi hoá thân vào các nhân vật, dùng thời gian chém giết để nâng cấp độ cho mình. Các loại game o­nline như: Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế, Chinh đồ, Cướp đường phố…là điển hình nhất cho những loại game này. Để leo lên được đến một cấp độ cao, người chơi phải bỏ ra không ít tiền của, thời gian để nuôi nhân vật của mình. Đó là chưa kể đến tình trạng có những hành vi ứng xử với cuộc sống hằng ngày giống như đang ở trong trò chơi, kết thành các băng đảng giang hồ và coi mình là một “hảo hán” thứ thiệt. Hậu quả tất yếu là tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, lối sống buông thả, dẫn đến nhiều hành vi, thái độ tiêu cực trong đời sống hằng ngày.
 
Theo thống kế của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an Nghệ An) cho thấy. Từ tháng 1/2000 đến 30/12/2006 đã có 4.950 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên bị xử lý hình sự, độ tuổi phạm tội nhiều nhất là từ 18 đến 26 là 3.998 đối tượng (3.998/4.950) chiếm 74%. Từ năm 2006 đến hết quý I năm 2009 có tới 8.010 em bỏ học và 1.646 vụ phạm pháp hình sự do 2.347 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên gây ra. Nhiều vụ án các đối tượng ra tay với mức độ hung hãn, các loại vũ khí nguy hiểm: súng bắn đinh, dao, phớ,…Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó nguyên nhân đầu tiên khi nói đến tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật chính là sự ảnh hưởng của các loại game, phim bạo lực tràn lan. 
 
Việc game o­nline du nhập vào nước ta là một tất yếu cần phải chấp nhận theo xu hướng toàn cầu hoá, trong đó sức mạnh của Internet được phát huy. Thế nhưng, không phải vì thế mà có thể tiếp nhận ồ ạt và chấp nhận nó như một sự tác động không thể kiểm soát. Việc tiếp nhận một luồng văn hoá luôn có tác động hai chiều, đối với game o­nline cũng vậy, càng cấm đoán thì càng thôi thúc nó phát triển. Chính vì vậy, đưa ra một giải pháp định hướng cũng như cấp phép lưu hành cho những game o­nline có nội dung lành mạnh, là một điều cần thiết. Cần kích thích sáng tạo ra những trò chơi có hình ảnh thân thiện, phù hợp với văn hoá Việt Nam, nghiêm cấm nhập khẩu cũng như sản xuất các loại hình game bạo lực, chém giết lẫn nhau.
 
Có lẽ không cần phải nói thêm về vấn đề chơi game như thế nào. Nhưng chắc chắn cần phải thấy rằng một thiết chế để quản lý cũng như tuyên truyền giáo dục ý thức cho các đối tượng thường xuyên đến với game o­nline là một điều hết sức cần thiết. Hơn nữa cũng phải nhìn nhận một cách khách quan giữa tác động tích cực với tiêu cực trong việc chơi game o­nline. Có như vậy thì mới mong có một sự điều chỉnh hợp lý nhất, góp phần giúp giới trẻ dần xa rời thế giới ảo mà quay về với cuộc sống thực tại.

Quang An - Baonghean.vn 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh