Phát triển thương hiệu Cam Vinh: 'Phù phép' cam Trung Quốc thành cam Vinh
12/9/2016 7:56:08 AM

Từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, sẽ không có cam Vinh, nhưng rất nhiều quầy hàng vẫn ngập tràn, trong đó có cả cam nhập từ Trung Quốc nhưng luôn giới thiệu là cam Vinh để kiếm lời. Cứ khoảng 2 - 3 giờ sáng hàng ngày có 4 - 5 chuyến xe tải chở cam Trung Quốc vào chợ Vinh tiêu thụ.

>>>Tìm về thủ phủ cam Vinh

Với tiềm năng to lớn về cây cam của Nghệ An, thì thương hiệu Cam Vinh thực sự đã trở thành một niềm tự hào. Tuy nhiên, còn rất nhiều băn khoăn từ người sản xuất, hiệp hội trồng cam và các nhà quản lý địa phương cơ sở trong quá trình phát triển cây cam trên địa bàn…

Lộn xộn thị trường

Thị trường đầu ra cho sản phẩm cam đang trong tình trạng lộn xộn là một vấn đề bức xúc chung mà chúng tôi ghi nhận được ở những vùng cam trên địa bàn tỉnh. Không ít hộ trồng cam tại các vùng cam ở Quỳ Hợp, Con Cuông, Yên Thành, Đỉnh Sơn (Anh Sơn)… bày tỏ điều này vì thực tế có rất nhiều tiểu thương tham gia buôn bán, phân phối cam Vinh đã kiếm lời bằng cách trộn lẫn các loại cam có chất lượng kém, giá trị thấp vào.

Người trồng cam còn khẳng định, từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, sẽ không có cam Vinh, nhưng rất nhiều quầy hàng trên địa bàn tỉnh vẫn nhập cam ở những vùng khác, trong đó có cả cam nhập từ Trung Quốc nhưng luôn giới thiệu là cam Vinh để bán. 

Người dân xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn chăm sóc vườn cam.

Ông Trịnh Xuân Giáo - chủ trang trại cam lớn ở xã Đồng Thành (Yên Thành) đã viết trên Facebook của mình về tình trạng cam Vinh bị giả mạo như sau: “Hiện nay trên thị trường Nghệ An ngoài  cam Vinh (trồng ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành…) còn có cam Cao Phong, Hà Giang, Trung Quốc.

Trong đó, cam Trung Quốc dẫn đầu với số lượng tiêu thụ lớn nhất (ước tính khoảng 30 - 40 tấn/ngày) vì giá rẻ, mẫu mã đẹp đa dạng và chất lượng”; “cứ khoảng 2 - 3 giờ sáng hàng ngày có 4 - 5 chuyến xe tải chở cam Trung Quốc vào chợ Vinh tiêu thụ.

Họ có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu, nhưng điều băn khoăn là sau khi lên sạp hàng, hoặc chuyển đi các nơi khác, thì cam Trung Quốc đã không còn là cam Trung Quốc nữa. Khách hàng thường bị nhầm lẫn với cam Vinh nói chung vì cam Trung Quốc đã thay đổi mẫu mã đến mức người tiêu dùng không thể phân biệt nổi! Bản thân tôi trồng cam 12 năm nay, nhưng khi đứng trước những quả cam Trung Quốc cũng đành bó tay. Chỉ có những người bán mới biết rõ mà thôi…!”.

Thực tế, cảnh báo của những người trồng cam như ông Trịnh Xuân Giáo là có thật. Ở các trung tâm, “trên trời dưới cam”, và ki-ốt, cửa hàng nào cũng treo biển cam Vinh, cam Quỳ Hợp… nhưng không có gì để làm căn cứ. Trong khi các cán bộ quản lý thị trường thì công nhận, nông sản Trung Quốc, trong đó mặt hàng cam quả vẫn có mặt ở Nghệ An! Hoặc vào dịp tháng 5 - 7 hàng năm, đi trên Quốc lộ 48, đoạn ngang qua các thị tứ Tuần, Nghĩa Thuận…, Quốc lộ 7, đoạn qua xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn), Bồng Khê (Con Cuông) dù không đúng mùa nhưng vẫn thấy rất nhiều cam được bày bán. Sắc cam vẫn vàng óng ả, quả đều tăm tắp, lại có lá xanh nguyên.

 Cam Trung Quốc có màu tươi, sáng bóng, vỏ láng mịn.
Cam Trung Quốc có màu tươi, sáng bóng, vỏ láng mịn.

Những người bán cam vẫn đon đả chào mời mua cam Vinh…; nhưng thực ra, nếu không phải cam Hà Giang thì là cam Trung Quốc. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành - ông Lê Viết Minh xác nhận với chúng tôi rằng: “Thời điểm tháng 5 - 6, Quỳ Hợp có "bói" cũng không ra một quả cam. Thứ cam dân bán dọc đường, 100% là cam Trung Quốc”, và ông cảm thán: “Dân mình có những người như thế đấy. Vì chút lợi nhỏ mà dùng đủ chiêu qua mặt người tiêu dùng. Làm thế khác nào “ném đá” vào thương hiệu "cam Vinh!".

Trước tình trạng hàng “nhái”, hàng “giả”, những người nông dân trồng cam chất phác như bà Phan Thị Tâm ở bản Pha, xã Yên Khê (Con Cuông), cũng hết sức bức xúc mà nói với chúng tôi về cách làm ăn của bạn hàng rằng: “Mọi năm, các thương lái vào mua với số lượng rất lớn nhưng nay thì chỉ chọn mua số lượng ít. Họ nói thẳng ra là mua của vườn một ít vậy thôi, còn sẽ trộn lẫn cam nơi khác vào để bán, như thế mới có lãi. Chúng tôi nghe vậy thì buồn lắm. Nhưng biết làm sao được!…”.

Hay như các hộ trồng cam Bãi Phủ ở xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) đã khẳng định, cam chất lượng kém bán dọc Quốc lộ 7 rất nhiều, nhất là tại các quầy ốt có căng biển hiệu như “Nhà vườn cam sạch Bãi Phủ - Chất lượng hảo hạng”. Bởi thực chất, họ không sản xuất cam, lấy cam từ địa phương khác về bán, việc treo biển hiệu là để "đánh lừa" người tiêu dùng…

Nguy cơ “thua” trong cạnh tranh thương hiệu

Bên cạnh nỗi lo về sự lẫn lộn thật giả của thị trường, người sản xuất cam đang thực sự lo lắng vì sự lên ngôi của một số thương hiệu cam mới, cạnh tranh mạnh mẽ với cam Vinh. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam rộng hơn 0,7 ha lúc lỉu quả, dù tin tưởng sẽ có một vụ mùa bội thu nhưng ông Kiều Quang Vinh ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) nhận thấy rằng, cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình đang là đối thủ thực sự của Cam Vinh.

“Điều chắc chắn là sau 2 năm liền, cam Cao Phong được tổ chức quảng bá với hình thức lễ hội cấp huyện, rồi cấp tỉnh đã làm cho niềm kiêu hãnh của cam Vinh bị “đe dọa” - ông Vinh nói và phân tích: “Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cam chúng tôi có thể làm tốt nhờ tích lũy kinh nghiệm qua hàng năm. Thế nhưng để kinh doanh có hiệu quả, bền vững thì sự quảng bá sản phẩm cam rộng khắp là yếu tố hết sức quan trọng mà chúng tôi chưa làm được. Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ của Hiệp hội người trồng cam cũng như sự dẫn dắt của chính quyền các cấp…”. 

Cùng trăn trở với ông Kiều Quang Vinh, Chủ nhiệm HTX Tấn Thanh - anh Dương Minh Tấn, cho rằng, cam Vinh nổi trội về mọi mặt, từ hình thức đến chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề quảng bá sản phẩm, thương hiệu trên thị trường để đảm bảo tính cạnh tranh cao, bền vững cho cam Vinh còn quá yếu.“Đây cũng là lý do mà 9 hộ trồng cam ở Minh Hợp chúng tôi quyết định thành lập HTX cam. Cùng thực hiện một quy trình sản xuất, cho ra một sản phẩm cam đảm bảo chất lượng, chúng tôi đã đăng ký một nhãn hiệu cam riêng “Tấn Thanh” để tìm sự cạnh tranh mới, lành mạnh trên thị trường. Nhưng việc làm của chúng tôi là đơn độc. Thế nên rất cần sự vào cuộc chung cùng với sự dẫn dắt của Nhà nước…”.

Cam Vinh đã trở thành thương hiệu riêng có của Nghệ An.
Cam Vinh đã trở thành thương hiệu riêng có của Nghệ An.

Theo thống kê, đã có trên 700 ha cam bị rụng từ 30% trở lên với gần 3.000 tấn quả (chủ yếu giống cam Xã Đoài lòng vàng và cam mát), thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. Theo ghi nhận của các chủ vườn, trên cây cam không có biểu hiện dịch bệnh nhưng quả cứ “đua nhau” rụng hàng loạt; hoặc quả bị “đơ” (nhỏ, bị sần, khô), giá bán chỉ được 4.000 – 5.000 đồng/kg. “Suất đầu tư cho cam lớn, trong khi đó, quy trình kỹ thuật sản xuất của họ chủ yếu là tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên việc phát hiện ứng phó nhanh là hết sức khó khăn…” – một chủ vườn trao đổi.

Hiệp hội, nhà quản lý gặp khó?

Theo ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội cam Vinh, những vấn đề người sản xuất băn khoăn, lo lắng nêu ra là xuất phát từ thực tế. Diện tích cam trên toàn tỉnh khoảng 4.000 ha, hàng năm cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn tấn, vậy nhưng chủ yếu là do tư thương giao dịch quyết định. Các điểm đại lý bán cam Vinh trên địa bàn tỉnh và các trung tâm lớn cả nước còn rất ít. Việc dán nhãn mác hiện nay cho cam cũng chưa được các nhà sản xuất quan tâm…

Hạn chế này, một phần do người tiêu dùng, người sản xuất nhưng cũng có phần trách nhiệm của hiệp hội đã hạn chế trong công tác quản lý điều hành hội viên.

Một bất cập mà như ông Hoàng Minh chỉ ra thật đáng suy ngẫm là Hiệp hội cam Vinh được thành lập từ năm 2010, thế nhưng lại chưa có quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ chế hoạt động và không được kiện toàn hàng năm.

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp - ông Nguyễn Đình Tùng, cho hay:  Xác định vai trò quan trọng của cây cam trong phát triển kinh tế nên Quỳ Hợp đã xây dựng nghị quyết, đề án để thực hiện. Vậy nhưng để bảo vệ thị trường, không để xảy ra tình trạng giả mạo, trộn lẫn cam Vinh với các loại cam khác thì huyện gặp khó khăn.

Tại cuộc hội thảo về cam Vinh đầu tháng 9/2016, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Chúng tôi được người dân báo lại là có nhiều hộ ở Quỳ Hợp đưa cam nơi khác về bán nhưng để quy trách nhiệm kinh doanh giả nhãn hiệu thì chúng tôi chưa thể làm được, vì chưa có tem mác, chưa có đăng ký cụ thể. Trên đường Hồ Chí Minh hiện nay, người ta bán nhiều loại cam và đều đề là cam Quỳ Hợp, nhưng nhìn vào để bắt lỗi vi phạm thì không thể thực hiện được!…”. 

Có 12 năm kinh nghiệm trồng cam, ông Trịnh Xuân Giáo - Chủ trang trại cam Thiên Sơn (Đồng Thành, Yên Thành) khuyến cáo người tiêu dùng:

“Quả cam chín tự nhiên thường có màu vàng ở đáy quả lan lên trên. Không nên chọn quả có đốm vàng đều phân tán khắp cả quả vì đó là cam dùng thuốc ép chín;

Nếu núm héo, lá héo mà quả cam vẫn bám chắc trên cành, thì đó là cam đã được tẩm thuốc giữ tươi chống rụng lá. Điều này thường thấy ở cam có xuất xứ từ Trung Quốc, vận chuyển về Việt Nam qua nhiều ngày nhưng “ngụy trang” bằng lá để đánh lừa người tiêu dùng là cam trong nước mới cắt;

Nên chọn quả có màu tươi tự nhiên, chuyển sang vàng và có pha chút màu xanh. Chọn quả có phần vàng nhiều hơn phần xanh vì đó là dấu hiệu cho biết cam đến độ thu hoạch, có đủ vị ngon ngọt; 

Nên chọn những quả cam khi cầm lên thấy nặng tay. Đó là những quả có nhiều nước. Những quả da dày, cứng, to nhưng nhẹ là cam quá lứa, bị khô;

Nếu được phép người bán hàng, dùng móng tay gẩy nhẹ lên vỏ cam và ngửi thấy mùi hương cam đặc trưng, thì có khả năng nhiều là cam Vinh…”.

(còn nữa)

 N.P.V

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh