Vỉa hè TP Vinh: Quản lý hay giải tỏa?
3/24/2017 3:17:50 PM
Thành phố Vinh hiện nay có trên 300 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 305km. Diện tích vỉa hè và lề đường ở thành phố Vinh là gần 3,5 triệu m2, trong đó 90% tuyến đường ở vùng nội thị đã có vỉa hè lát gạch, với diện tích trên dưới 2 triệu m2.
 
Có thể nhận thấy là so với nhiều đô thị khác, vỉa hè ở thành phố Vinh được quy hoạch khá rộng. Tính trung bình vỉa hè ở thành phố Vinh rộng trên 5 mét. Có những đường vỉa hè rộng gần 30 mét, như Quang Trung, Xô viết Nghệ Tĩnh… Đến năm 2013, thành phố có khoảng 6.300 hộ kinh doanh ở mặt đường, chiếm 8,6% số hộ gia đình của cả thành phố. Đến nay con số đó có thể đã lên đến trên dưới một vạn hộ, đó là chưa kể hàng nghìn doanh nghiệp và công sở khác cũng có trụ sở mặt đường, có nhu cầu và trên thực tế cũng đang sử dụng vỉa hè.
 

Vỉa hè bị chiếm dụng làm chỗ để xe và đăt bàn ghế bán hàng trên đường Quang Trung

Vỉa hè trên đường Lê Lợi trở thành nơi bán hàng nước

Quán kinh doanh hàng ăn lấn chiếm vỉa hè trên đường Lê Hồng Phong

Vỉa hè góc đường Hồng Bàng và Nguyễn Thị Minh Khai trở thành nơi buôn bán và sửa chữa xe đạp

Các ki ốt kinh doanh bày bán hàng hóa ngay trên vỉa hè đường Đinh Công Tráng - Ảnh: Tiến Đông

Từ nhiều năm nay, không riêng gì thành phố Vinh mà hầu như tất cả các đô thị trong toàn quốc đều đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc, nhân lực để tìm kiếm giải pháp quản lý vỉa hè. Nhưng, thực sự đây là “câu chuyện dài nhiều tập”. Kịch bản: Ra quân giải tỏa - Lấn chiếm - Ra quân giải tỏa -… cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác. Có thể thấy rõ sự bất lực của chính quyền trong việc giải tỏa vỉa hè. Phải chăng sự bất lực đó có nguyên nhân sâu xa từ cách tiếp cận vỉa hè một cách phiến diện? Trong phạm vi bài báo nhỏ này, chúng tôi xin nêu lên một số ý kiến sau đây:

Thứ nhất, về nhận thức: Vỉa hè là không gian giao thông, dành cho người đi bộ. Đó là chức năng vốn có, chức năng chủ yếu của vỉa hè. Nhưng, mặt khác phải thừa nhận vỉa hè còn có chức năng văn hóa, chức năng kinh tế do cuộc sống khách quan mang lại. Các nhà nghiên cứu có xu hướng xếp “kinh tế vỉa hè” vào loại hình kinh tế phi chính thức. Tuy nhiên, những hoạt động kinh tế dựa vào vỉa hè ở ta rất đa dạng, trong đó có cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký, có nộp thuế hẳn hoi. Ở thành phố Vinh số người bán hàng rong, hoặc làm một số nghề dịch vụ như đánh giày, bán báo, xổ số… không nhiều và bản thân những dịch vụ này cũng không phải là “thủ phạm” chính chiếm dụng, hay gây cản trở giao thông trên vỉa hè. Giải tỏa vỉa hè, dành không gian cho người đi bộ là đúng, là cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa là đồng thời giải tỏa luôn “kinh tế vỉa hè”, một loại hình kinh tế quan thiết đến cuộc sống của hàng vạn người dân.
Thứ hai, về mục tiêu quản lý vỉa hè: Xưa nay việc quản lý vỉa hè hầu như mới xoay quanh việc giải tỏa để đảm bảo mục tiêu giao thông, trả vỉa hè lại đúng chức năng là không gian giao thông dành cho người đi bộ. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Theo chúng tôi, từ thực tế hiện nay, trên cơ sở chấp nhận các chức năng văn hóa, kinh tế của vỉa hè thì việc quản lý vỉa hè phải đảm bảo hài hòa cả ba mục tiêu, đó là về giao thông; về văn hóa; về dân sinh.
Về giao thông: Là mục tiêu hàng đầu. Trong mọi điều kiện thì vỉa hè phải đủ thuận tiện cho người đi bộ. Mọi hoạt động trên đó không được cản trở nhu cầu lưu thông của người đi bộ.
Về văn hóa: Vỉa hè phải đảm bảo các yêu cầu xanh, sạch, đẹp, sáng sủa, xứng đáng là “vầng trán của đường phố”.
Về dân sinh: Tạo điều kiện để cho các hoạt động thương mại, dịch vụ và các sinh hoạt khác có sử dụng vỉa hè được thuận lợi, nhưng không ảnh hưởng xấu đến hai mục tiêu nói trên.
Thứ ba, về quan điểm, chúng ta cần phải thiết lập tư duy quản lý, thay thế cho tư duy cấm, giải tỏa, dẹp bỏ. Cần thiết lập giải pháp quản lý căn cơ và đồng bộ. Đồng bộ ở đây, theo chiều ngang là các cơ quan quản lý, các ngành thống nhất với nhau; đồng bộ theo chiều dọc là từ phường lên thành phố lên tỉnh thống nhất với nhau. Tránh tình trạng thành phố thí điểm, tỉnh thì cấm; thuế thì thu, mà trật tự lại phạt, giải tỏa... Chỉ cần một sự thiếu đồng bộ theo chiều ngang hay chiều dọc thì vì lợi ích người ta sẽ tìm kẽ hở để "lách".
Thứ tư, trên cơ sở những nhận thức đó, cần tìm ra giải pháp cho vấn đề quản lý vỉa hè. Chúng tôi đề xuất mấy ý kiến sau đây:
- Trước hết, phải tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, để dần dần chức năng của cái gì thì sẽ trả về chỗ đó. Như, cần quy hoạch về thương mại và dịch vụ theo hướng khuyến khích các hình thức thương mại dịch vụ hiện đại, văn minh, hạn chế dần thói quen mua bán, ăn uống, giải trí trên vỉa hè. Cần quy hoạch phố đi bộ, phố chuyên doanh. Đặc biệt một quy hoạch hiện nay rất quan trọng là quy hoạch giao thông tĩnh, đó là bến xe, nơi để xe. Nơi đỗ xe, kể cả ô tô và xe máy hiện nay cũng đã là một nan đề của thành phố Vinh. Nếu không giải quyết được nơi đỗ xe thì vấn đề vỉa hè cũng khó mà giải quyết được một cách căn bản.
- Từ những kinh nghiệm thực tế như ở đường Trần Phú, đường Phan Đình Phùng… (thành phố Vinh); từ kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, thành phố Vinh cũng cần phải phân loại vỉa hè để quản lý. Có thể chia làm mấy loại sau:
+ Những tuyến phố tuyệt đối không được sử dụng vỉa hè buôn bán, dịch vụ, như các tuyến đường có các cơ quan chính trị lớn của tỉnh và thành phố; các tuyến đường vỉa hè và lòng đường quá hẹp, mật độ lưu thông cao…
+ Loại tuyến phố được sử dụng ổn định một phần vỉa hè để kinh doanh, dịch vụ, nhưng phải có điều kiện, có thể là các tuyến phố thương mại có vỉa hè rộng, nhu cầu kinh doanh, dịch vụ cao. Ở những tuyến phố này có thể cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuê để sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, hoặc phục vụ nhu cầu kinh doanh, nhưng với điều kiện là vẫn phải dành không gian cho người đi bộ, cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị. Gần đây, trên một số tuyến phố đã kẻ vạch sơn quy định ranh giới cho người dân để xe máy. Chúng tôi cho rằng nếu quản lý tốt thì đây là cách làm hợp lý.
+ Loại tuyến phố cho sử dụng tạm thời vỉa hè nhưng có thời hạn, cần phải xin phép chính quyền như tổ chức đám cưới, đám tang...
+ Những tuyến phố có thể cho kinh doanh theo giờ, ví như cho bán đồ ăn sáng, ăn tối...
Thiết nghĩ, tuy không đặt vấn đề chính quyền “kinh doanh vỉa hè”, nhưng nếu quản lý tốt thì nguồn thu từ cho thuê vỉa hè là không nhỏ, có thể hỗ trợ đáng kể cho việc xây dựng, duy tu, bảo dưỡng và quản lý vỉa hè của thành phố.
- Cuối cùng, cần xây dựng bộ quy chế quản lý vỉa hè một cách đồng bộ, tạo sự hài hòa giữa lợi ích nhà nước và lợi ích của người dân, hài hòa các mục tiêu giao thông, kinh tế và văn hóa, đảm bảo sự đồng bộ theo cả chiều ngang và chiều dọc. Đề nghị làm thí điểm quản lý vỉa hè trên một vài tuyến phố nhất định, sau đó tổng kết kinh nghiệm để hoàn chỉnh bộ quy chế.
Khi đã có quy chế, quy định chính thức về quản lý vỉa hè, thì cần tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Đồng thời kiên quyết giải tỏa dẹp bỏ mọi sự lấn chiếm hay vi phạm.
Từ Quận I Thành phố Hồ Chí Minh, “chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đang lan tỏa mạnh mẽ ra các đô thị trong toàn quốc. Hy vọng thành phố Vinh sẽ có những cách làm hợp lý và hiệu quả hơn, để vỉa hè của thành phố thực sự được quản lý một cách bền vững, chứ không phải chỉ là viết tiếp câu chuyện dài có tên là… Ra quân, Giải tỏa.
Nguồn: Báo lao động nghệ an
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh