V. League lại đổi tên gọi: Bao giờ mới thực sự chuyên nghiệp?
2/15/2019 8:10:25 AM

Từ khi bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp, giải bóng đá vô địch quốc gia đã trải qua rất nhiều tên gọi khác nhau. Trong mùa giải sắp tới, một lần nữa NHM bóng đá Việt Nam lại phải làm quen thêm một tên gọi mới toanh đó là: Wake - Up 247 V.League 1.

Mùa giải 2019-2020, giải vô địch Quốc gia lại tiếp tục "thay tên, đổi chủ" khi nhà tài trợ Nuti Cafe đã chính thức rút lui và thay vào đó là một cái tên mới tinh đó là Wake - Up 247 V.League 1. Chính điều này đã khiến NHM bóng đá Việt Nam không khỏi hoang mang khi không thể nhớ nổi tên giải đấu của nước mình.

Chỉ trong 23 năm, V.League đã có 10 lần đổi tên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu rằng bóng đá Việt Namđã thực sự chuyên nghiệp hay chưa? Theo lý giải của một số CĐV, ở các giải đấu lớn trên thế giới, họ hầu như không thay đổi tên gọi quá nhiều và thậm chí là không hề thay đổi. Điển hình như giải đấu cao nhất nước Anh, Pháp hay Ý những tên gọi đều đã trở thành thương hiệu lâu năm và được NHM bóng đá toàn thế giới biết đến khi nhắc tên như  Premier League, Seria A hay League 1.

Điều mà NHM bóng đá nước nhà thắc mắc cũng không phải là không có cơ sở, bởi theo xu thế chung, một giải đấu muốn nổi tiếng và có sức hút với khán giả hay các cầu thủ chất lượng thì chúng ta cần phải có một tên gọi thống nhất và giữ nguyên trong nhiều thập kỷ thì mới hy vọng thu hút được sự quan tâm của bè bạn Quốc tế.

Thể thao - V. League lại đổi tên gọi: Bao giờ mới thực sự chuyên nghiệp?

Trong mùa giải mới, V.League sẽ có một tên gọi mới là:"Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Wake-up 247 -2019”, tên tiếng Anh sẽ là “Wake-up 247 V.League 1 – 2019”.

Theo thống kê, kể từ khi bước lên chuyên nghiệp, chúng ta đã có 10 tên gọi khác nhau cho giải bóng đá cao nhất Việt Nam lần lượt là: Strata V. League ở mùa giải 2000-2002, Sting V.League (2003), Kinh Đô V.League (2004), Number One V.League (2005), Euro Windown V. League (2006), Petro Việt Nam Gas (2007-2010), Eximbank V.League (2011-2014), Toyota V.League (2015-2017), Nuti Cafe V.League (2018) và ở mùa giải mới này NHM bóng đá Việt Nam sẽ phải làm quen một thêm một cái tên mới là Wake - Up 247 V.League 1.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về nguyên nhân vì sao giải vô địch Quốc gia Việt Nam không giữ nguyên một tên gọi mà thường xuyên thay đổi, chuyên gia bóng đá Trần Duy Long cho biết: "Việc thay đổi tên gọi của giải đấu cao nhất của chúng ta liên tục cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến NHM, bởi dù có thay đổi tên thì tên của các đội bóng vẫn giữ nguyên. Cái khó ở đây chẳng qua là mọi người phải cố gắng ghi nhớ tên gọi mới mà thôi. Còn việc đổi tên giải đấu thực ra là cái khó của VPF bởi vận động tài trợ cho giải đấu là cực kỳ khó khăn, bởi vậy chúng ta cứ phải chiều theo nhà tài trợ".

"Nếu chúng ta cứ để nguyên là V.League thì các nhà tài trợ chắc chắn sẽ không đồng ý bởi họ đầu tư vào chúng ta là muốn quảng bá thương hiệu của mình nên mới thường có thêm các nhãn hàng như Toyota, Nuti Cafe hay Petro Việt Nam Gas", chuyên gia bóng đá Trần Duy Long cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Long cũng cho biết, phải thường xuyên thay đổi nhà tài trợ là các sản phẩm bóng đá của chúng ta chưa được ủng hộ nhiều: "Sở dĩ chúng ta phải như vậy bởi thực chất, chất lượng của các trận đấu là chưa cao, NHM vẫn chưa thực sự quan tâm đến các trận đấu ở cấp độ CLB. Chúng ta vẫn chưa bán được nhiều vé ở mỗi trận đấu. Còn ở Anh hay các nước khác họ đã làm bóng đá trước chúng ta cả trăm năm nay rồi. Chất lượng các đội bóng cũng như cơ sở vật chất của họ là cực tốt nên họ thu hút được nhà tài trợ với những bản hợp đồng vô thời hạn.

Chất lượng giải đấu tốt thì nhà tài trợ sẽ thấy được lợi ích và hợp tác, thương hiệu của cả hai bên sẽ được đảm bảo nên chúng ta cứ nhắc đến Quốc gia nào là nhớ ngay đến giải đấu đó như Ở Anh là Premier League, ở Ý Seria..."

"Nếu muốn có một nhà tài trợ lâu dài để thương hiệu của V.League đi lên,  trước hết, chúng ta phải thực sự chú tâm đầu tư cho các trận đấu cũng như cơ sở vật chất. Chất lượng trọng tài hay chất lượng chuyên môn phải tăng thêm thì danh tiếng mới lên được. Như vậy mới thu hút được nhà tài trợ gắn bó dài hơi", chuyên gia Trần Duy Long hiến kế.

Trong mùa giải 2018, sau sự ra đi của Toyota, Nutifood đã trở thành nhà tài trợ của Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam. Cùng với đó, tên gọi của giải cũng đã được đổi thành Nuti Cafe V.League 1 – 2018. Tuy nhiên, thỏa thuận tài trợ của hãng sữa này và VPF chỉ có thời hạn một năm, đồng nghĩa với việc VPF phải tìm kiếm nhà tài trợ mới trước khi mùa giải 2019 khởi tranh.

Sau khoảng thời gian dài chờ đợi, danh tính của nhà tài trợ cho V.League 2019 đã được hé lộ. Theo Next Sports, đơn vị khai thác bản quyền V.League, Tập đoàn Masan đã trở thành nhà tài trợ cho V.League 2019.

Cùng với nhà tài trợ mới, tên gọi của Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam cũng sẽ thay đổi gắn với một thương hiệu nước giải khát của Masan trong mùa giải 2019. Theo đó, trong mùa giải 2019 giải sẽ có tên chính thức “Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Wake-up 247 -2019”, tên tiếng Anh sẽ là “Wake-up 247 V.League 1 – 2019”.

Theo Người đưa tin

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh