Bất cập chính sách tiền lương: Lương tối thiểu không đủ sống tối thiểu - ảnh 1Công nhân rút tiền lương tại cây ATM trong khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

 

Cải cách tiền lương không đáp ứng yêu cầu

Ngày 17/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để khảo sát, phục vụ xây dựng đề án. Theo Phó Thủ tướng, cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan. Tuy nhiên, mỗi lần Chính phủ trình đề án cải cách tiền lương, vấn đề quan trọng đặt ra là nguồn để cải cách tiền lương.

Mặc dù vậy, qua thảo luận, Trung ương thấy rằng cải cách tiền lương không phải chỉ mỗi việc tạo nguồn mà phải dựa vào cả tinh thần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế… Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc Hội nghị Trung ương 6 thông qua hai Nghị quyết sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hội nghị Trung ương 7 thảo luận cặn kẽ và thông qua một Nghị quyết về cải cách tiền lương.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bất cập của chính sách tiền lương hiện nay là chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu; quan hệ tiền lương mang tính bình quân, thấp hơn nhiều quan hệ tiền lương trên thị trường lao động; hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, mở rộng đối tượng và các loại phụ cấp tạo bất cập cho các cơ quan…

Nguyên nhân của thực trạng này là đối tượng hưởng lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp, nguồn lực ngân sách hạn chế; chậm cụ thể hoá quan điểm chi tiền lương là chi đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng công chức; chưa tạo đột phá về quản lý ngân sách; chưa quản lý tốt tiền lương; chưa khắc phục bất cập quản lý doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công.

Phó Thủ tướng cho biết, các đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo sẽ tập trung làm rõ các vấn đề về tiền lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, quan hệ tiền lương tối thiểu- lương tối đa, các chế độ phụ cấp, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, tạo nguồn cải cách tiền lương. Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm rõ việc tính toán, thiết kế thang- bảng lương, tìm nguồn chi trả, cách quản lý và cách trả lương cho cán bộ, việc chức.

Lương tăng thêm không đủ bù tốc độ trượt giá

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Văn Lý, mặc dù từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho công chức, viên chức. So với lương tối thiểu vùng Chính phủ công bố áp năm 2018, thì mức tiền lương cơ sở mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu. Bên cạnh đó, chế độ nâng lương chưa phát huy, khuyến khích người có trình độ, năng lực làm việc hết khả năng để có thu nhập cao hơn, mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ tiền lương.

“Việc cải cách tiền lương đã không mang lại kết quả như mong muốn, vẫn đạt ở mức quá thấp so với thị trường lao động, nhiều người tiền lương tăng thêm còn chưa đủ để chi bù cho tốc độ trượt giá”, ông Lý cho hay. Trên cơ sở đó, Tổng liên đoàn kiến nghị cần xác định lại mức lương cơ sở cho đúng và đủ trong khu vực nhà nước phù hợp với thị trường lao động, sớm cải cách tiền lương, đặt lại mức lương cơ sở khu vực nhà nước.

Đối với người lao động, theo thống kê đến hết năm 2016, Việt Nam có 54,41 triệu người thuộc lực lượng lao động, trong đó có trên 22 triệu lao động làm công ăn lương, hơn 9 triệu lao động có hợp đồng lao động. Thu nhập của người lao động (không kể ăn ca) trung bình gần 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác với khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng.Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.

Tổng liên đoàn kiến nghị sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu và trước mắt cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động. Theo đó khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.

“Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần xác định và công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu của người lao động phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”, ông Lý nêu.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Đối tượng tham gia BHXH tuy có tăng lên nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình trạng doanh nghiệp chưa tham gia BHXH còn rất lớn, cả nước có khoảng gần 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có hơn 235 nghìn doanh nghiệp đóng BHXH, đạt khoảng 47%. Tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp (24,09%).

Tỷ lệ nợ BHXH vẫn còn cao ở các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, hiện có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của hơn 193.000 người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết.

Nguồn: Tiền Phong