Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phản hồi về những bất cập trong việc thực hiện thời khóa biểu mới
4/23/2019 7:18:26 AM
Sau khi thực hiện theo thời khóa biểu mới (học 2 buổi/ngày) việc học ở các trường tiểu học (đặc biệt là ở địa bàn thành phố Vinh) đã xuất hiện những bất cập. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục thành phố Vinh đã có ý kiến phản hồi.
 
Một tiết học của khối lớp 1 Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1. Ảnh: Đức Anh
Liên quan đến vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo.
Giảm tiết là để giảm tiền đóng học 2 buổi/ngày
Theo ông Nguyễn Hồng Hoa, sau khi có văn bản hướng dẫn liên ngành gửi cho các địa phương về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đến nay các địa phương đã triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, qua thực tế cũng có những khó khăn nhất định.
Thứ nhất, bởi thời điểm này năm học 2018 - 2019 đã qua hơn 2/3 thời gian nên các trường, các địa phương lúng túng trong việc thay đổi thời khóa biểu. Điều đó khiến cho các trường khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, phụ huynh đưa đón con.
Thứ 2, trong hướng dẫn liên ngành, quan điểm xây dựng là bố trí tiết học để làm sao giảm tối đa việc thu tiền của phụ huynh.
Cụ thể, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn học 2 buổi/ngày là không quá 35 tiết/tuần. Tuy nhiên, do ngành muốn giảm số tiết/tuần để giảm số tiền đóng học buổi thứ 2.
Thứ 3, khi xây dựng định mức thu, ngành không quy định mức cụ thể cho từng trường. Thay vào đó, ngành chỉ quy định “thu để bù chi” nên mỗi trường tùy theo số lượng học sinh của mình mà đưa ra mức thu thích hợp. Vì vậy sẽ có hiện tượng trường nhiều học sinh hơn sẽ thu ít hơn, trường được bố trí nhiều giáo viên hơn sẽ thu ít hơn.
Từ thực tế này “chúng tôi phải chỉ đạo các trường có mức thu hợp lý, có thể những trường ít giáo viên sẽ dạy ít tiết hơn đảm bảo tỷ lệ mức thu của các trường tương đương nhau”.
Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học.
Việc xây dựng số tiết dựa theo khung chương trình 
Trao đổi về thực tế diễn ra trên địa bàn thành phố Vinh, ông Nguyễn Hồng Hoa cũng đã chia sẻ những bất cập khi có hiện tượng “cùng một trường học sinh khối lớp 1 và lớp 5, số tiết học tăng lên khác nhau dẫn đến vất vả cho phụ huynh khi đưa đón".
Nhưng, về phía ngành cũng có những khó khăn trong quá trình thực hiện khi bố trí số tiết. Bởi hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bản thân số tiết học của khối lớp 1 và lớp 5 đã chênh nhau 3 tiết (lớp 1 là 23 tiết/tuần và lớp 5 là 26 tiết/tuần).
Và khi xây dựng học 2 buổi/ngày, nếu bố trí số tiết bằng nhau giữa các khối 1, 2 và khối 3,4,5 thì học sinh lớp 1 phải học nhiều hơn (nếu học 32 tiết/tuần, học sinh lớp 1 phải học thêm 9 tiết, học sinh lớp 3,4,5 chỉ phải học thêm 6 tiết). Trong khi đó, học sinh lớp 1 số tuổi còn nhỏ và các em cần có thêm thời gian để chơi và tham gia các hoạt động khác.
Ngay cả chương trình phổ thông mới, Bộ cũng quy định số tiết lớp 5 so với lớp 1 nhiều hơn hiện nay (lớp 1, 2 chỉ 25 tiết/tuần, lớp 3,4,5 là 30 tiết/tuần). Vì vậy, xu thế sắp tới việc học sinh lớp 1 học ít tiết hơn và học sinh lớp 1 phải về sớm hơn học sinh lớp 5 là có thể xảy ra.
Ngành cũng lo ngại bởi “việc học nhiều hơn cũng buộc học sinh lớp 1 phải thu nhiều tiền hơn” vì giáo viên lớp 1,2 sẽ dạy nhiều số tiết hơn giáo viên khối 3,4,5 (như ở thành phố Vinh, trung bình mỗi tháng giáo viên lớp 1,2  sẽ phải dạy nhiều hơn các khối còn lại 12 tiết nếu đồng loạt dạy 32 tiết/tuần).
Để giải quyết vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: Sẽ nghiên cứu và thu thập nguyện vọng của phụ huynh và của các trường theo hướng đề xuất là số tiết học cơ bản vẫn giữ nguyên để đảm bảo số tiết học tăng thêm của các khối bằng nhau.
Bên cạnh đó, để đảm bảo thuận lợi cho phụ huynh có thể đón con đúng giờ cùng thời điểm thì các trường sẽ tổ chức thêm các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
 
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1
Ngay khi tiếp nhận văn bản mới, dù chưa triển khai chúng tôi đã thấy những bất cập. Thứ nhất là về khung thời gian, đã 8 tháng nay chúng tôi đã thực hiện một khung chương trình. Nay chỉ còn 1 tháng mà lại thay đổi.
Bất cập thứ 2 là chênh giờ giữa học sinh khối 3,4,5 và học sinh khối 1,2. Trong một nhà trường mà có 2 chế độ về thì bản thân nề nếp nhà trường cũng ảnh hưởng bởi người về thì ồn mà người học thì cũng phải mất một khoảng thời gian để ổn định. Hơn thế, việc về như vậy, chắc chắn phụ huynh đưa đón sẽ rất vất vả, nhất là trong thời điểm nắng nóng, căng thẳng.
Thực tế, chỉ một ngày thay đổi nhưng đã tạo sự bất an trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên, nhà trường và toàn xã hội.
Về phía nhà trường cũng thực sự áy náy về sự thay đổi này và mong sớm có sự điều chỉnh sao cho phù hợp và được lợi từ nhiều phía.
Sau một ngày thực hiện, chúng tôi cũng đã nhìn thấy những bất cập và đã có hội ý để tìm ra giải pháp, để làm sao vừa phù hợp với các văn bản hướng dẫn mà vẫn hợp lòng dân. Cụ thể, chúng tôi kêu gọi giáo viên bằng sự tự nguyện và bằng sự yêu trẻ thì mỗi tuần sẽ dạy thêm 2 tiết để hướng dẫn học thêm tại lớp.
Trong quá trình thực hiện, sẽ thông báo cho phụ huynh để các em trở về quy định cũ không bị xáo trộn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng, việc tạm thời này cũng chỉ được 3 tuần. Còn về lâu dài, nếu được tham mưu tôi nghĩ rằng nên có cơ chế “mở” giao tự chủ cho nhà trường tùy theo tình hình thực tế để xây dựng được chương trình đảm bảo cho học sinh học mà chơi, chơi mà học trong khuôn khổ nhà trường quản lý và đảm bảo khung chương trình, nhất là với đơn vị đặc thù như thành phố Vinh.
Tôi cũng cho rằng, nếu tăng số tiết cho học sinh 1,2 và phải tăng thêm tiền thì đây không phải là vấn đề quan trọng, dù mỗi tháng nộp thêm vài chục nghìn. Quan trọng nhất là vấn đề tuyên truyền, thấu hiểu để phụ huynh thấy được đồng tiền được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, tránh tình trạng lạm thu, lạm chi. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân trao đổi với PV.

Chiều ngày 22/4, trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Vinh cũng cho biết: Trước khi thực hiện thời khóa biểu mới phòng cũng đã lường trước được các vấn đề bất cập nảy sinh có thể gây khó khăn cho nhà trường và các phụ huynh. Chính vì thế, sau tuần đầu tiên thực hiện, phòng đã chỉ đạo cho các nhà trường lấy ý kiến của các phụ huynh. Trong đó, nếu phụ huynh có thể đón cháu thì nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các cháu về sớm. Trong trường hợp phụ huynh không có điều kiện đón trẻ thì phụ huynh sẽ thỏa thuận với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường để cùng phối hợp chăm sóc... Hiện, các nhà trường cũng đã sẵn sàng chia sẻ với phụ huynh những khó khăn này.

Mặc dù đã đưa ra các giải pháp nhưng phòng cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp “tình thế”. Trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ nghiên cứu và xây dựng phương án thiết thực hơn để trình Sở và có thể sẽ xin ý kiến về một cơ chế riêng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng kế hoạch cũng đang còn phải cân nhắc nhiều vấn đề và chỉ triển khai được trong năm học tới.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh