Đảng phải là Đảng dân

Dân tộc sinh ra Đảng, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ Đảng, rồi tin yêu Đảng khi Đảng đã trưởng thành lên. Có thể nói quan điểm của Hồ Chí Minh về Đảng là quan điểm dân.

Đảng không của riêng ai

Trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ vui vẻ nói: "Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình. Đảng ta là đạo đức, là văn minh".

Đây không là một định nghĩa Đảng về mặt lý luận, đây là niềm tự hào, cũng là một lời nhắc nhở. Khi nói về văn minh thì điều cần hiểu là, với Hồ Chí Minh, văn minh là sự thống nhất phẩm chất và trí tuệ. Đây chính là một nét đặc sắc của truyền thống văn hiến Việt Nam. Cũng là nét đặc sắc của cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh và của tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng.

Luôn nhấn mạnh về phẩm chất, đạo đức của người đảng viên, đó là một điểm nổi bật trong nhận thức về Đảng cũng như trong việc tổ chức, rèn luyện và giáo dục đảng viên của Hồ Chí Minh. Ngay từ buổi ban đầu, trong "Đường cách mệnh", tài liệu được soạn thảo năm 1927 để huấn luyện đảng viên và quần chúng, Bác đã đặt bài "Tư cách của người cách mệnh" làm bài mở đầu, trước cả bài "Vì sao phải viết sách này".

Và rồi trong những lời cuối cùng trước khi "từ biệt thế giới này" cũng là "trước hết nói về Đảng" để thiết tha căn dặn "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng...". {1}

Cần lưu ý rằng, đảng hiện đại, theo mọi lý luận, mọi xu hướng chính trị, mới có chừng hơn 160 năm tuổi. Nhưng ngay từ đầu, hầu như không có đảng chỉ là đảng của một tầng lớp xã hội. Trong hầu như mọi trường hợp, ngay từ đầu, mỗi đảng đã là đảng của nhiều tầng lớp, đảng viên gồm những người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Vì thế, đảng đại diện và được ủng hộ bởi một số tầng lớp xã hội đông hơn số tầng lớp xã hội có người là đảng viên của đảng.

Trong một số trường hợp, lúc đầu một số đảng là đảng của chỉ một tầng lớp xã hôi mà thôi, nhưng sau đó, vì những nguyên nhân về sức mạnh và hiệu quả, số đảng ấy dần dần trở thành đảng liên tầng lớp.

Tuy vậy, từ nhiều chục năm nay và hiện nay, hầu như không có ngoại lệ, các đảng đều biến chất, tha hoá, về hai mặt có liên quan mật thiết sau đây: Một là, đảng không còn trung thành đại diện cho những tầng lớp xã hội mà đảng sinh ra để đại diện, mà chỉ còn đại diện cho chính mỗi mình. Hai là, trong đảng, đông đảo đảng viên bị vô hiệu hoá, bị tha hoá thành những người chỉ chấp hành quyết định của "cấp trên", thậm chí chỉ còn là những người bỏ phiếu cho số ít cầm quyền trong đảng.

Và nếu tình hình diễn ra như thế thì về thực chất đảng chỉ còn là đảng của một nhúm người có quyền lực. Đây là điều không phải chỉ chúng ta đang quan tâm, mà là một vấn đề lý luận các đảng chính trị cũng như giới nghiên cứu đang đặt ra.

Trong định nghĩa về đảng của Đại Bách khoa Toàn thư Pháp được dẫn ra ở phần trước, khi viết rằng " một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo" đã phản ánh phần nào thực trạng nói trên.

Tránh tha hóa quyền lực

Nhận thức rõ như vậy để hiểu cho kỹ, thấu cho hết sự trăn trở và lời căn dặn thiết tha của Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa: "việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng" {2}.

Bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình, Hồ Chí Minh hiểu rõ những thành tựu cũng như những sai lầm mà phong trào cách mạng đã trải qua, đặc biệt hiểu rõ và thường xuyên cảnh báo về sự tha hóa của quyền lực, nguy cơ thường trực của một đảng cầm quyền.

Sự tha hóa ấy sẽ đẩy tới mọi biến thái của thoái hóa về phẩm chất đạo đức của người cán bộ đảng viên. Càng nguy hiểm hơn khi những cán bộ đảng viên ấy lại đảm đương những trọng trách vì như Bác vẫn thường xuyên khẳng định "Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không".{3}.

Có thể nói rằng, không chỉ trong đảng và trong nước ta, mà nhìn rộng ra trong phong trào cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh là người viết nhiều, nói nhiều nhất đến vấn đề phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ tiền phong. Mệnh đề "Đảng là đạo đức" trong lời phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng cần phải đặt vào trong đặc điểm đó mới hiểu sâu được ý nghĩa cảnh báo của Hồ Chí Minh đối với Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, lời cảnh báo đó càng có ý nghĩa khi mà "khó có thể kể hết những việc làm, mưu mô, thủ đoạn làm nghèo đất nước, vơ vét tài sản của nhân dân, làm giàu cho bản thân. Hiện tượng quan chức trở nên giàu có vượt bậc ngày càng phổ biến và lộ ra nhiều khi khá công nhiên với những lời biện giải ngô nghê khó ai chấp nhận. Trong đó, có nhiều việc là tham nhũng, được xác định tội danh rõ ràng, dù có thể còn chưa bị phát hiện và trừng phạt. Nhưng không ít việc không thể quy kết tội danh tham nhũng, cùng lắm chỉ bị xem là yếu kém, quan liêu, thiếu trách nhiệm...nghĩa là những thiếu sót cá nhân, gây ra do thiếu hiểu biết, năng lực hạn chế là chính. Sự việc loại này ngày càng nhiều, lặp lại ở các cấp, ở nhiều địa phương, đơn vị".

Đó là một thực tế gây bức xúc được đưa lên trên trang báo diện tử Vietnamnet ngày 14.12. 2009 trong bài "Những người cản trở đổi mới". Đó là một thực trạng mà trước đó, Phạm Văn Đồng trong bài viết cuối cùng đăng trên báo Nhân Dân đã quyết liệt vạch ra: "trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào" để nhắc nhở rằng "đây là một nguy cơ không thể coi thường"!

Càng suy nghĩ, càng hiểu được, vì sao thường trực trong nỗi lo của Hồ Chí Minh mà vì vậy Người thường xuyên cảnh báo nguy cơ tha hóa, biến chất của cán bộ đảng viên dẫn đến sự sa sút niềm tin của dân vào Đảng và Nhà nước mà thông qua đó, Đảng thực thi vai trò lãnh đạo của mình.

"Gánh việc chung cho dân, không phải đè đầu dân"

Ở một quốc gia mà nhà nước xuất hiện từ rất sớm và mang nặng "truyền thống" quan liêu, Hồ Chí Minh đã đòi hỏi xây dựng một "nhà nước đày tớ của dân", điều mà nhiều nhà tư tưởng lớn của loài ngưòi đã từng ấp ủ và cũng đã đựơc nhấn mạnh trong học thuyết của C. Mác. Nhưng, vấn đề là Hồ Chí Minh đã sớm đưa ngay ý tưởng đó vào việc tổ chức nhà nước và cố gắng thực hiện.

Hồ Chí Minh hiểu rõ mục tiêu của từng chặng trên con đường dẫn đến lý tưởng ở phía chân trời. Người không lẫn lộn mục tiêu cụ thể và trực tiếp của từng chặng với cái đích lý tưởng ở phía trước để tránh đi những ảo tưởng duy ý chí, dẫn đến hành động nôn nóng "đốt cháy giai đoạn", gây hậu quả ngược lại với mục tiêu. Cho nên, Hồ Chí Minh "có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn" {4}.

Người đòi hỏi "không được sao chép nguyên văn những gì có sẵn, điều cốt yếu là hiểu đúng tinh thần và biết vận dụng các nguyên lý sát với tình hình cụ thể" {5} nhằm thực hiện cho được sứ mệnh cao cả của một "Đảng cầm quyền".

Người quyết liệt phê phán bệnh hình thức, khoa trương, đưa ra rất nhiều những khẩu hiệu, những phong trào, những đợt vận động mà không có thực chất: "Than ôi! Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hóa ra lá bùa của thầy cúng. Lỗi đó tự ai? Thế mà bảo "đại chúng hóa", "dân tộc hóa" thì hóa cái gì? {6}.

Xin nhắc lại một sự kiện đặc biệt, ngày 19/12/1946, Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thì trước khi chuyển toàn bộ cơ quan Trung ương lên Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến, trung tuần tháng 2/1947, Bác có một quyết định đột xuất: cùng mấy cán bộ đi về Thanh Hóa, một tỉnh ở hậu phương giàu sức người sức của để thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh.

Thế là, để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, Hồ Chí Minh trước hết chuẩn bị về tư tưởng và phẩm chất cho người cán bộ và mối quan hệ giữa cán bộ, tức là người thay mặt cho Đảng và Chính phủ, với nhân dân. Tại đây, trước hết Bác nói về dân chủ: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân...Dân chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" {{7}

Cũng tại đây, Bác đã thẳng thắn vạch ra những tật bệnh của sự thoái hóa biến chất của người có chức có quyền và đề nghị nhân dân giám sát, phê bình: "...có người làm quan cách mạng chợ đỏ, chợ đen, kinh dân, mưu vinh thân phì gia. Từ một năm nay, nội hoạn, ngoại xâm không lúc nào không có, nên còn nhiều việc Chính phủ Trung ương không làm được. Có nhiều cái biết là hay, nhưng còn việc gấp phải làm gấp cái đã. Xin đồng bào phê bình, giúp đỡ, giám sát công việc của Chính phủ. Còn những việc làm mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng". {8} Đây chính là cách Hồ Chí Minh thực hành tư tưởng về nhà nước của dân, do dân và vì dân một cách sống động và giàu sức thuyết phục.

Dựa vào ý dân để sửa cán bộ, tổ chức

Người đòi hỏi, "phải đưa chính trị vào giữa dân gian", và bằng hành động cụ thể, Người đã chứng minh nguyên lý ấy.

Hồi ký của Vũ Kỳ đã ghi lại chuyến đi đặc biệt ấy, khi mà tại Ninh Bình và Nam Định, Pháp đóng quân dày đặc, Bác phải đi tắt qua đồn điền Chi nê về Thanh Hóa để "chuẩn bị" cho cuộc trường kỳ kháng chiến mà Người nhìn thấy trước sẽ vô cùng gian khổ mà nhân tố quyết định thắng lợi là con người, là nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Sự "chuẩn bị" đó là: "Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên". Vì thế mà "Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ, tổ chức của ta". {9}

Càng ngẫm nghĩ, càng thấy tầm nhìn của lãnh tụ đã vượt xa về phía trước như thế nào! Đối chiếu với những bài học lịch sử của ngót nửa thế kỷ qua, và đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, càng thấy thấm thía về tấm lòng của Bác, về tư tưởng của Bác, về hành động cụ thể của Người.

Bằng lời nói và việc làm của mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng chói và rất thiết thực, rất cụ thể về thực hành dân chủ. Với những việc thiết thực và cụ thể ấy, Bác Hồ đã chứng minh một chân lý rất đơn giản: mọi yếu kém và tật bệnh của nền dân chủ đều có thể chữa lành bằng cách dân chủ hơn nữa. Mà dân chủ dễ hiểu nhất, dễ thực hiện nhất, đó là "làm cho dân mở miệng ra". Trong cách diễn đạt mộc mạc ấy đã hàm chứa một chân lý vĩ đại mà bất cứ vào thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào cũng tỏ rõ sức mạnh bất tận của nó.

Xin chỉ nhắc ở đây lời phát biểu của Nelson Mandela, người anh hùng giải phóng dân tộc của Nam Phi, "người đương thời" đang là một tấm gương sáng chói về bản lĩnh của một nhà cách mạng kiểu mới: "Bất cứ ai muốn phát biểu đều có thể nói. Đó là dân chủ trong hình thức thuần túy nhất. Có thể không tránh khỏi tình trạng đẳng cấp giữa vị trí quan trọng của người phát biểu này với người kia, nhưng dù là lãnh tụ hay dân thường, tướng tá hay thầy thuốc, buôn bán hay nông dân, địa chủ hay tá điền, người nào cũng được nói... Chính đó là nền tảng của tự chủ: tất cả moi người đều được tự do phát biểu ý kiến của mình và tất cả đều bình đẳng như là công dân".

Thì ra, cổ kim đông tây, các bậc thức giả, những người được gọi là vĩ nhân đều gặp nhau ở những ý tưởng lớn trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, đúng như Bác Hồ đã nói: "Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết "*.

Nhắc lại tư tưởng của Khổng Tử trong kinh Thư, thiên Thái Tuệ, Mạnh Tử đã giải thích rằng: "Trời không có mắt có tai, dân nhìn tức là trời nhìn, dân nghe tức là trời nghe".{10}

Napoléon, nhà độc tài đã từng ngạo mạn mà rằng "nhà nước là ta" nhưng vẫn phải thốt lên một sự thật: "Nhà nước là gì? Chẳng là gì cả, nếu nó không có [sự hậu thuẫn của] dư luận!".

Và A.Lincoln với ý tưởng vĩ đại về "nhà nước của dân, do dân và vì dân" đang là khuôn mẫu lý tưởng về nhà nước [ mặc dầu chưa tìm thấy trong thực tế lịch sử cũng như đương đại].

Nếu với Hồ Chí Minh "văn minh là sự thống nhất phẩm chất và trí tuệ" như đã nói ở trên, thì những điều vừa dẫn ra đã cho thấy, khi nói "Đảng là đạo đức, là văn minh" Hồ Chí Minh đã kỳ vọng những gì trong việc thực thi vai trò lãnh đạo đạo của Đảng, đòi hỏi những gì ở phẩm chất của cán bộ, đảng viên.

Hồ Chí Minh nói về Đảng không quá trừu tượng và quá hàn lâm theo cách định nghĩa của các nhà kinh điển khiến người lao động bình thường khó mà hiểu được.

Nhưng đây không chỉ là cách diễn đạt. "Văn là người". Đây là nhận thức, là quan điểm, là tình cảm của Hồ Chí Minh về Đảng và về dân, với Hồ Chí Minh, đó là Đảng dân.

Đảng dân

Cũng như quan điểm Hồ Chí Minh về Nhà nước là công bộc của dân, cán bộ là đầy tớ của dân . Ngẫm nghĩ  kỹ, đây là những sáng tạo rất Hồ Chí Minh, mang đậm nét Hồ Chí Minh, rất dân tộc, vì thế hết sức gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân.

Với Hồ Chí Minh, chính dân tộc sinh ra Đảng, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ Đảng, rồi tin yêu Đảng khi Đảng đã trưởng thành lên. Cho nên, có thể nói quan điểm của Hồ Chí Minh về Đảng là quan điểm dân. Trong khái niệm này, cần hiểu dândân tộc.

Không chỉ là quan điểm lý thuyết mà là thực hành trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ở một nước mà truyền thống quan liêu rất nặng, tư tưởng và chỉ đạo của Hồ Chí Minh về một nhà nước không quan là cực kỳ độc đáo. Một Đảng dân, một Nhà nước dân chính là sáng tạo của Hồ Chí Minh. Nhà nước dân ấy thể hiện rõ tư tưởng mà phương Tây đã từng nêu về nhà nước của dân, do dân, vì dân vừa dẫn ra.

Phải chăng cần hiểu ý nghĩa của lời nhắn nhủ cũng như sự kỳ vọng của Hồ Chí Minh về "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" chính là một Đảng của dân tộc, một "Đảng dân" đứng ở tầm cao trí tuệ của thời đại văn minh, một nhà nước không quan, một nhà nước dân. Quả thật đây là một kỳ vọng, nhưng là một kỳ vọng khởi nguồn từ mảnh đất hiện thực đã từng thấm đẫm máu, nước mắt và mồ hôi của bao nhiêu thế hệ Việt Nam.

Xin khép lại bốn bài viết này bằng gợi lên hình ảnh trái tim Đancô trong tác phẩm của M. Gorki. Trong đêm đen dày đặc, chàng trẻ tuổi nguyện là người đưa đường đã tự xé toang lồng ngực của mình để bóc trái tim rồi đưa lên cao, trái tim biến thành ngọn đuốc đưa cả đoàn người tiến về phía chân trời mà họ mong ước. Trái tim đã biến thành ánh lửa của trí tuệ, là nguồn hướng dẫn, nguồn cảm hứng, giúp con người xác định mục đích, con đường, cách đi, biện pháp để giải thích và cải tạo thế giới, cải tạo sự sống. Ở đây chính là lý luận dẫn đường.

Đúng là người ta không thể hành động chỉ bằng trái tim yêu thương mà phải cả cái đầu suy nghĩ. Nhưng thật ra, không hề có sự đối lập giữa trí tuệ và bầu nhiệt huyết, của cái đầu và trái tim. Về điều này, Hégel nói rất hay: "đối với trái tim, không phải việc phù hợp đơn thuần với quy luật xét như là quy luật là bản chất, mà phải có ý thức về chính mình ở trong quy luật, phải được thoả mãn chính mình trong đó. Cho nên, ở đâu nội dung của sự tất yếu phổ biến không nhất trí được với trái tim, thì sự tất yếu ấy - xét về nội dung- không là gì cả và phải nhường chỗ cho quy luật của trái tim".

Cái đầu và trái tim đều ở trong con người! Trái tim yêu thương và cái đầu biết suy nghĩ, dám suy nghĩ là một nhu cầu để sống. Một cuộc sống đạo đức và văn minh!

---

Chú thích:

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. NXBCTQG. 1995, tr. 510, tr. .503

3 Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 7. NXBCTQG. 1995, tr. 480

4, 5  Phạm Văn Đồng "Hồ Chí minh, Quá khứ Hiện tại và Tương lai" Tập I. NXB ST. Hà Nội 1991,tr.29, tr.98

6, 7 , 8, 9 [tâp5.tr.305][tâp 5, tr.60] [tập 5. tr.61] [tâp 5, tr. 298; tr. 297]

10.    Nguyễn Hiến Lê. "Mnh T". NXBVăn Hóa.1995, tr.94.

11 .  G.W.F.Hegel. "Hiện tượng học tinh thần." Bùi văn Nam Sơn dịch. NXB Văn học 2006, tr.769.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh