Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn chiến lược của Quang Trung

Tại thành phố Vinh (Nghệ An) hiện có một đường phố mang tên Phượng Hoàng Trung Đô. Đây là tên của kinh đô nước Việt được xây dựng dưới triều đại Quang Trung cách đây 215 năm.

Việc xây dựng công trình Phượng Hoàng Trung Đô được sử sách ghi lại khá tường tận. Theo đó, đầu tháng 10 năm 1788, Hoàng đế Quang Trung đã ban Chiếu gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận về việc xây dựng đế đô mới của nhà Tây Sơn với tên gọi Phượng Hoàng Trung Đô. Trong Chiếu thư gửi La Sơn Phu Tử, vua Quang Trung viết: Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Châu Lộc, xã Yên Trường, hình thể rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy.


Sơ đồ công trình Phượng Hoàng Trung Đô

Thực ra, trước khi ban Chiếu chỉ trên, vua Quang Trung đã nhờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp xem cuộc đất. Ban đầu, nhà vua dự định chọn vùng đất ở Phù Thạch - Nghệ An để xây dựng kinh đô. Khi nhận được tấu trình của quan Trấn thủ Nguyễn Văn Thận rằng La Sơn Phu Tử chưa chịu xem đất nên công trình chưa thể khởi công được, vua Quang Trung liền viết thư trách cứ: Ngày trước, ủy thác cho Phu Tử về Nghệ An xem đất đóng đô cho kịp kỳ này ngự giá ở Bắc về trú. Sao ta về tới đó thấy chưa được việc gì? Nên ta hãy hồi giá về Phú Xuân kinh cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Vậy Chiếu ban xuống cho Phu Tử nên sớm cùng ông Trấn thủ Thận tính toán mà làm việc, xem đất đóng đô tại Phù Thạch… hẹn trong 3 tháng thì xong để tiện việc giá ngự. Vậy Phu Tử chớ để chậm chạp không chịu xem. Nhận được Chiếu thư của Quang Trung, Nguyễn Thiếp liền viết một tờ khải gửi vào Phú Xuân khuyên nhà vua không nên xây dựng kinh đô tại Phù Thạch mà chọn vị trí khác là Yên Trường. Lời khuyên của La Sơn Phu Tử được nhà vua đồng ý. Vị trí được vua Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô là khu vực núi Dũng Quyết - ngọn núi nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Cánh Phượng và núi Con Mèo) ở xã Yên Trường, huyện Châu Lộc - Nghệ An (nên Phượng Hoàng Trung Đô còn có tên gọi là Trung Kinh Phượng Hoàng).

Hiện nay, dưới chân núi Dũng Quyết vẫn còn lưu dấu vết tích của Phượng Hoàng Trung Đô. Di tích này rộng khoảng 10 mẫu. Theo nhiều nguồn sử liệu (trong đó có sách La Sơn Phu Tử) thì thành nội có bờ nam dài 300m, bờ tây dài 450m. Hai vách thành ở phía đông và bắc dựa vào dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân. Bờ thành được xây bằng đất với chiều cao khoảng 20m. Giữa thành có tòa lầu 3 tầng, phía trước có bậc tam cấp xây bằng gạch đá ong, phía sau có hai hành lang nối với điện Thái Hòa. Xung quanh thành có các đồn. Nối với thành bờ nam ở khu vực núi Kỳ Lân có vọng gác chính và phía núi Phượng Hoàng có kho lúa… (Xem sơ đồ). Cũng theo những nguồn sử liệu nói trên thì Phượng Hoàng Trung Đô mới được xây dựng trong thời gian khoảng 4 năm (từ 1788 đến 1792). Việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đang tiến hành thì gặp khó khăn do Nghệ An bị mất mùa vì hạn hán. Tuy nhiên, vua Quang Trung vẫn ban Chiếu yêu cầu: Những công việc to, tạm thời hoãn lại. Nhưng Sở Ngũ Hành thì không thể lưỡng lự được, cần phải hoàn thành sớm. Tiếp đó, sau chiến thắng giặc Thanh, vua Quang Trung càng đốc thúc việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Nhà vua lệnh cho võ tướng Trần Quang Diệu (bấy giờ là Trấn thủ Nghệ An) tiếp tục huy động thợ thuyền, vật liệu gạch ngói, gỗ đá… để xây dựng lâu đài, cung phủ tại Phượng Hoàng Trung Đô. Qua những nguồn sử liệu cho thấy Phượng Hoàng Trung Đô đã cơ bản hoàn thành. Bấy giờ, vua Quang Trung đã nhiều lần hồi giá và ngự giá tại Phượng Hoàng Trung Đô. Đó là vào các năm 1789, 1791, 1792… Thậm chí Quang Trung đã từng tổ chức ngự triều tại Phượng Hoàng Trung Đô. Trong bức thư gửi La Sơn Phu Tử vào ngày mồng 5 tháng 10 năm Quang Trung thứ hai (1789), nhà vua viết: Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng tiên sinh gần gũi. Rồi đây, tiên sinh hãy ra đây mà giúp nhau trị nước.

Vì sao vừa lên ngôi Hoàng đế, Quang Trung đã nghĩ ngay đến việc phải xây dựng kinh đô mới? Vì sao Quang Trung không chọn đất Tây Sơn - nơi khởi nghiệp của 3 anh em, không chọn đất Thăng Long văn vật hay đất Phú Xuân nơi ngài làm lễ cáo trời đất lên ngôi, mà lại chọn Nghệ An để xây dựng kinh đô mới? Chúng ta biết rằng làng Thái Lão, xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An chính là "đất Thang mộc" của nhà Nguyễn Tây Sơn. Theo sử cũ, tổ tiên của 3 anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ từng nhiều đời sinh sống tại đất Hưng Nguyên - Nghệ An. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (khoảng 1627-1672), trong số những tù binh bị quân Nguyễn bắt đưa vào Đàng Trong có tổ tiên của 3 anh em Tây Sơn. Thân sinh của 3 anh em nhà Tây Sơn là ông Hồ Phi Phúc. Việc đóng đô ngay tại "đất tổ" sẽ thuận lợi rất nhiều cho vương triều Quang Trung, nhất là việc thu phục nhân tâm. Đồng thời, suốt bao năm phải trải qua binh đao, khói lửa, người dân Nghệ An rất chán ghét và căm phẫn tập đoàn phong kiến vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và bè lũ chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Về mặt hình thể, địa lý, Nghệ An có vị thế chiến lược hết sức quan trọng. Trong lịch sử, từ khi còn là đất Hoan Châu, Nghệ An từng đóng vai trò "vị trí yết hầu". Sử cũ từng ghi lại, năm 1424, giữa lúc tình hình khởi nghĩa Lam Sơn đang gặp khó khăn, Lê Lợi đã hỏi các chư tướng: "Phải đi về đâu để lo việc nước?". Nguyễn Chính, một vị tướng dưới trướng đã trả lời: Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông… nay ta trước hãy đánh lấy Trà Lân, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ. Đối với việc chọn địa điểm để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô, theo cách nhìn địa cuộc, núi Dũng Quyết hội đủ các yếu tố của một "vùng đất tứ linh", bao gồm 4 chi: Long thủ (đầu rồng), Kỳ Lân (con mèo), Quy Bối (cồn rùa), Phượng Dực (cánh phượng). Trong Chiếu thư gửi La Sơn Phu Tử, Quang Trung phân tích: Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở. Ở xa trị Bắc Hà, sự thể rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng: chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về…Tiên sinh xét rõ hưng vong, hiểu thông thời vụ, thì tự hiểu điều ấy.

Qua những vấn đề phân tích ở trên, có thể nói việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược tuyệt vời của Quang Trung. Đáng tiếc là trong khi công cuộc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đang dang dở thì vua Quang Trung đột ngột lâm bệnh nặng. Trước khi băng hà, nhà vua cho triệu Trần Quang Diệu và quần thần đến căn dặn: Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai có cả cõi Nam này. Nay đau ốm tất không khỏi được. Thái tử (Quang Toản) tư chất hơn cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định (Nguyễn Ánh) là quốc thù, mà Thái Đức (Nguyễn Nhạc) thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lảo thảo thôi. Lũ người nên hợp sức mà giúp thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô (Vinh) để khống chế thiên hạ. Bằng không, quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân. Lời căn dặn của vua Quang Trung quả là lời tiên tri. Ngày 29-7 năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung băng hà. Sau khi nhà vua qua đời, Quang Toản và quần thần vẫn đóng ở Phú Xuân và không thực hiện việc dời đô ra Nghệ An. Kể từ đó, qua khói lửa chiến tranh và mưa gió thời gian, Phượng Hoàng Trung Đô dần dần lùi vào dĩ vãng.

215 năm đã trôi qua, giờ đây, Phượng Hoàng Trung Đô chỉ còn là phế tích. Song, Phượng Hoàng Trung Đô và tên tuổi của người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ - Quang Trung mãi mãi trường tồn trong tâm khảm của người dân đất Việt

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh