Những nhà xưởng màu xám, những đường dây điện xuất hiện vài tháng sau đó. Các chuyến xe buýt chở công nhân cũng bắt đầu ra vào nhà máy của Foxconn - đối tác sản xuất hầu hết iPhone của Apple.
Nhờ đó, một khu công nghiệp dần được hình thành và được biết đến như "thành phố iPhone" tại vùng đất nông nghiệp ngày nào.
Một năm sau, Chủ tịch Terry Gou của Foxconn thông báo có 100.000 công nhân làm việc trong khu công nghiệp này. Còn hiện tại, số lượng công nhân tại đây đã lên đến 250.000 người, xấp xỉ dân số của thành phố Madison (Mỹ).
|
Nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu hiện có 250.000 công nhân. Ảnh: WSJ
|
Trong quá trình xây dựng các nhà máy, nông dân địa phương nhận được tiền đền bù đất sản xuất. Nhiều người cho biết cả đời trồng lúa, ngô thì họ cũng không kiếm được số tiền lớn như thế này.
Foxconn thông báo đã mua 80% các toà nhà mà công ty đang sử dụng tại Trịnh Châu và thuê 20% còn lại. Đồng thời, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào thành phố này.
Sau lần nhìn thấy các máy bay bay qua cánh đồng năm 2010, ông Zhang đã mua được hai căn hộ nhờ số tiền đền bù. Hiện tại, ông là một công nhân vệ sinh đường phố. Trong khi, vợ và các con ông đều làm việc trong nhà máy của Foxconn.
Mỗi công nhân Foxconn tại Trịnh Châu kiếm được khoảng 1.900 yuan (278 USD) một tháng. Nếu làm thêm giờ, họ có thể nhận được hơn 4.000 yuan. Đây là một mức thu nhập không cao, nhưng tốt hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Nhờ đó, các trung tâm mua sắm, nhà hàng và quán karaoke mọc lên liên tiếp, để phục vụ nhu cầu của người lao động tại "thành phố iPhone".
|
Nhiều trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán karaoke mọc lên quanh nhà máy Foxconn. Ảnh: WSJ
|
Trong cơn sốt iPhone 7 mùa thu năm ngoái, Foxconn đã phải thuê thêm công nhân từ các nhà máy than quanh vùng. Đến năm nay, các nhà tuyển dụng của hãng công nghệ này lại phải tới các làng quê tìm kiếm công nhân lắp ráp mẫu iPhone sắp ra mắt.
Giới phân tích ước tính Foxconn sản xuất khoảng 150 triệu iPhone, 20 triệu iPad và nhiều thiết bị điện tử khác mỗi năm. Hãng công nghệ này cho biết họ đang thuê khoảng một triệu lao động khắp Trung Quốc và các nơi khác, bao gồm cả Thẩm Quyến - nơi sản xuất iPhone đầu tiên của Foxconn.
Nhờ là "công xưởng" của Apple và sự thành công của iPhone trong một thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của chuỗi cung cấp các thiết bị điện tử toàn cầu. Các nhà máy công nghệ cao bùng nổ khi được chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn. Sự thay đổi này đã biến đổi cuộc sống của hàng triệu người dân Trung Quốc.
|
Một trung tâm tuyển dụng của Foxconn tại thành phố Trịnh Châu. Ảnh: WSJ
|
Theo Giáo sư kinh tế Shi Pu tại Hà Nam, Chính quyền Trung Quốc xem các nhà máy iPhone như là một khoản đầu tư đáng giá. "Foxconn đã đào tạo hàng trăm nghìn người dân tỉnh Hà Nam. Họ có thể ứng dụng các kỹ năng này vào nhiều công việc khác", ông nhận định.
Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, gần đây, lượng hàng điện tử xuất khẩu từ tỉnh nghèo Hà Nam với thành phố Trịnh Châu là trung tâm đã tăng vọt.
Cũng giống như các thị trấn tại Mỹ cách đây một thế kỷ, "thành phố iPhone" đang chủ yếu xoay quanh một sản phẩm duy nhất và phát triển dựa trên sự thành công của sản phẩm này.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều người lo ngại rằng Foxconn hay Apple sẽ cần "thành phố iPhone" tại Trịnh Châu đến lúc nào khi mà doanh số chiếc điện thoại thông minh này lần đầu tiên sụt giảm sau 10 năm ra đời.
Còn hiện tại, iPhone vẫn là một lựa chọn xa xỉ với nhiều công nhân Foxconn dù chính họ góp phần tạo nên chiếc điện thoại thông minh này. Những người công nhân thường chỉ sử dụng những mẫu điện thoại Trung Quốc rẻ tiền hơn.
Nguồn: VNE