Kiên quyết không gieo thẳng lúa
 

Ngoài các vấn đề về giống, phân bón và các quy trình kỹ thuật khác, thì vụ xuân năm nay, các địa phương và bà con cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề gieo cấy lúa. Ở tỉnh ta, một số địa phương vốn có "truyền thống" về gieo thẳng, như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, vài năm lại đây có thêm Đô Lương và một số xã của Thanh Chương.


Thực tế, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc nên gieo thẳng hay bắc mạ cấy. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thọ Cảnh- Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: ở tỉnh ta, vấn đề gieo thẳng lúa chưa được đặt ra, do nhiều nguyên nhân. Trình độ gieo sạ của người dân chưa tốt, nên lượng giống gieo rất nhiều và lãng phí, tốn từ 80-100 kg/ha đối với giống lúa thuần, trong khi nếu bắc mạ cấy thì chỉ ở mức khoảng 20-30 kg/ha.


 

Bà con huyện Quỳnh Lưu xuống đồng cấy lúa vụ xuân
Ảnh: Hồ Lan


Sản xuất vụ xuân, nếu gieo thẳng, khi gặp rét sẽ không thể chống rét, bảo vệ lúa như đối với cây lúa được gieo cấy.

Thực tế cho thấy, rất nhiều năm nay, trong sản xuất vụ xuân, nhiều diện tích lúa gieo thẳng ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên... chết trắng đồng, như vụ xuân năm 2008, toàn tỉnh đã có gần 10 nghìn ha lúa gieo thẳng bị chết rét.

Dù chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, tỉnh cũng có chủ trương không hỗ trợ đối với những diện tích lúa gieo thẳng bị chết rét, nhưng diện tích lúa gieo thẳng vẫn không vì thế mà giảm đi. Bà con biện minh cho vấn đề này bằng việc thiếu lao động, thói quen..., nhưng để có được một vụ sản xuất thắng lợi, cần dứt khoát thay đổi những quan niệm sai lầm đó. Đặc biệt đối với sản xuất vụ xuân năm nay, càng không thể gieo thẳng lúa.


Lần đầu tiên, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã phát sinh gây hại trên lúa hè thu ở tỉnh ta, với những triệu chứng nguy hiểm và gây hậu quả khá lớn. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp cần thiết trong tiêu huỷ, phòng trừ, nhưng không ai dám chắc mầm bệnh không còn tồn tại.

Vì vậy, trong đề án sản xuất vụ xuân của tỉnh, đã khuyến cáo rất rõ ràng, theo đó, một biện pháp canh tác quan trọng là kiên quyết không gieo thẳng, bởi gieo mạ cấy, chúng ta có thể bảo vệ mạ trong 3 tuần khi còn nằm trên ruộng mạ, với các biện pháp như phun thuốc phòng trừ, kiểm tra thường xuyên.

Theo tính toán, để đủ mạ cấy cho 84 nghìn ha lúa xuân của tỉnh, sẽ cần 1.250 ha mạ, và để phun phòng trừ bệnh cho diện tích mạ này, sẽ tốn khoảng 5,7 tỷ đồng, nhờ diện tích mạ không lớn, tập trung và dễ kiểm soát, trong khi để phun thuốc trên đồng, sẽ tốn một khoản kinh phí rất lớn, hỗ trợ của nhà nước cũng như bà con nông dân không thể kham nổi.

Bên cạnh đó, tác nhân gây bệnh ở tỉnh ta là rầy nâu và rầy lưng trắng, chích và gây bệnh mạnh nhất ở giai đoạn lúa non, đến khi kết thúc giai đoạn đẻ nhánh mới hết khả năng gây bệnh. Vì thế, việc chăm sóc mạ tốt sẽ tạo cho mạ khả năng phòng chống bệnh.

Thực tế, rầy chỉ chích hút, truyền bệnh vào thời gian chập tối và sáng sớm, nên sử dụng biện pháp trùm nilon che phủ cho mạ có tác dụng phòng trừ bệnh rất tốt. Đặc biệt, nếu gieo mạ cấy, chúng ta có thể sử dụng biện pháp xử lý trên hạt giống với các ưu điểm như tiết kiệm thuốc, công lao động và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc phòng chống phải được tiến hành đồng loạt mới có tác dụng.


Theo chỉ đạo của tỉnh thì các địa phương cố gắng gieo mạ, cấy lúa; bắt buộc che phủ nilon trên 100% diện tích mạ, tỉnh sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm những địa phương vẫn để gieo sạ lúa xuân, tiếp tục thực hiện chính sách không hỗ trợ những diện tích gieo sạ bị thiệt hại do sâu bệnh, thời tiết.

Phú Hương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh