Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Nỗ lực chống gian lận
5/4/2019 7:37:23 AM

Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh tham gia ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đối với công tác ra đề thi, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Công an cử cán bộ an ninh phối hợp với các bảo vệ của Bộ trực tiếp bảo vệ vòng trong khu vực làm đề thi khoảng thời gian cuối tháng 5/2019 đến hết ngày 27/6.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Nỗ lực chống gian lận - 1

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: Phạm Quang Vinh)

Đó là nội dung văn bản Bộ GDĐT vừa gửi Bộ Công an về việc tham gia phối hợp, chỉ đạo trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm năm 2019. 

Siết công tác coi thi 

Mới nhất, Bộ GDĐT cũng đã điều chỉnh, bổ sung 5 điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Điều này nhằm hoàn thiện và ổn định thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2019; khắc phục tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử, tuyển sinh. Năm nay, Bộ GDĐT quyết định giao cho các trường ĐH coi thi và chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2019 thay vì để địa phương làm như kỳ thi năm ngoái nhằm chống gian lận. Để phục vụ cho kỳ thi năm nay, nhiều trường ĐH đã tuyển chọn những cán bộ đủ tiêu chuẩn tham gia coi và chấm thi, trong đó nhấn mạnh tới yếu tố “tinh thần trách nhiệm cao”.

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: Năm nay Bộ GDĐT giao cho trường coi và chấm thi tại tỉnh Thanh Hoá thay vì Hà Nội như năm 2018. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa hiện có khoảng 1.100 giảng viên, tiêu chí để được chọn đi coi thi, chấm thi phải là giảng viên. Ngoài ra, coi thi, chấm thi phải là người không có con dự kỳ thi năm nay; không trong thời gian đi công tác và không trong thời gian điều trị bệnh. Những người làm công việc hành chính tại trường nếu được điều động sẽ chỉ để trợ giúp.

Theo ông Tớp, các biện pháp chống gian lận như trộn thí sinh lớp 12 hệ THPT thường với thí sinh tự do và thí sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên hay việc lắp camera 24/24 phòng chấm thi... là những giải pháp tốt. Tuy nhiên, nếu những người thực hiện thiếu tinh thần trách nhiệm cao thì vẫn sẽ có thể xảy ra gian lận như kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền,  PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện cũng chia sẻ: Tiêu chí lựa chọn cán bộ coi thi, chấm thi năm nay của trường đầu tiên phải là những người có tinh thần trách nhiệm cao và có kinh nghiệm trong việc coi thi, chấm thi. Trước đó, năm 2018, nhà trường được giao coi thi tại Lạng Sơn với khoảng 200 cán bộ. Năm 2019 nhà trường được giao coi và chấm thi tại Sơn La. Hiện trường đã cử người đi tập huấn để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm nay. Đồng tình trước những nỗ lực của ngành giáo dục nhằm ngăn chặn gian lận thi cử, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để giải quyết được triệt để gian lận trong các kỳ thi, thì vấn đề cuối cùng vẫn nằm ở yếu tố con người. 

Sẽ chấm lại những bài tự luận điểm cao

Trước những băn khoăn về việc kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GDĐT vẫn giao cho các sở GDĐT chấm thi tự luận môn Ngữ văn, ông Mai Văn Trinh -  Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết: Trên thực tế, các trường ĐH đủ năng lực để chấm thi môn Ngữ văn không nhiều, nên khi giao cho trường ĐH thì vẫn phải mời giáo viên của các sở GDĐT tham gia chấm. Do đó, việc vẫn tiếp tục giao cho các sở GDĐT chấm thi Ngữ văn là phù hợp với thực tiễn. Theo quy chế, chấm thi tự luận năm nay  Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện chấm theo 2 vòng độc lập. Cán bộ chấm thi lần thứ nhất và cán bộ chấm thi lần thứ 2 ngồi ở 2 phòng chấm thi khác nhau.

Cùng với đó, quy định cán bộ chấm thi cũng rất chặt chẽ, cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm bài thi có phiếu chấm cá nhân; cán bộ chấm thi lần thứ 2 chấm trên bài thi, phiếu ghi điểm; thứ tự việc ghi điểm của cán bộ chấm 2, cán bộ chấm 1 và thư ký trên phiếu ghi điểm. Đặc biệt, tổ chức nhập điểm thi cũng theo 2 vòng độc lập; lập biên bản đối sánh kết quả chấm 2 vòng nhập điểm, kiểm tra và nhập lại điểm của trường hợp có sai lệch điểm thi. Tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận sẽ lựa chọn những bài thi điểm cao của hội đồng thi để chấm kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp sai phạm có thể xảy ra.

Về cải tiến phần mềm chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho biết đây là một trong những nội dung Bộ GDĐT tập trung thực hiện trong thời gian qua và đến nay đã sẵn sàng. Năm 2019, việc quét bài thi là sẽ quét theo từng túi bài thi của từng phòng. Quét xong túi bài thi của phòng nào thì kiểm đếm niêm phong, sau đó mới quét tiếp các túi bài thi của phòng thi khác. Về phần mềm chấm thi, thực hiện mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi bằng công nghệ cao để bảo đảm rất khó có thể can thiệp. Đặc biệt, sẽ tiến hành đánh phách điện tử bài trả lời trắc nghiệm của thí sinh, bảo đảm không có mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với kết quả bài làm. Phần mềm chấm thi cũng lưu vết toàn bộ hoạt động và chỉ những người có trách nhiệm mới có thể mở, đọc được thông tin trên đó; đảm bảo mọi can thiệp vào phần mềm đều được kiểm soát và xử lý.  

Trong văn bản gửi Bộ Công an về việc phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GDĐT đề nghị: Công tác coi thi và chấm thi, Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, theo đề nghị của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và các Hội đồng thi, bố trí đủ lực lượng để tổ chức công tác bảo vệ, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn địa điểm coi thi, chấm thi theo lịch thời gian quy định. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành vi tiêu cực hoặc tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, góp phần đảm bảo kỷ cương và công bằng trong kỳ thi.

Theo Dân Trí

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh