Các chuyên gia cho rằng, hiện tại chưa đủ chứng cứ để khẳng định khu mộ vừa tìm thấy chính là mộ Tào Tháo.
Ngày 27/12 vừa qua, Cục khảo cổ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc công bố phát hiện lăng mộ Ngụy Vũ Vương Tào Tháo tại thôn Tây Cao Huyệt, làng An Phong, huyện An Dương của tỉnh này.
Một số học giả cho rằng, đây mới chỉ là một giả thuyết chứ chưa có chứng cứ thuyết phục. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quốc học thuộc đại học Nhân dân Trung Quốc – trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc về đời Ngụy Tấn, Nam Bắc triều, GS. Viên Tế Hỉ mới đây đã phát biểu với báo chí rằng, những chứng cứ được công bố đều không phải là tài liệu cấp 1 (thuật ngữ khoa học biểu thị tính trực tiếp và đáng tin cậy của chứng cứ, tài liệu – ND), do đó không phải những chứng cứ thực sự thuyết phục.
“Sáu căn cứ lớn” chưa phải là ... "thép"
|
Tấm bia đá khắc chữ "Ngụy Vũ Vương" - bằng chứng được coi là "thuyết phục nhất" hiện nay | | |
GS. Viên Tế Hỉ cho biết, ngôi mộ này đã từng bị đào trộm nhiều lần, nên những chứng cứ trực tiếp còn lại rất ít. Hơn nữa, cái được gọi là “vũ khí mà Ngụy Vương (Tào Tháo) đã từng sử dụng” mà người ta phát hiện ra là thật hay giả, thực sự rất khó giám định.
Ngôi mộ đã từng bị đào bới, chứ không phải nguyên vẹn, những thứ tìm được trong đó hoàn toàn có khả năng là do người ta cố ý để vào.
GS cũng chỉ rõ, phần ghi chép về Vũ Đế trong phần Ngụy thư của Tam quốc chí là một tài liệu có tính chất tham khảo, chứ không phải một bằng chứng thực sự.
Riêng với “sáu căn cứ lớn” về ngôi mộ Tào Tháo ở An Dương, GS nhận định: “Những chứng cứ này đều không phải chứng cứ cấp 1, cho nên đều không phải những bằng chứng thuyết phục”.
Chúng ta đều biết, bản tính của Tào Tháo hết sức đa nghi, những nơi gọi là “mộ Tào Tháo” mà sử sách ghi chép được có đến 72 nơi. Hơn nữa từ đời Hán Ngụy đến nay đã hơn nghìn năm, những chứng cứ thực sự chứng minh được ngôi mộ nào là thật đều đã không còn. Ngôi mộ mới phát hiện lại nằm ở một nơi không phải Nghiệp Thành, chẳng phải Lạc Dương, cũng chẳng tìm thấy chứng cứ gì chứng tỏ đã từng có liên quan đến Tào Tháo.
Có thể là trò cơ hội
|
Giáo sư Tề Viên Hỉ trả lời phỏng vấn |
GS. Viên Tế Hỉ cho rằng, nguyên tắc hàng đầu của nghiên cứu lịch sử là phải thực sự cầu thị, không thể có hành vi đầu cơ.
Những chuyện như “phát hiện lăng mộ Tào Tháo” cũng từng xuất hiện mấy năm trước. Hồi đó, khi tôi đến dự hội thảo về Trung Sơn Lăng ở Nam Kinh, người ta cũng nói đã tìm thấy ngôi chùa Định Lâm mà Lưu Hiệp, tác giả của Văn tâm điêu long xuất gia tu hành ở đây.
Nhưng qua nghiên cứu, mới phát hiện ra sự thực chẳng phải như vậy.
GS nhận xét, việc vội vàng công bố tin “mộ Tào Tháo ở An Dương” có thể xuất phát từ nhu cầu tin tức, nhưng còn xa mới được gọi là kết quả nghiên cứu chân chính.
Mới vừa phát hiện những chứng cứ gián tiếp chứ chưa phải những bằng chứng trực tiếp, mà đã vội vàng khẳng định đây là mộ Ngụy Vũ Vương thì thực là thiếu tinh thần khoa học nghiêm túc.
GS. cho biết, việc phát hiện mộ của Tào Thực, con trai Tào Tháo ở Ngư Sơn, Sơn Đông được toàn bộ giới học thuật công nhận, vì có rất nhiều chứng cứ cấp 1 chứng minh đây chính là mộ Tào Thực, trong đó những hiện vật khảo cổ và chứng cứ được tìm thấy ở đây đều rất nguyên vẹn và đầy đủ. “Còn chưa đến lúc khẳng định”
|
Giáo sư Cao Mông Hà |
Là người nghiên cứu khảo cổ, mong muốn công chúng quan tâm đến tiến trình khai quật cũng như công bố những kết quả thu được từng giai đoạn cũng là điều quan trọng, nhưng không thể cố tình làm nóng dư luận bằng những tuyên bố gây shock.
Giáo sư Cao Mông Hà, Phó chủ nhiệm khoa Khảo cổ và Bảo tàng đại học Phúc Đán cũng cho rằng, hiện tại chỉ nên coi đây là những nhận định sơ bộ, chứ chưa đến lúc đưa ra khẳng định.
GS cũng chỉ rõ, giả sử đây thực sự là mộ Tào Tháo, hiệu ứng xã hội phải lớn hơn hiệu ứng học thuật.
Bởi lẽ trong giới khảo cổ trước đây, tác động qua lại giữa nghiên cứu về danh nhân lịch sử với nghiên cứu văn hiến không lớn lắm. Có thể phát hiện một lăng mộ Tào Tháo kiêu hùng một thời như vậy, cũng là một điều đáng khuyến khích trong nghiên cứu về nhân vật lịch sử.
Phải giải mã DNA
|
Chiếc "xương sọ Tào Tháo" tìm thấy trong lăng mộ. | |
| GS. Cao Mông Hà nhận định, từ góc độ học thuật, chiếc xương sọ của người đàn ông hơn 60 tuổi vừa được phát hiện cần phải được giám định thêm.
Căn cứ vào xương sọ có thể phục chế diện mạo của người chết, biết được “Tào Tháo” đó trông như thế nào khi còn sống.
Nhưng diện mạo phục chế này cũng khá mờ nhạt, trán cao thế nào, da đen hay trắng, mắt một mí hay hai… thì không thể biết được. Hơn nữa, muốn biết có phải xương sọ Tào Tháo thật hay không, còn cần đem xương sọ này xét nghiệm DNA với con cháu họ Tào hiện tại.
Trước hết, phải tìm gia phả Tào Tháo, tìm người thực sự là hậu duệ dòng đích của ông, cho xét nghiệm đối chiếu DNA.
Đối với việc tiếp tục quy hoạch bảo vệ nghiên cứu “mộ Tào Tháo”, ông Tôn Anh Dân, Phó cục trưởng cục khảo cổ Hà Nam cho biết, sẽ nhanh chóng đưa ra đề án quy hoạch, chính quyền địa phương sẽ căn cứ trên tình hình khai quật để xây dựng bảo tàng lâu dài, cũng như phát triển những nghiên cứu đi kèm.
Cao Lăng quyết không bị sử dụng cho mục đích thương mại, cũng không cho phép bất cứ hoạt động thương mại nào. Ông Tôn Anh Dân cũng cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục khai quật, bởi trước mắt vẫn chưa nắm được nhiều vấn đề như kết cấu, phạm vi và các mộ tùy táng của khu mộ; tin rằng tiếp sau sẽ có thêm những phát hiện giá trị. Minh Tư (Theo Trùng Khánh tin chiều, cqwb.com.cn) |