UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 84 /QĐ.UBND-TM về việc phê duyệt Đề án tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án sẽ được thực hiện trong năm 2010 với tổng nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ lên đến trên 241 tỷ đồng.
Cụ thể, Đề án tiếp tục hỗ trợ đất sản xuất cho 9.479 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 8.204 hộ (gồm: nước phân tán 3.938 hộ, nước tập trung 4.266 hộ), hỗ trợ đào tạo nghề đi xuất khẩu lao động cho 565 lao động.
Nguyên tắc hỗ trợ của Đề án là chỉ hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt trực tiếp đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; đảm bảo đúng địa bàn, đối tượng, công khai, công bằng; phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc; với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; các hộ được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt phải sử dụng đúng mục đích để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo; không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất sản xuất trong thời gian 10 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất; hộ được cấp đất sản xuất, đất ở, nhà ở khi di chuyển đi nơi khác sinh sống, lao động được hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phải sử dụng kinh phí đúng mục đích thông qua các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương hoặc kết hợp với chính sách hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp.
Định mức hỗ trợ tối thiểu cho 01 hộ là 0,25 ha đất ruộng lúa nước 1 vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước 2 vụ hoặc 0,5 ha đất nương, rẫy hoặc 0,5 ha đất nuôi, trồng thủy sản; tổ chức giao khoán bảo vệ 40.040 ha rừng cho 2002 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu nhận khoán bảo vệ; giao 4.000 ha đất cho 1.000 hộ để trồng rừng.
Định mức diện tích giao khoán bảo vệ rừng tối đa không quá 30ha/hộ hoặc diện tích đất giao trồng rừng tối đa không quá 5ha/hộ; hỗ trợ cho 2.853 hộ có nhu cầu học nghề và nhu cầu vay vốn để mua sắm nông cụ, máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc vốn để làm các ngành nghề khác.
Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ và được vay vốn tín dụng tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ trong thời gian 3 năm với mức lãi suất bằng 0%; hỗ trợ học nghề và tạo điều kiện cho 565 lao động đi xuất khẩu (không bao gồm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong thực hiện theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ). Mức hỗ trợ 03 triệu đồng/ lao động/khóa học nghề và được vay vốn tín dụng tối đa 30 triệu đồng/người; mức vay, thời gian vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu và khả năng thực tế của từng đối tượng; hỗ trợ cho 3.938 hộ dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn về nước sinh hoạt. Mức hỗ trợ bình quân 1 triệu đồng/hộ để xây dựng bể chứa nước hoặc đào giếng nước và tự tạo nguồn nước sinh hoạt.
Trần Hải - Báo Nghệ An |