Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân”
5/17/2019 7:18:02 AM

“Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng nhưng đồng thời ai sai thì phải yêu cầu sửa. Kinh tế Nhà nước cũng thế, có nhiều mặt tốt nhưng vừa qua cũng có nhiều thất thoát…”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 ngày 16/5, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn các uỷ viên Trung ương đã dành cho ông tình cảm trừu mến, thân thiết, và luôn luôn ủng hộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thực hiện tốt những nhiệm vụ trong thời gian vừa qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân” - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII

Gợi mở hướng thảo luận về việc chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư lưu ý văn kiện trung tâm là báo cáo chính trị, cùng với đó là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh, để làm nền, có cách nhìn toàn diện, tổng thể để chúng ta định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới để thực hiện có hiệu quả cương lĩnh. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Trung ương quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh kỳ này.

Song song 2 báo cáo này còn có 2 báo cáo chuyên đề là báo cáo về kinh tế - xã hội và báo cáo chuyên đề thứ 2 rất quan trọng là Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội sắp tới hay không.

“Nói chuẩn bị Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước”- Tổng Bí thư yêu cầu phải “hình dung” được đất nước vào năm 2030 sẽ thế nào, 2045 sẽ thế nào.

Tổng Bí thư nhắc lại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt 2 ngày trước, ông đã yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Nhận định đây là việc không dễ, Tổng Bí thư yêu cầu phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu.

Tổng Bí thư gợi ý một loạt câu hỏi cần trả lời: Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không hay đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc? vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Thu hút đầu tư nước ngoài thật nhiều, ký kết thật nhiều nhưng đầu tư vào đây thì sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không?...

“Hôm qua tôi có nói, đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng nhưng đồng thời ai sai thì phải yêu cầu sửa. Kinh tế Nhà nước cũng thế, có nhiều mặt tốt nhưng vừa qua cũng có nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?...” – Tổng Bí thư gợi ý những vấn đề cần bàn.

Tổng Bí thư cũng nhắc lại 8 vấn đề khó, phức tạp ông từng khái quát sau những cuộc đi khảo sát, nghiên cứu các báo cáo của địa phương đưa lên. Theo đó, những vấn đề phải hình dung TPHCM, Hà Nội 10-15 nữa ra sao, nội hàm thành phố thông minh thể hiện thế nào, đánh giá mức độ chuyển hướng thành nước công nghiệp đến đâu… đều khó trả lời.

Vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước nói thêm: “Tôi cũng muốn nhấn thêm một số ý này để các đồng chí thấy vị trí, yêu cầu, tính chất rất quan trọng của Đại hội sắp tới. Tại Đại hội, nhân sự là rất quan trọng và rất khó rồi, nhưng vấn đề nội dung này càng quan trọng hơn, để sau này khi Đại hội công bố ra, nhân dân thấy phấn khởi, tin tưởng vào đường lối của Đảng”. Ông đề nghị đổi mới cách làm, đổi mới một cách thực sự cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý, tận dụng tối đa trí tuệ của các tầng lớp nhân dân.

Về định hướng chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc, Tổng Bí thư cho rằng Bộ Chính trị cần ban hành Chỉ thị để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.

Tổng Bí thư khái quát, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị khoá XI, khẳng định những kết quả, bài học kinh nghiệm cần được kế thừa, phát huy; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khiếm khuyết cần rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh; xác định rõ những vấn đề thực tế đặt ra nhưng chưa có quy định, cần bổ sung thêm.

Bàn về dự thảo Chỉ thị, Tổng Bí thư mong muốn Trung ương tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đại hội đảng bộ các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp uỷ, đặc biệt là yêu cầu về phẩm chất, năng lực, cơ cấu, số lượng cấp uỷ các cấp; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc; độ tuổi tham gia cấp uỷ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và về bầu cử cấp uỷ...

Theo Dân Trí

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh