Người dân thành phố Vinh mỗi khi đi qua đường Nguyễn Tiến Tài ở phường Hưng Bình vẫn thường nhìn thấy tấm biển chỉ dẫn vào ngôi đền có tên Tiên Cảnh.
Tôi cũng đã nhiều lần đi qua con đường ấy, cũng nhìn thấy tấm biển dựng nghiêng nghiêng bên hè phố nhưng chưa khi nào nghĩ mình sẽ ghé thăm một lần.
Mãi đến một ngày gần đây trong một ngày “run rủi” thế nào tôi lại lạc vào con ngõ nhỏ sâu trong khu dân cư cuối đường Nguyễn Tiến Tài. Đang cố tìm cách lái xe lui tiến giữa ánh mắt tỏ ra lo ngại của nhiều người thì bỗng có người đàn ông chạy đến. Ông ra hiệu cho tôi hạ kính xe để ông “xi nhan” giúp.
Khi tôi quay được đầu xe và mở cửa bước xuống bất chợt nhìn thấy ngôi đền nằm lẫn giữa mái nhà lô xô của cụm dân cư. Không để tôi kịp nói lời biết ơn, ông lão vừa mới “xi nhan” giúp tôi tiến đến vỗ vai, mắt nheo nheo trông rất hóm: “Lễ đền Trường Tạ hả?”. Cũng không để cho tôi kịp trả lời, ông hích nhẹ vào vai tôi: “Vào đi. Hôm nay ngày tuần một hồi nữa là đông người đến đấy”.
|
Quang cảnh đền Trường Tạ (Tiên Cảnh). Ảnh: Vân Nhi |
Bước qua bậc cửa vào sân đền, dường như ngay lập tức tôi cảm nhận được luồng không khí mát lạnh len vào da thịt. Xung quanh ngôi đền được bao bọc bở 2 gốc đa cổ thụ cùng nhiều cây cảnh, cây bóng mát khác khiến cho ngôi đền trở nên hoàn toàn đối lập với không gian phía ngoài.
Đã được tham quan, thăm thú nhiều công trình đền, chùa, miếu mạo, nhưng cảnh vật lúc này khiến tôi hơi bất ngờ. Ngôi đền vẫn có cổng tam quan, tắc môn nhưng nhìn kỹ vẫn không mang nét cổ kính thường thấy. Dẫu đền được theo lối kiến trúc hướng cổ nhưng tựu trung theo cảm quan hạn hẹp của tôi là nó vẫn “tươi mới quá”.
Vẫn là ông lão lúc này trao cho tôi một cây nhang đã đốt sẵn: “Chắc là lần đầu chú đến đây?”. Tôi mỉm cười nhìn ông lão. Ông có vóc người dong dỏng, tóc đã ngả màu, tuổi độ ngoài 70 nhưng rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Mãi đến khi thăm thú ngôi đền một lượt tôi mới có dịp ngồi trên chiếc chõng tre đặt phía sau khu hạ điện trò chuyện với ông lão mới quen trước đó ít phút. Ông chỉ biết mình tên là Sen, Nguyễn Công Sen.
Ông năm nay vừa bước qua tuổi 70 và cũng chính là thủ từ của ngôi đền Tiên Cảnh. Nhà ông lão chỉ cách đền chừng vài trăm mét và ông đã được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này (khối Bình Yên - phường Hưng Bình). Ông Sen cũng cho biết, mình mới nhận trọng trách thủ từ của ngôi đền gần 2 năm nay cho dù đã gắn bó với công trình tâm linh này từ thuở mới lọt lòng.
|
Cổng Tam quan đền Trường Tạ. Ảnh: Vân Nhi |
Tôi đã hỏi ông rằng, tại sao trong ngôi đền đẹp đẽ này lại không có bất cứ dòng sử liệu nào để biết đền được xây dựng để thờ ai, thờ thánh hay thờ thần. Ông Nguyễn Công Sen cho hay, ngày nay người ta vẫn gọi là đền Tiên Cảnh, nhưng thực tế tên gốc là đền Trường Tạ. Đền được nhân dân trong vùng dựng lên từ thời Lê Trung Hưng để thờ 2 vị bản cảnh thành hoàng, đồng thời là 2 cha con là: Nguyễn Viết Nhung và Nguyễn Viết Phú.
Tôi hơi ngờ ngợ khi nghe tên của 2 nhân vật này. Hỏi lại người thủ từ đền, ông chỉ cung cấp được thêm: Hai ông Nguyễn Viết Nhung và Nguyễn Viết Phú không chỉ là bản cảnh thành hoàng của mảnh đất Hưng Bình mà nhiều người còn khẳng định, trong lịch sử, hai người này có công khai cơ lập ấp, mở rộng mảnh đất Yên Trường xưa kia và thành phố Vinh ngày nay.
Lần tìm theo dòng lịch sử cho thấy, ông Nguyễn Viết Nhung là cháu đời thứ 23 của thủy tổ Nguyễn Bặc đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Nguyễn Viết Nhung quê gốc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Ông sinh năm Mậu Dần (1578) vào đời Lê Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng (1578 - 1599). Năm 1593, cuộc chiến tranh Trịnh Mạc đến hồi kết thúc, chiến thắng thuộc về chính quyền Lê Trịnh. Vua Lê Thế Tông từ Thọ Xuân - Thanh Hóa về kinh đô Thăng Long. Gia đình Nguyễn Viết Nhung cũng theo vua về kinh. Tuy nhiên, Nguyễn Viết Nhung chỉ sống với gia đình một thời gian ngắn ở Thăng Long, với chí hướng muốn rời mảnh đất nhung lụa để thỏa chí khám phá, ông đã đi về phương Nam, đến vùng đất Nghệ An.
Tại đây ông chiêu dân lập ấp, khai phá đất đai, xây dựng xóm làng. Bằng ý chí quyết tâm và trí tuệ, ông đã cùng nhân dân khai phá đất đai, xây dựng thành một khu vực dân cư, xóm làng đông vui, lấy tên là Yên Trường để tưởng nhớ mảnh đất Yên Trường - Kinh đô kháng chiến ở Thanh Hóa nơi gia đình ông sinh sống xưa kia.
Đến đời Vua Lê Thần Tông, ông Nguyễn Viết Nhung mất, hưởng thọ 80 tuổi. Sau khi mất, dân làng vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ phụng, tôn ông làm Thành hoàng ở các thôn, làng mà ông có công khai phá như: làng Trung Mỹ, Nam Khang, Đông Yên… Các triều đại đều ban sắc phong cho ông là Bản cảnh thành hoàng, báo ứng tôn thần với mỹ tự: Đôn ngưng tôn thần.
Nguyễn Viết Phú hiệu Đa Văn, là con trai thứ 2 của ông Nguyễn Viết Nhung và bà Đậu Thị Chức. Ông sinh vào đời Vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định (1601 - 1619). Lúc nhỏ là người thông minh, học giỏi, có chí hơn người. Hai mươi tuổi ông đỗ Hương cống. Năm Dương Hòa (1635 - 1643) đời Lê Thần Tông, ông dự kỳ thi Hội trúng Tam trường. Ông được triều đình bổ nhiệm làm quan ở đạo Kinh Bắc, giữ chức Hình phó Hiến sát sứ sau đó là Hiệp sát Phó sứ. Đến năm 70 tuổi, ông nghỉ hưu và trở về quê hương an dưỡng tuổi già.
|
Ông Nguyễn Công Sen giới thiệu về một tấm bia đưa từ chùa Tập Phúc, phường Hưng Binh (TP. Vinh) đang được lưu giữ tại đền Trường Tạ. Ảnh: Vân Nhi |
Trong thời gian an trí tuổi già ở quê hương, tiếp tục sự nghiệp của cha mình, ông đã củng cố mở mang quê hương ngày càng trở nên thịnh vượng, trù phú. Sau khi ông qua đời, vì có công với nước với dân, Nguyễn Viết Phú đã được nhân dân lập đền thờ phụng. Ngoài 2 nhân vật kể trên, đền Trường Tạ - Tiên Cảnh còn phối thờ Phật, thờ Mẫu và các vị thần có công với đất nước, nhân dân.
Ngôi đền Trường Tạ hiện tại được xây mới hoàn toàn, ông Nguyễn Công Sen cho biết, trải qua thời gian nhất là sau 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền gần như bị san phẳng hoàn toàn, chỉ còn nền móng cũ. Như để chứng minh cho điều mình nói, ông Sen dẫn tôi về nhà, lôi từ trong tủ ra cơ man là giấy tờ, sách báo tài liệu.
Lật dở từng trang của cuốn lịch sử phường Hưng Bình, ông lão như muốn nhắc tôi: “Mảnh đất này vào những năm đầu thế kỷ XX gọi là Làng Cá. Tại đây có chi bộ Đảng hoạt động với 5 đảng viên chủ chốt, đó là các ông: Hồ Anh Diệm, Hồ Viết Định, Bùi Xuân Kỳ, Đậu Đình Minh và Đậu Đình Vân. Nơi hoạt động, hội họp, in ấn tài liệu bí mật của Chi bộ Hàng Cá là đền Trường Tạ đấy”.
Ông Sen còn cho biết, ngôi đền cũng là lớp học xóa mù cho bà con trong vùng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Không dừng lại ở đó, bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đền Trường Tạ là địa điểm hoạt động của Trung đội dân quân tự về địa phương mà ông Sen là một thành viên. Tiếp đó, ngôi đền lại trở thành vị trí đặt máy thông tin liên lạc của Ban chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An.
Chính vì điều này, từ năm 1964 đến 1972, khu vực phường Hưng Bình trở thành địa bàn đánh phá ác liệt của không quân địch. Nói đến thực tế này, ông Nguyễn Công Sen trở nên bồi hồi: “Nhiều người bây giờ không biết, vào năm 1972, có đợt liên tục 17 đêm pháo kích của địch từ ngoài biển dồn dập đánh vào khu vực này, ngôi đền cũng vì thế mà không còn một mảnh ngói nguyên vẹn”.
Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của dân cư trong vùng cũng như nhân dân thành phố Vinh, ngôi đền đã được xây dựng, tôn tạo lại. Mới đầu, UBND phường Hưng Bình hỗ trợ kinh phí để xây nhà thượng điện, sau đó các công trình khác như: xây dựng hạ điện, trung điện, tam quan, khuôn viên và mua sắm đồ tế khí… đều do nhân dân đóng góp. Người có công trong hoạt động kêu gọi người dân góp công, góp của xây lại đền Trường Tạ là ông Nguyễn Văn Kiên (SN 1939). Ông Kiên từng là thủ từ của đền và là cậu ruột ông Nguyễn Công Sen.
Năm 2012, đền Trường Tạ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đó dường như là sự tôn vinh xứng đáng đối với một địa chỉ đỏ, chứng tích bi tráng trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của thành phố trung tâm Bắc miền Trung./.
Vân Nhi-Baonghean.vn