Sự thật về mộ và đền thờ Trấn Quý Khoáng

Việc khiếu nại, tố cáo về những sai sót, gian lận Di tích lịch sử Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng ở Nghệ An diễn ra từ lâu và kéo dài. Việc Ủy ban VHGD TNTN và NĐ của Quốc hội tổ chức đoàn giám sát tại chỗ và đi đến kết luận rất rõ ràng. Nhân dân địa phương mong muốn các cơ quan hữu quan sớm giải quyết dứt điểm vụ việc.

Ngày 3/9/2009, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khoá XII đã có Quyết định số 824/QĐ/VH-TTN thành lập Đoàn giám sát về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đơn thư của công dân liên quan đến Di tích lịch sử "Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng" tại xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.


Đoàn giám sát gồm có ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD TNTN và NĐ làm Trưởng đoàn và các ông Lê Như Tiến, Ủy viên Thường trực Ủy ban; Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Ủy ban.
Nhà thờ họ Trần biến thành di tích lịch sử quốc gia
 
Tham gia làm việc với đoàn có các ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá; Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT và DL); Phạm Văn Hà, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

 Báo cáo kết quả giám sát ngày 8/10/2009 của đoàn giám sát cho biết: “Khoảng cuối những năm 1990, một số người dòng tộc họ Trần trong xóm (Đức Thịnh) cho rằng Đền Trung thờ vua Trần Quý Khoáng và ngôi mộ gần Đền Trung là mộ vị vua này. Đồng thời, họ khẳng định vua Trần Quý Khoáng chính là ông tổ dòng họ Trần ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh.
 
Do vậy, các vị trong họ đã lập hồ sơ đề nghị ngành văn hoá công nhận nhà thờ họ Trần là di tích lịch sử. Sở VHTT Nghệ An nhất trí đề nghị Bộ VHTT cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia cho “Nhà thờ họ Trần và mộ Trần Quý Khoáng" nhưng lại đổi tên là “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” Ngày 12/2/1999, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT và DL) đã cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cho di tích này với tên gọi như Sở VHTT tỉnh đề nghị”.

Qua nghiên cứu đơn thư khiếu nại, tố cáo, hồ sơ di tích, các văn bản của cơ quan chức năng và trực tiếp đối thoại với các bên liên quan, đoàn giám sát nhận định:

1. Trần Quý Khoáng là nhân vật lịch sử, có công trong kháng chiến chống quân Minh (năm 1409 - 1414) đã được sử sách ghi nhận.

Theo chính sử, Nghệ An là một trong những vùng mà vua Trần Quý Khoáng từng hoạt động. Năm 1414, ông bị giặc Minh bắt, đưa về Trung Quốc. Để giữ khí tiết, trên đường đi, ông đã nhảy xuống biển tự vẫn. Còn theo hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử do Sở VHTT Nghệ An lập thì sau khi nhảy xuống biển tự vẫn, Trần Quý Khoáng được nhân dân vớt xác, chôn và lập đền thờ tại làng Biện Thịnh (nay là Đức Thịnh), xã Hưng Lộc, TP.Vinh.
 
Nhưng truyền thuyết này chưa có căn cứ và sử liệu chứng minh, đồng thời cũng mới chỉ được ngành văn hoá địa phương và một số vị trong tộc họ Trần nêu lên vào cuối những năm 1990. Khi trao đổi với cán bộ trong đoàn giám sát, một số vị cao tuổi ở xóm Đức Thịnh, trong đó có cả người tộc họ Trần, chỉ biết ngôi mộ và đền thờ thờ một vị quan to, không phải vua Trần Quý Khoáng.

Bộ VHTT căn cứ vào đề nghị của địa phương và công văn xác nhận của Viện Sử học để xếp hạng di tích nhưng tại Công văn số 60/VHS-LSĐP ngày 12/5/2009 trả lời Văn phòng luật sư Hồng Lam (Nghệ An), PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật - Viện trưởng Viện Sử học cho biết nội dung xác nhận trước đây của Viện về việc này là dựa trên báo cáo của địa phương.

2. Hồ sơ di tích do Sở VHTT tỉnh Nghệ An lập có những sai phạm nghiêm trọng. Trước hết, người lập hồ sơ đã chú ý biến nhà thờ của một dòng tộc thành đền thờ nhân vật lịch sử Trần Quý Khoáng.

Với chủ đích này, mục "Cơ sở pháp lý” của hồ sơ di tích (trang 20) viết: "
Đền thờ và lăng mộ Trần Quý Khoáng được khởi dựng từ cuối thời Trần, được hoàn thiện vào thời Lê và Nguyễn/.../ năm 1964 - 1973 và 1994 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê của Bảo tàng Nghệ An".

Trên thực tế, Đền Trung - nơi được cho là thờ Trần Quý Khoáng - đã bị phá dỡ từ năm 1962, còn nhà thờ họ Trần được xây dựng năm Canh Ngọ 1930 chứ không phải là từ thời Trần hay thời Lê như hồ sơ đã ghi.

Toàn bộ nội dung khảo tả di tích lấy căn cứ và địa điểm là nhà thờ họ Trần, nhưng được chủ định khảo tả theo hướng đền thờ. Do vậy, có rất nhiều mâu thuẫn và sai lệch so với thực tế. Ví dụ, tại Mục VIII - "Trạng thái bảo quản" (trang 18) có ghi: “
Đền được xây dựng quy mô gồm ba toà: Hạ, Trung, Điện với đầy đủ các đồ tế khí cho tương xứng với công lao của một bậc đế vương".
 
Trên thực tế, đó chỉ là một ngôi nhà gạch ba gian, diện tích 32m2, kiến trúc không có gì đặc biệt. Phần C - "Bài trí nội thất" (trang 20) mô tả: “Gian giữa là gian thờ chính thờ Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng... Gian bên phải thờ Phú Giá Trù Uy Quận Công Trần Thông (Quan Văn)... Gian bên trái thờ Tân An Bá Trần Sung (Quan Võ)...", không thấy đề cập đến việc phối thờ ông bà, tổ tiên như đã trình bày trong đơn của các vị đại diện tộc họ Trần.

Để phù hợp với truyền thuyết xóm Đức Thịnh thờ Trần Quý Khoáng, tên vị thành hoàng trong bản dịch các sắc phong tại lý lịch di tích được gọi là "Trần thượng tướng quân” không phải "Trần triều thượng tướng quân” như ghi trong bài vị Ngài hiện đặt tại nhà thờ họ Trần.

Mặt khác, qua đối chiếu lý lịch do Sở VHTT và DL Nghệ An và Cục Di sản Văn hoá cung cấp, đoàn giám sát nhận thấy hai bản lý lịch này, tuy là hai bản được nhân ra từ cùng một hồ sơ do Sở VHTT tỉnh Nghệ An lập tháng 1/1999, nhưng có một số chi tiết quan trọng không khớp nhau về nội dung. Cụ thể là: Tại trang 20, lý lịch di tích của Sở ghi: "
Đền thờ và lăng mộ Trần Quý Khoáng được khởi dựng từ cuối thời Trần, được hoàn thiện vào thời Lê và Nguyễn".
 
Trong khi đó, lý lịch di tích lưu tại Cục Di sản Văn hoá đã xoá bớt một số từ bằng bút phủ, còn lại như sau: “Đền thờ và lăng mộ Trần Quý Khoáng được khởi dựng từ thời Lê". Một số chi tiết mô tả kích thước trong 2 lý lịch di tích cũng khác nhau...
 
Như vậy là Bộ VHTT đã xếp hạng di tích quốc gia cho một nhà thờ họ mới xây từ năm 1930, từ quy mô đến kiến trúc đều không tương xứng với công trạng của một nhân vật lịch sử như vua Trần Quý Khoáng theo một hồ sơ sai lệch nghiêm trọng...

Từ nhận định trên, đoàn giám sát đã có kiến nghị được Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng do Chủ nhiệm Đào Trọng Thi ký Công văn số 861 VH-GD-TTN ngày 13/10/2009, gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Nghệ An, kiến nghị:

1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thu hồi Bằng xếp hạng di tích “Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng" cấp ngày 12/2/1999.

2. Trong trường hợp xét thấy khu lăng mộ cổ và Đền Trung tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh có giá trị lịch sử - văn hoá nhất định, cần được bảo tồn, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học nhằm xác định đúng giá trị của khu vực này, nếu đủ điều kiện, cho khôi phục lại Đền và xếp hạng di tích phù hợp với giá trị lịch sử - văn hoá của di tích.

3. Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh thu hồi Quyết định số 1097/QĐ-UBND ngày 27/3/2009 về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Nguyễn Thị Minh.

4. Việc tranh chấp đất đai tại nhà thờ họ Trần để dòng tộc họ Trần tự giải quyết với sự giúp đỡ hoà giải của chính quyền sở tại, theo hướng đã nhất trí tại buổi làm việc của đoàn giám sát, các bên liên quan trong tộc họ không tiếp tục khiếu kiện, làm phức tạp thêm tình hình".

Việc khiếu nại, tố cáo về những sai sót, gian lận Di tích lịch sử Mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng ở Nghệ An diễn ra từ lâu và kéo dài. Việc Ủy ban VHGD TNTN và NĐ của Quốc hội tổ chức đoàn giám sát tại chỗ và đi đến kết luận rất rõ ràng. Nhân dân địa phương mong muốn các cơ quan hữu quan sớm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Nhân Tâm
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh