Hương vị duy nhất
4/6/2018 2:16:24 PM
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao con tôi thích ăn bánh mì ở đây 30 ngày một tháng rồi!” - một vị phụ huynh à lên như vậy sau lần đầu tiên ăn thử chiếc bánh mì trước cổng trường của con mình - chiếc bánh mì mang thương hiệu C3 (đường Đặng Tất, phường Lê Mao, TP. Vinh).
Những công thức vỉa hè
Tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Thái Lâm sang Đức lao động. Những năm tháng phụ việc nhà hàng nơi xứ người đã nhen nhóm trong anh ý định mở một tiệm bánh mì trên quê hương. Năm 2008, Lâm trở về Việt Nam, bắt tay vào thực hiện giấc mơ của mình. Anh nhớ lại: “Lúc đó, ở Hà Nội mới chỉ xuất hiện vài chiếc xe Bánh mì Doner Kebab còn ở Vinh thì chưa có cái nào. Loại bánh mì này được sáng tạo bởi những người Thổ Nhĩ Kỳ du mục nhưng rất phổ biến và được ưa chuộng ở Đức. Nếu đưa nó về Việt Nam thì cần phải thay đổi hương vị một chút để phù hợp với khẩu vị dân mình”. Lâm mang theo sự háo hức của bản thân ra Hà Nội, tìm cửa hàng bánh mì Doner Kebab đông khách nhất để xin học hỏi kinh nghiệm. Người chủ quán yêu cầu “mức học phí” 500 nghìn đồng để rồi truyền đạt cho Lâm lượng kiến thức đúng bằng... một chiếc bánh mì: Cho anh xem những nguyên liệu dùng để kẹp vào bánh và không cho anh đụng vào bất cứ cái gì khác. Lâm hiểu rằng anh sẽ tự mình bắt đầu tất cả, từ con số 0.

Khách hàng thân thiết của Lâm chủ yếu là các em nhỏ - Ảnh: Diệp Thanh

Chiếc xe bánh mì “lạ mắt” Lâm mua ở Hà Nội nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân TP. Vinh. Vốn kiến thức ẩm thực giắt lưng đủ để giúp cậu thanh niên trẻ bán được 400-500 chiếc bánh mì mỗi ngày dù giá bánh của anh đắt gấp đôi thị trường lúc bấy giờ. Bán được một thời gian thì số lượng khách bắt đầu chững lại rồi giảm dần. “Tôi nhận ra xe bánh mì của tôi lúc đó mới chỉ là một trào lưu, bản thân tôi chưa đầu tư nghiêm túc và bánh chưa đủ ngon thành một thương hiệu lâu dài” - Lâm thổ lộ. Lâm nghỉ bán một thời gian để xác định lại mục tiêu của bản thân. Hơn 1 năm sau anh trở về với xe bánh mì cũ, trong một tâm thế mới. Lúc này ở Vinh nhan nhản những xe bánh mì giống như vậy, anh phải nỗ lực rất nhiều để trở nên khác biệt và nổi bật. Vừa bán bánh, Lâm vừa thử nghiệm các công thức tẩm ướp, thêm bớt gia vị khác nhau. Với cách làm này, “phong độ” bánh mì của Lâm rất thất thường, hên thì bánh ngon, xui thì bị khách chê rát mặt. Bù lại, sau khi quyết định được công thức cuối cùng, Lâm bắt đầu có lượng khách quen đáng kể, dù quán có đổi tên và đổi địa điểm nhiều lần sau đó, khách vẫn tìm đến để ăn. Bánh mì C3 của anh trở lại với thời hoàng kim - mỗi ngày bán từ 500-600 chiếc.

Đầu năm 2018, Lâm “trình làng” những chiếc bánh mì C3 được bổ sung thêm một số gia vị từ nước Đức. Sự ủng hộ của khách đã một lần nữa chứng minh chất lượng của công thức mới. Lâm mỉm cười: “Chắc chắn có rất nhiều chiếc bánh mì ngon hơn bánh của tôi, nhiều chiếc bánh dở hơn bánh của tôi. Nhưng tôi tin không chiếc bánh mì nào có vị giống y như chiếc bánh của mình”.
 
Làm bánh bằng cả trái tim
3 giờ sáng mỗi ngày, Lâm có mặt tại tiệm bánh mì của mình để ướp và nướng thịt, pha nước sốt, làm rau... cho buổi sáng hôm đó. Tất cả những nguyên liệu này đều được Lâm chọn lựa một cách kỹ lưỡng. Anh giải thích: “Đối tượng khách hàng đông nhất của mình là trẻ em, hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy nên mọi nguyên liệu phải đảm bảo tươi ngon và ATVSTP”. Lâm còn có một thói quen đặc biệt: Anh luôn luôn ăn chiếc bánh mì đầu tiên của một mẻ bánh. Ngoài việc cung cấp năng lượng, chiếc bánh đó còn mang ý nghĩa tiếp thêm cảm hứng để anh bước tiếp với đam mê của mình. Trước giờ vào học, dù đã cắt sẵn rất nhiều bánh mì và thịt, dù có thêm sự hỗ trợ của gia đình, Lâm vẫn liên tục bị khách giục vì làm không kịp. Đến 11 giờ trưa, bánh hết, Lâm cùng vợ rửa dọn đồ đạc và đến 3 giờ chiều lại tiếp tục một mẻ bánh mới.
Lâm là một người bán hàng hài hước. Tuy nhiên, khi làm bánh, Lâm lại cực kỳ cầu toàn và khó tính. Tôi tình cờ nghe chị Niệm, vợ của Lâm, phàn nàn với một người khách: “Anh Lâm luôn muốn tự tay làm tất cả bởi vì anh ấy không chấp nhận bất cứ lỗi sai nào trong quá trình làm bánh. Từ thao tác chế biến đến định lượng gia vị... đều phải chính xác từng ly từng tí. Đó cũng là lý do vì sao quán rất khó thuê nhân viên và gần như không thể mở rộng kinh doanh”. Sự cầu toàn này hoàn toàn phù hợp với chiếc áo làm bếp trắng tinh mà Lâm luôn bận trên người.
Tôi là một người có khẩu vị rất bình dân, vậy nên sẽ là thiếu khách quan nếu tôi nhận xét hương vị của bánh mì C3. Có điều, tôi thật sự thích ăn những chiếc bánh mì ở đây, thích không gian sạch sẽ của quán, thích cái cách người bán hàng nâng niu những chiếc bánh và khiến nó trở nên đặc biệt... Có vẻ như rất nhiều người có suy nghĩ giống tôi. Chị Giang Linh (Phường Quang Trung, TP. Vinh), vừa mua bánh vừa chia sẻ: “Tiệm bánh ở vị trí này hơi ngược đường đi làm của mình, nhưng vì lỡ nghiền rồi nên nhiều khi phải chấp nhận đi xa để được ăn bánh”. Bánh mì C3 đã từng nhận rất nhiều đơn đặt hàng ở Cửa Lò, Nghi Lộc, những đơn mà “tiền giao hàng gấp mấy lần tiền bánh”, cũng chỉ bởi khách “lỡ nghiền rồi” như vậy...
Lâm đã dành đam mê lớn cho một món ăn rất đỗi bình thường, một thái độ vô cùng nghiêm túc cho một công việc giản dị. Điều này khiến tôi thật sự ngưỡng mộ.
Diệp Thanh-Laodongnghean.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh