Xây dựng Vinh trở thành Trung tâm CNTT-TT của vùng Bắc Trung bộ

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển Công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) là một nhiệm vụ cấp thiết để phát triển KT-XH của tỉnh và TP Vinh (nói riêng), Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã đặt mục tiêu phấn đấu đến 2020 thành phố Vinh trở thành Trung tâm CNTT - TT của vùng Bắc Trung Bộ.

 

TP. Vinh là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang chủ chốt, các doanh nghiệp CNTT-TT… hầu hết tập trung trên địa bàn thành phố. Vì vậy, thực trạng hoạt động CNTT - TT của TP Vinh phần lớn mang đặc thù của toàn tỉnh.

 

Mặc dù thời gian qua việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan trên địa bàn đã được đầu tư, phát triển nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế. Công tác tin học hoá quản lý hành chính nhà nước mới chỉ được tiến hành bước đầu. Nhiều đơn vị sử dụng máy tính vào các công việc đơn giản. Một vài đơn vị có kết nối Internet đã sử dụng để tìm kiếm, tra cứu tài liệu.

Trong các doanh nghiệp, chỉ có khoảng 30% nhận thức và tổ chức thực hiện tốt việc phát triển CNTT gồm các ngành kinh doanh dịch vụ như hệ thống ngân hàng, các cơ quan bảo hiểm, bưu điện, xăng dầu, các công ty liên doanh nước ngoài…; còn lại chủ yếu vẫn nhận thức chưa đầy đủ về vai trò CNTT-TT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vấn đề đầu tư cho CNTT hàng năm từ các doanh nghiệp còn manh mún và thấp, ước tính chỉ bằng 0,1% doanh số. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho CNTT-TT thời gian qua tăng đáng kể. Chỉ tính riêng trường Đại học Vinh hàng năm có khoảng trên 2 nghìn sinh viên được đào tạo bài bản tại khoa CNTT, còn các trường Đại học kỹ thuật Vinh, Cao đẳng sư phạm Nghệ An hàng năm cho ra trường trên 200 sinh viên CNTT.

 

  Sử dụng máy tính xách tay trong giao tiếp công việc rất hữu hiệu với các cán bộ công chức ở thành phố Vinh hiện nay.   Ảnh: Trần Hải


Tuy nhiên so với sinh viên của các trường đại học khác như Đại học Bách khoa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì chất lượng đào tạo tại các trường ở Nghệ An còn phải cố gắng nhiều về khả năng ngoại ngữ, khả năng thực hành, lập trình và quản trị. Việc tin học chưa trở thành môn học chính khoá, bắt buộc trong các trường THCS, THPT là một khó khăn lớn trong việc hình thành các công dân điện tử trong tương lai và hạn chế đến việc phân luồng phát triển nhân lực CNTT ở TP Vinh.

 

Trước thực trạng sử dụng CNTT-TT trên địa bàn như hiện nay, để xây dựng Vinh trở thành Trung tâm CNTT-TT của vùng Bắc Trung Bộ, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra: đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 12 - 13%/năm, trong đó dịch vụ chiếm 37% cơ cấu của nền kinh tế; thu ngân sách đạt 5.000 đến 5.500 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người phấn đấu đạt 850 - 1.000 USD/người; Các chỉ tiêu phát triển xã hội đều đạt mức cao, phấn đấu 95% số dân được xem truyền hình, 100% nghe đài phát thanh, 100% xã có điện; Tăng nhanh số điện thoại thuê bao, mở rộng phủ sóng số điện thoại di động, phát triển các dịch vụ Internet, xây dựng cung cấp thông tin nội bộ, kịp thời phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý, sản xuất - kinh doanh …

 

Đây chính là cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng TP Vinh trở thành Trung tâm CNTT-TT vào 2020. Vì thế, trước mắt mục tiêu phấn đấu từ nay đến 2010 là ứng dụng rộng rãi CNTT-TT trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế TP Vinh và khu vực Bắc Trung Bộ. Hình thành, xây dựng và phát triển "Thành phố Vinh điện tử" với công dân điện tử, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử để TP Vinh đạt trình độ trung bình khá trong khu vực ASEAN.

Phấn đấu 100% các đơn vị trên địa bàn triển khai quản lý được văn bản đi, đến qua mạng và theo dõi được tiến độ xử lý hồ sơ công việc của từng chuyên viên; 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành sản xuất kinh doanh. Năm 2010 mật độ điện thoại của TP là 70 máy/100 dân, góp phần phát triển số thuê bao điện thoại toàn tỉnh đạt 900.000 máy, trong đó cố định 30 máy/100 dân, di động 40 máy/100 dân. Mật độ thuê bao Internet đạt 10 - 12 thuê bao/100 dân (trong đó 70% là thuê bao băng rộng), với tỷ lệ sử dụng Internet đạt 30 - 40%, mật độ máy tính cá nhân bình quân đạt trên 15 máy/100 dân.

Về đào tạo nguồn nhân lực: 70% sinh viên CNTT - TT tốt nghiệp có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế; 100% sinh viên tốt nghiệp tất cả các trường đại học, cao đẳng, THCN có đủ kỷ năng sử dụng máy tính và Internet trong công việc.

Đến năm 2010 có trên 5.000 người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên về CNTT - TT, trong đó có khoảng 20% đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đảm bảo 100% trường đại học, cao đẳng có trang thông tin điện tử; Phổ cập tin học trong trường phổ thông, cán bộ công chức và dân cư, 100% trường THPT, THCS và 50% trường tiểu học tại thành phố đưa tin học thành môn học chính khóa, 100% cán bộ công chức, sinh viên đại học và cao đẳng, THCN và dạy nghề được đào tạo tin học; 50% dân cư có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng CNTT - TT và khai thác tốt Internet; Thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm, phần cứng và công nghiệp nội dung. Phấn đấu đạt giá trị công nghiệp phần mềm 100 tỷ đồng/năm.

 

Ông Nguyễn Hoài An (Phó Chủ tịch UBND TP Vinh) cho biết: Để đạt được những kết quả trên, mục tiêu chính của TP Vinh trong thời gian tới là không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa thực tiễn của việc ứng dụng và phát triển CNTT từ lãnh đạo đến CBCC và mọi người dân. Việc tổ chức tuyên truyền được thực hiện thông qua mọi phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt là các chương trình hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng, cập nhật công nghệ mới cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan đơn vị. Thành lập ban chỉ đạo cho từng đề án với các ngành tham gia thực hiện các phân hệ dưới sự chỉ đạo chung của Thường trực Ban chỉ đạo CNTT tỉnh. Bố trí đủ nguồn kinh phí địa phương để triển khai thực hiện các phân hệ nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.

Xây dựng các giải pháp huy động nguồn vốn trong nước và nước ngoài cho ứng dụng phát triển CNTT - TT. Nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của các khu CN, các khu kinh tế - thương mại để đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNTT - TT. Tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ về địa điểm, hạ tầng cho các doanh nghiệp về CNTT - TT và sử dụng các sản phẩm CNTT - TT của doanh nghiệp Nghệ An.

Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút lao động có trình độ cao ban hành kèm theo quyết định số 30/QĐ-UB của UBND tỉnh làm việc trong lĩnh vực liên quan đến các dự án tin học trong cơ quan quản lý nhà nước. Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi với các chuyên gia có trình độ cao về CNTT-TT đến làm việc tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Có cơ chế chính sách phù hợp cho cán bộ CNTT-TT làm việc tại các huyện, thị xã và các phường trên địa bàn thành phố.

Thanh Thuỷ

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh