Chủ động phòng chống trước nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi
2/26/2019 7:24:52 AM
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, thì đến ngày 24/2, Việt Nam đã có 11 ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa.
 

Trước thực tế đó, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú ý tỉnh về các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

PV: Thưa ông! Tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp như hiện nay đã đến mức báo động chưa?

 

Ông Đặng Văn Minh: Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tính từ năm 2017 đến nay đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên 1 triệu con.

Tại Trung Quốc, từ 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019 đã phát hiện 105 ổ dịch tại 25 tỉnh, với 950.000 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy; trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông tiếp giáp với biên giới Việt Nam.

Hình ảnh lợn bị nhiễm dịch tả (Ảnh minh họa)

Trên địa bàn cả nước, theo thông tin chính thức từ Cục Thú y đến ngày 24/2/2019 đã có có 11 ổ (hộ chăn nuôi) dịch tả lợn châu Phi tại 4 tỉnh gồm: Hưng Yên,Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa (gồm 1 ổ dịch tại TP. Hưng Yên và 1 ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; 6 ổ dịch tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; 1 ổ dich tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; 2 ổ tại huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng); tổng số lợn bị bệnh buộc tiêu hủy là 521 con. Dịch đang có chiều hướng lây lan, diễn biến rất phức tạp... 

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan rất nhanh trên lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường; sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, do vậy, nếu bệnh dịch xảy ra rất khó để loại trừ mầm bệnh, và mầm bệnh tồn tại trong môi trường chăn nuôi qua rất nhiều năm.

Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính.

PV: Hiện ở Thanh Hóa ngay sát Nghệ An đã phát hiện ổ dịch, điều đó đặt ra công tác phòng chống bệnh dịch nguy hiểm này càng phải chú trọng như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Văn Minh:  Nghệ An có nhiều đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, lưu lượng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn đi qua địa bàn hầu hết các huyện, thành, thị và khó kiểm soát.

Tại các chợ, điểm thu gom lợn và sản phẩm từ lợn hầu như chưa có khu vực buôn bán riêng để quản lý; ngoài các lò mổ tập trung, vẫn còn phổ biến tình trạng tự giết mổ nhỏ lẻ không có sự kiểm soát của lực lượng thú y. Do đó, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn tỉnh là rất cao.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyên Hà Trung ở xã Kim Liên (Nam Đàn) Ảnh: Phú Hương

Theo đó, các cấp ngành tăng cường tuyên truyền về tình hình, đặc điểm, tác hại của bệnh dịch và các giải pháp ứng ở cơ sở. Người chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn để kịp thời phát hiện và báo cáo chính quyền xã, thú y cấp huyện, xã các trường hợp lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh để xử lý.

Đồng thời, thành lập đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn, các địa điểm thu gom, cơ sở giết mổ... Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Khi dịch xảy ra, phải tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị để xử lý và nhanh chóng dập tắt ổ dịch ở diện hẹp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo các trạm thú y phối hợp các địa phương, tăng cường kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ lợn, nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý khi dịch xảy ra.

Phun khử trùng tiêu độc phương tiện ra vào trang trại lợn ở xã Tiến Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương

Tuy nhiên, trong điều kiện chưa có vacxin phòng và chữa bệnh như hiện nay, giải pháp tốt nhất là người dân nên thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Khu vực chăn nuôi phải cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác và hạn chế tối đa người lạ ra vào; trước cổng và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng; phải thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; chất thải phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp.

Cùng đó, khi mua con giống cần nắm rõ nguồn gốc, đã được tiêm phòng đầy đủ; trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly theo quy định; Kiểm soát thức ăn, vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại; không để chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó mèo và người lạ ra vào khu vực chăn nuôi, tránh đưa mầm bệnh vào lây lan cho đàn lợn.

PV: Xin cảm ơn ông!

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh