| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 5,293
Tất cả: 99,758,246
 
 
Bản in
Lễ hội tháng Giêng tại Nghệ An
Tin đăng ngày: 11/2/2010 - Xem: 4986
 

Tháng Giêng trẩy hội đền Cờn “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Câu ca truyền miệng ấy đã ghi nhận Đền Cờn là một trong bốn di tích nổi tiếng linh thiêng nhất của Xứ Nghệ. Đền được xây năm 1235 - đời nhà Trần, nằm sát cửa biển Lạch Cờn, giữa một vùng non nước hữu tình.

Toàn cảnh đền Cờn
Toàn cảnh đền Cờn

Đền Cờn gồm có đền trong và đền ngoài. Đền trong được lập nên để thờ Tứ Vị Thánh Nương tức Dương Thái Hậu - Hoàng Hậu và hai công chúa nhà Nam Tống. Đền tọa lạc trên Gò Diệc, bên bờ sông Mai, nhìn về hướng Đông Bắc. Đền ngoài thờ vua Tống Đế Bính, tướng Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu, tọa lạc trên núi Hùng Vương, xoãi chân ra biển. Mặt đền nhìn về hướng Đông, nơi biển cả quanh năm sóng vỗ, phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng.


Năm Hưng Long thứ XX (1312), vua Trần Anh Tông đi đánh giặc phương Nam, ghé vào cửa Cờn, đêm báo mộng: được nữ thần xin giúp sức. Khi thắng giặc trở về kinh đô, nhà Vua đã làm miếu tạ lễ và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương”, ban vàng bạc và cho xây dựng đền. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), trên đường đi đánh giặc phương Nam, vua Lê Thánh Tông đến thắp hương tại Đền Cờn. Do Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ nhà vua đánh thắng giặc nên Lê Thánh Tông đã ban cấp tiền bạc xây dựng đền và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh hương thượng thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ”, ghi nhận công đức Thánh Mẫu giúp nước, giúp dân. Sang thế kỷ XVIII, vua Quang Trung đã ban sắc phong với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại” (tức là công lao rộng khắp, to lớn) và “Hàm chương tiết liệt”(nghĩa là nêu gương tiết liệt cho muôn đời). Đền Cờn là công trình kiến trúc cổ, quy mô lớn, uy nghi, đã trở thành trung tâm tín ngưỡng của cư dân vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An).


Đền có phong cảnh hữu tình, kiến trúc đồ sộ với nhiều mảng chạm khắc cổ quanh đề tài “Tứ linh, tứ quý”. Ngày 29/1/1993, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có quyết định số 68/QĐ-BVHTT công nhận Đền Cờn là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Đền Cờn gắn với quá trình đấu tranh giữ nước của ông cha ta, là địa chỉ tâm linh của nhân dân cả nước. Hàng năm, nhân dân Quỳnh Lưu và cả tỉnh Nghệ An cùng khách trọng tâm linh cả nước thường tụ hội về đây tổ chức lễ hội vào các ngày: 19,20,21 tháng giêng âm lịch để ôn lại truyền thống và ghi nhận công đức của Thánh Mẫu.


Cùng với việc tổ chức lễ hội, chính quyền huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Phương đã chú ý sửa sang, trùng tu di tích khang trang hơn, tạo thuận lợi cho việc thờ tự của nhân dân địa phương cũng như việc tiến lễ, cầu bái của du khách. Lễ hội Đền Cờn là một lễ hội vùng của tỉnh Nghệ An. Truớc đây, lễ hội mở từ ngày 15 tháng Chạp đến 30 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nay được tổ chức trong 3 ngày: 19 – 20 – 21 tháng giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội Đền Cờn mở đầu bằng những đoàn thuyền du xuân có trang trí cờ, hoa rực rỡ, trong tiếng trống, tiếng chiêng âm vang. Trò diễn trận thuỷ chiến gắn với truyền thuyết dựng đền, có quân xanh, quân đỏ, giao chiến trên một dải núi non hiểm trở từ làng Ói về đền Cờn. Trận thuỷ chiến cứ 3 năm tổ chức một lần, trong đó có tục chạy Ói là nét riêng của lễ hội đền Cờn. Những trò chơi dân gian như: đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, hát chầu văn đan xen nhau thật nhộn nhịp. Kết thúc lễ hội là lễ cầu yên, cầu tài, cầu lộc, lễ tạ ơn, bốc thăm, xem quẻ có rất đông người hưởng ứng và không khí tưng bừng của mùa xuân, báo hiệu một năm mới tốt lành đã đến.

Chi tiết Lễ hội Đền Cờn diễn ra như sau:

* Phần lễ:

- Chiều 19 tháng giêng âm lịch: Lễ yết cáo

- Đêm 19 tháng giêng âm lịch: Lễ yên vị

- Sáng 20 tháng giêng âm lịch:

+ Rước kiệu từ đền Trong ra đền Ngoài và rước kiệu từ đề Ngoài vào đền Trong (hai đường thuỷ – bộ)

+ Đại lễ tại đền Trong

- Chiều 21 tháng giêng âm lịch: Lễ tạ

* Phần hội:

Diễn ra từ sáng 19 tháng giêng đến tối ngày 21 tháng giêng âm lịch.

- Các trò chơi dân gian: cờ thẻ, cờ người, chọi gà

- Thể thao: đua thuyền truyền thống, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn

- Văn hoá, văn nghệ: Biểu diễn văn nghệ, hát chầu văn, trích đoạn tuồng chèo, chiếu phim video, trưng bày triển lãm lưu động chuyên đề.

- Tham quan di tích danh thắng: Đền ngoài

 

Thành kính lễ hội đền Quả Sơn

Đền Quả Sơn nằm bên bờ Sông Lam thuộc xã Bồi Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Đây là ngôi đền linh thiêng thờ Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Lý Thái Tổ Công Uẩn, người mở đầu vương nghiệp nhà Lý. Đây là vị danh tướng, danh thần của vương triều Lý đã có công lớn trong việc bảo quốc an dân, củng cố nền độc lập, thông nhất đất nước ở thế ký XI (1039 – 1055). Tương truyền, thuở thiếu thời ngài được nhà Vua và Hoàng hậu kèm cặp để sớm trở thành rường cột của nước nhà. Từ năm 1039 ngài được triều đình phái vào Nghệ An trông coi việc tô thuế và sau đó được chính thức bổ nhiệm làm Tri châu. Trong thời gian 16 năm từ năm 1039 đến 1055, dưới hai triều Thái Tông và Thánh Tông, Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp phục hưng. Ông đã lập công lớn đối với triều đình và nhân dân Xứ Nghệ.
Đền Quả Sơn - huyện Đô Lương
Tri nhậm một miền viễn biên lại là địa đầu phía nam của Đại Việt đầy thử thách, tuy nhiên Lý Nhật Quang vẫn giữ vững được bờ cõi, ban bố được chính lệnh, thu phục nhân tâm. Phát triển mạnh mẽ sản xuất, biến vùng biên ải thành căn cứ địa vững chắc phồn vinh, hậu thuẫn đáng tin cậy cho nhiều triều đại về sau. Lý Nhật Quang mất năm 1058. Sau khi ông mất, nhân dân Xứ Nghệ đã xây dựng hàng chục ngôi đền để hương khói. Đền Quả Sơn tại xã Bồi Sơn là đền chính. Tưởng nhớ đến công ơn của ông, quanh năm nhân dân thập phương thường đến thắp hương tại ngôi đền Quả Sơn và nhất là đầu Xuân, nhân dân địa phương và du khách lại về dâng nén hương thơm để tưởng nhớ công đức của ông và cầu nguyện cho một năm mới tốt lành. Hiện tại, kiến trúc của đền Quả Sơn còn khá khiêm tốn so với nguyên bản của ngôi đền trước đây. Theo sử sách, đền có kiến trúc đồ sộ với 7 toà, 40 gian và có cung điện. Để chứng minh điều này, hiện tại trong đền còn lưu giữ tảng đá làm chân cột và một đoạn cột gỗ từng được người dân đục rỗng để thay bồ chứa lúa gạo. Ngoài ra còn có các viên ngói hài thời Lý với kích thước 20 x 30 cm, các viên gạch rất dày bằng đất nung. Rồi các hoạ tiết, hoa văn trang trí bằng vật liệu rất nhẹ và cứng.Không những thế, hiện nay đền Quả Sơn còn lưu giữ rất nhiều cổ vật, điển hình là chiếc lư hương, mũ đồng, 2 chiếc loa cổ bằng gỗ và bằng đồng để điều hành binh sỹ. Tượng đồng Chăm Pavà khay đựng trầu rất cổ. Và mới đây, trên vùng đất Bạch Ngọc thuộc xã Bồi Sơn, nhân dân đã đào được 1 hũ tiền bằng đồng với tên gọi là “Cổ càn Phù Nguyên Bảo” đúc vào năm 1042 và "Minh đạo Không Bảo" đúc vào năm 1043. Qua đó đã cho thấy ngay thời bấy giờ, Lý Nhật Quang rất quan tâm đến thương mại, dùng đồng tiền để giao thương. Lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội vùng lớn vào loại bậc nhất ở Nghệ An. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21 tháng giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Đây là lễ hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm sống động tinh thần thượng võ cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hoá dân gian.

* Phần lễ:

- Ngày 19: Lễ yết cáo

- Ngày 20 (chính lễ):

Buổi sáng: Lễ rước thần (từ đền Quả đến đền Bà Bụt)

Buổi chiều: Lễ tạ ơn Bà Bụt

- Ngày 21:

Buổi sáng: Lễ rước xuôi (từ chùa Bà Bụt về đền)

Buổi chiều: Lễ tạ yên vị

* Phần hội:

- Diễn ra từ sáng ngày 20 đến chiều ngày 21 tháng giêng âm lịch. Các trò chơi dân gian: Đáng đu tiên, chọi gà, cờ thẻ, cờ người, đấu vật, múa võ, đặc sắc nhất là đua thuyền bơi chải xuôi ngược dòng Lam, hát chầu văn, ca trù, diễn các tích chèo, tuồng cổ…Ngày nay, ngoài các trò chơi dân gian và nghệ thuật dân tộc,lễ hội còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục , thể thao như : Biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, cắm trại, triển lãm, trưng bày bán các loại ấn phẩm văn hoá, tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đi tham quan các di tích danh thắng trong vùng.

 

Say đắm Lễ hội Hang Bua

Hang Bua - một thắng cảnh đẹp của miền tây Nghệ An được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1997. Nổi tiếng với phong cảnh đẹp, nên thơ, trữ tình cùng với những nét văn hóa đặc sắc, hang Bua là một địa chỉ hấp dẫn đối với du khách gần xa đển tham quan du lịch. Ai đã đến hang Bua một lần khi ra về sẽ vẫn còn lưu luyến, mỗi độ xuân về lại nao nao nỗi nhớ…
Lễ hội Hang Bua
Hang Bua cách thành phố Vinh 170km về phía Tây Bắc, nằm trên dãy núi đá vôi “Phà Én”thuộc hệ thống dãy Trường Sơn Bắc huyện Quỳ Châu – Nghệ An. Tên hang gọi theo tên bản nên có tên là hang Bua. Tiếng Thái gọi hang động là Thẳm, nên người dân còn gọi tên hang là Thẳm Bua. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, từ thưở trời đất mới khai thiên lập địa, xưa kia ở đây là vùng đất trù phú, người dân được thần núi che chở nên cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Hang Bua là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái. Đây là nơi giao hòa, gặp gỡ của trời đất; là  vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng con người. Những huyền thoại về sự tích: Thần Núi (Phí – Nu –Phá – Hủng) và thần Nước (Phí – Nặm – Huồi – Hạ) giao tranh; chuyện tình Tạo Khủn – Tinh và nàng Ni…còn để lại dấu tích nơi hang Bua bằng các khối hình kỳ thú. Đến hang Bua, du khách sẽ cảm nhận vẻ đẹp của phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông cỏ cây xanh ngát một màu. Cửa chính hang Bua quay mặt về hướng Nam, phía trước là thung lũng xanh, xa xa  là dòng sông Hiếu trong xanh hiền hòa. Khí hậu nơi đây mát mẻ, cây cối tốt tươi muôn sắc, nơi tụ họp của muôn loài muông thú. Hang Bua có 3 cửa: Cửa chính, cửa phụ, cửa sau. Cửa chính và cửa phụ có hình bông hoa Sen nên còn gọi là “Boọc Bua”. Vào trong hang du khách không khỏi ngạc nhiên và thích thú với những gì hiện ra trước mắt: Hang Bua rộng có thể chứa được hàng trăm người bên trong nhảy múa hát hò. Vào sâu trong hang du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa: Những hình thù kỳ lạ, những mô đá hình người, đến những dụng cụ thông thường nhất của người dân như bó lúa, cái liềm…Người xưa kể rằng, trong một trận đại hồng thủy con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo đế không ngủ gật, như thế sẽ không bị hóa đá theo lời nguyền. Nhưng sức người có hạn, tất cả đều đã hóa đá, vì thế mà trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa: ông già thối sáo, bộ cồng chiêng, thửa ruộng hình bậc thang, những cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng…Đặc biệt hơn, trong hang có giếng tiên với nguồn nước ngọt mát lạnh, mùa hè khi trời nóng bức, uống một ngụm nước trong hang du khách sẽ cảm thấy vô cùng khoan khoái dễ chịu. Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, hang Bua còn nổi tiếng với hoạt động văn hóa lễ hội sôi động vào đầu xuân. Năm 1937, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, Bảo Đại cũng đã đến vãn cảnh và dự lễ hội Hang Bua. Lễ hội hang Bua đầu xuân là điểm hẹn của tình yêu đôi lứa. Trong khung cảnh tĩnh lặng của núi rừng, lễ hội đẫu xuân dập dìu các chàng trai cô gái trong những bộ váy áo rực rỡ, những điệu khèn, những khúc nhuôn, xuối, lăm tha thiết…bên bãi cỏ, trong lều trại, bên ánh lửa bập bùng của nhà sàn…Âm thanh của núi rừng hòa cùng với không khí tưng bừng của lễ hội và sự huyền bí của hang động làm cho hang Bua trở nên quyến rũ, say đắm lòng người. Nếu có dịp, mời bạn đến thăm Hang Bua vào đúng dịp lễ hội Hang Bua nhé. Lễ hội năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày 21, 22, 23 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 6, 7, 8 tháng 3)

1. Phần lễ:

- Cúng thần linh tại Hang

- Diễn văn khai mạc lễ hội

2. Phần hội:

Bắt đầu từ sáng ngày 21 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng Giêng

- Các trò chơi dân gian: ném còn, khắc luống, nhảy sạp, múa lăm, uống rượu cần...

- Thể thao: Thi đi cà kheo, đấu bóng chuyền, bóng bàn, kéo co...

- Văn hoá văn nghệ: Biểu diễn nghệ thuật quần chúng, thi nét đẹp trang phục các dân tộc vùng cao...

- Tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích văn hoá, lịch sử quanh vùng: Hang Thẩm Ồm, Thác Xao va...

- Tổng kết và trao giải thưởng.

(Theo Trung tâm XTDL Nghệ An)

  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Địa điểm du lịch, vui chơi:
Những điểm đến lý tưởng ở Nghệ An trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch (20/12/2022)
Vì sao Du lịch Nghệ An chưa "bùng nổ" (27/10/2022)
Cận cảnh cáp treo vượt biển dài nhất Bắc Trung Bộ (7/9/2022)
Các điểm du lịch ở Nghệ An sẵn sàng đón khách dịp nghỉ lễ 2/9 (31/8/2022)
Bộ Văn hóa chính thức công bố phương án mở cửa lại du lịch từ 15/3 (16/3/2022)
Một dòng chảy của lịch sử đô thị Vinh (7/2/2022)
TP. Vinh xây dựng cánh đồng sen phục vụ du lịch sinh thái (23/4/2021)
Nghỉ lễ 30/4 này đi đâu ở Nghệ An? (8/4/2021)
Cánh đồng hoa hướng dương tuyệt đẹp ở Nghệ An chuẩn bị khoe sắc (19/12/2020)
Những điểm đến hấp dẫn ở Nghệ An dịp Tết Dương lịch (13/12/2020)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website