Nhọc nhằn nghề xe ôm

Nghề chạy xe ôm khá vất vả, họ không chỉ làm việc ban ngày mà còn cả ban đêm. Đôi khi vì miếng cơm, manh áo mà những người làm nghề này phải chấp nhận sự phức tạp của xã hội.

Ở thành phố Vinh, đội ngũ này rất đông, có đến hàng trăm, họ có mặt khắp các nẻo đường trong thành phố. Điểm đông nhất là nhà ga, bến xe, khu chợ hay trước cổng bệnh viện, những nơi này cũng đã có các tổ tự quản, hoặc do bến xe, nhà ga quản lý. Họ chấp nhận chở mọi thứ, như chở hàng cho các bà, các chị đi chợ, đưa đón trẻ đi học thường kỳ, chở khách vãng lai trong thành phố, thậm chí đi xa hàng ba bốn chục cây số...
 
Qua tìm hiểu được biết: phần lớn những người hành nghề xe ôm đều có hoàn cảnh gia khó khăn. Không ít người đã phải trải qua nhiều nghề, rồi cuối cùng mới tìm đến cái nghề này. Bác Nguyễn Duy H (50 tuổi, ở Đông Vĩnh) tâm sự: Sau khi rời quân ngũ, tôi đã làm đủ thứ nghề trên đời để kiếm sống như thợ nề, thợ mộc, bốc vác, bán hàng rong.v.v… nhưng cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng tôi quyết định vay mượn bạn bè mua chiếc xe máy cũ để hành nghề xe ôm, tính đến giờ cũng đã ngót 10 năm rồi". Hàng ngày bác phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để ra ga tàu đón khách. Buổi trưa thì ăn cơm bụi hoặc lót dạ qua loa thứ gì đó. Chiều tiếp tục chờ đợi, có khách thì chạy, cho tới 8 - 9 giờ tối mới về nhà, có lúc cơm trưa ăn vào 3 giờ chiều và trở về nhà tới tận 12 - 1 giờ đêm, bởi có khách phải chạy cố để bù cho những ngày trời mưa gió phải nằm khèo ở nhà. Sự làm việc chăm chỉ và vất vả đến thế cũng chỉ thu được từ 800 ngàn - 1 triệu đồng một tháng (chưa kể tiền xăng xe, ăn uống hàng ngày).
 
Không riêng gì bác H, mà hiện nay ở thành phố Vinh có rất nhiều người hành nghề xe ôm cũng có hoàn cảnh tương tự như bác. Hầu hết họ là những người ở vùng ven thành phố, tranh thủ lúc nông nhàn chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Một số người hành nghề xe ôm đã trở thành chuyên nghiệp, nên họ luôn chọn cho mình một địa điểm cố định như ở các ga tàu, bến xe, khu họp chợ, bệnh viện.v.v...
 
Những năm gần đây do khách cũng kén chọn nên xe ôm đẹp hơn, mới hơn. Thay cho những chiêc xe cũ nát là các loại Wawe, Dream Trung Quốc mẫu mã đẹp, giá cả hợp với túi tiền của người lao động nghèo. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn thấy có những chiếc xe ôm loại đắt tiền, chủ nhân của những chiếc xe này trong lúc chờ xin việc mới tranh thủ chạy để kiếm thêm tiền.
 
Thành phố Vinh ngày nay cũng có rất nhiều tắc xi, nhưng xem ra xe ôm vẫn là phương tiện lưu thông thuận tiện cho nhiều người. 

Thái Bình - Baonghean

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh