Trên đỉnh Ngọc Linh ở độ cao hơn 2.500m so với mực nước biển, thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi được ví như “nóc nhà” của miền Trung, những tia nắng ấm mùa xuân làm cho đất trời như hòa quyện vào nhau. Khí hậu nơi đây trong lành đến tinh khiết.
Trong khu rừng nguyên sinh giữa đại ngàn, nhiều loài cây đua nhau tìm ánh nắng mặt trời. Trong đa dạng của thảm thực vật sống cộng sinh có một loại cây thân mộc củ nhỏ, nhiều đốt.
Người Xê Đăng gọi là “cây thuốc giấu”, hay còn gọi là sâm Ngọc Linh, sâm Việt Nam. Loài thảo dược quý hiếm này giúp bà con làm giàu, có người trở thành tỷ phú.
Không tấp nập kẻ bán người mua, phiên chợ Sâm ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khá tĩnh lặng.
Phiên chợ này mỗi tháng họp một lần vào đầu tháng. Người đi mua sâm chí ít trong túi cũng có vài chục triệu đồng. Cả người bán lẫn người mua ít mặc cả.
Em Hồ Thị Xuân vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế tỉnh Quảng Nam, lần đầu được mẹ nhổ cho vài củ sâm, kèm theo một ít sản vật của núi rừng mang ra bán tại phiên chợ này.
- Em ở đâu đi bán Sâm đây?
+ Dạ ở Trà Linh.
- Củ sâm này mấy năm tuổi rồi?
+ 10 năm tuổi
- Củ này bao nhiêu tiền?
+ Dạ 20 triệu đồng
- Từ sáng đến giờ có ai mua nhiều chưa?
+ Họ mua 1 lạng rồi. Một ngày bán cao nhất là 3 lạng.
- Ngoài bán sâm này, mình còn bán cái gì nữa không?
+ Dạ hàng nông sản như gạo, mè đen, sâm nam…
- Bán 1 củ sâm này mua sắm Tết có thoải mái không?
+ Dạ chỉ cần bán 1 củ sâm là mua được đủ thứ rồi. Mua sắm đồ trong nhà, sắm Tết và mua các thức khác để về làm tiếp.
Đối diện với quầy hàng của Hồ Thị Xuân là quầy bán sâm của ông Bùi Như Chương.
Ông Chương quê ở xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lên thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My lập nghiệp.
Phải mất hơn 30 năm lăn lộn với núi rừng Trà Linh, làm đủ thứ nghề, ông Chương mới được một người Xê Đăng nhường cho miếng đất trồng sâm. Bây giờ, ông Chương có 3 ha sâm, có loại vài năm tuổi nhưng cũng có loại từ 5 đến 7 năm tuổi, giá trị ước tính vài trăm tỷ đồng.
“Tôi trồng sâm năm nay là hơn 5 năm rồi, bán từ sáng đến giờ được 5 ký (kg). Loại đắt nhất là 210 triệu đồng, loại thường thường là 75 triệu đến 80 triệu đồng”, ông Chương nói.
Nhiều người nhẩm tính, bán 1 ký sâm bằng cả đàn trâu. Nhưng trên đỉnh Ngọc Linh này, đâu phải ai cũng biết cách trồng sâm. Người có tiền, có kinh nghiệm thì giúp người thiếu hiểu biết. Họ giúp nhau cùng làm giàu.
Nói về giá trị kinh tế thì không có loại cây trồng nào sánh bằng sâm Ngọc Linh. Một ha sâm trồng xen kẻ dưới tán lá rừng nguyên sinh, sau 5 đến 7 năm bán được từ 30 tỉ đồng đến 40 tỉ đồng.
Loài thảo dược này sống cộng sinh giữa đại ngàn, dưới tán rừng già, dựa vào tán lá rừng để tránh cái nắng gay gắt, dựa vào môi trường trong lành để tích tụ dược chất quý hiếm, dựa vào thảm thực bì từ lá rừng rơi rụng để bám rể sinh tồn và phát triển. Hội đủ các yếu tố này mới có được loại sâm quý như sâm Ngọc Linh.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, trong củ, thân và lá sâm Ngọc Linh có chứa hàm lượng vi chất saponin rất đa dạng, có tính năng vượt trội so với các loại sâm khác.
Củ sâm không chỉ giúp tăng cường sinh lực mà còn tham gia hiệp lực với các loại thảo dược khác, chữa được nhiều bệnh nan y.
Ông Nguyễn Hưng, quê ở Nghệ An, sống ở TP.HCM tìm đến phiên chợ sâm để mua tận gốc sâm Ngọc Linh.
Ông Hưng cho hay: “Sâm được lấy từ những nhà vườn ở huyện Nam Trà My, có địa chỉ, xuất xứ rất rõ ràng. Tôi thấy ngoài cửa có Ban thẩm định sâm nữa. Tôi tin đồng bào các dân tộc ở đây sống rất thật thà. Tôi thấy 1 củ sâm nhỏ mà số tiền lớn, trước hết tôi mừng cho bà con đồng bào dân tộc và người bản địa ở đây”.
Điều đặc biệt ở phiên chợ sâm Ngọc Linh là người có ít tiền cũng mua được vài sản vật của núi rừng để làm quà.
Anh Lê Hoài Vũ ở thành phố Đà Nẵng tâm sự: “Sâm 1kg có giá trên 100 triệu nên mua không được. Nhưng đặc sản ở đây cũng nhiều, đặc biệt là chuối rừng và các sản phẩm tự nhiên ở dưới mình không có nên thấy được là mua”, anh Hoài Vũ nói.
Ông Hồ Văn Hùng, ở thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My cho biết, những năm trước, bà con nhổ sâm non bán lấy tiền tiêu xài trong dịp Tết nhưng bây giờ thì họ giữ như giữ vàng. Hàng chục ngàn ha rừng nguyên sinh giờ đã có chủ. Các hộ dân tự liên kết thành những nhóm, tổ, xây dựng hàng trăm vườn trồng sâm dưới tán lá đại ngàn.
Trên “nóc nhà” miền Trung, giờ đây xuất hiện những “đại gia sâm” như các ông Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Bông… Họ là những người đi đầu trong việc trồng Sâm.
Là người gắn bó với cây sâm gần 40 năm qua, ông Hồ Văn Du hiện có vườn sâm hơn 30.000 cây, trị giá cả trăm tỉ đồng.
Ông Du khoe: “Cây sâm này là cây thuốc rất quý, có giá trị. Nếu người dân tự biết, yêu sâm, gắn bó với cây sâm sẽ xóa đói giảm nghèo”.
Tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My đã có cơ chế mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trồng, tiêu thụ sâm.
Hiện có 6 doanh nghiệp được tỉnh cho phép khảo sát trên diện tích hơn 1.500 ha. Các doanh nghiệp này cam kết sẽ liên doanh xây dựng nhà máy chế biến ngay tại vùng sâm Ngọc Linh để làm tăng chuỗi giá trị, đủ sức cạnh tranh với thị trường.
Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ.
Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh, sâm Việt Nam, giúp cho báu vật trên núi Ngọc Linh có vị trí ngang tầm với các dòng sâm quý trên thế giới.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tỉnh Quảng Nam cũng đã quy hoạch phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng trước hết phải tập trung ở khu vực huyện Nam Trà My. Hiện nay vấn đề phát triển giống là một trong những việc rất khó khăn, do đó tỉnh đang yêu cầu các cơ quan quản lý cũng như viện nghiên cứu giúp Quảng Nam về các biện pháp nâng cao hiệu quả hơn”.
Tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia cho sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, nâng tầm giá trị cây sâm.
Cuối tháng 12/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án khung “Phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh” thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Mục tiêu của Đề án này là phát triển khoảng 50 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm và tăng lên khoảng 500 tấn/năm vào năm 2030.
Sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam như một mỏ vàng. Thực tế cho thấy, trồng loại cây này đã nhanh chóng làm thay đổi cuộc sống người dân miền núi và giữ môi trường rừng một cách bền vững cho muôn đời sau./.
Nguồn: VOV