Chỉnh trang cảnh quan tại các tuyến phố đi bộ
Thành phố Vinh đang có kế hoạch chi tiết về đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị tại các tuyến phố đi bộ.
Theo đó, để đảm bảo môi trường không gian phố đi bộ được sạch sẽ và mát mẻ, khoảng thời gian 30 phút trước khi vận hành phố đi bộ cũng như hết thời gian vận hành phố đi bộ, thành phố Vinh sẽ tổ chức phun nước tưới làm sạch dọc 2 bên vỉa hè và lòng đường 4 tuyến phố.
Thành phố sẽ xin ý kiến tỉnh để đầu tư cải tạo lại vỉa hè phố đi bộ trên đường Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Văn Cừ; đồng thời rải thảm nhựa và nâng cấp, chỉnh trang lại đường và vỉa hè Nguyễn Tài, đường Nguyễn Trung Ngạn và một số tuyến phố lân cận.
Cùng với cải tạo lại hạ tầng, thành phố sẽ trồng thêm cây xanh và một số vườn hoa tại các tuyến phố đi bộ. Theo định hướng, phố đi bộ tại Nguyễn Văn Cừ là phố mua sắm, đường Hồ Tùng Mậu sẽ là không gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa, có khu vực để tham quan đọc và mua sách.
Cùng với đường Hồ Sĩ Dương sẽ là phố ẩm thực về các món lươn xứ Nghệ, dự kiến đường Nguyễn Tài và mặt kênh sẽ được cải tạo lại để trở thành không gian cho các sinh hoạt văn hóa ẩm thực.
Đường Nguyễn Tài (dự kiến sẽ là phố ẩm thực) đang bị xuống cấp, cần được cải tạo. Ảnh: Quang An
Ông Nguyễn Thanh Chương, Khối trưởng khối 1, phường Trường Thi cho biết: Để đường Nguyễn Tài có thể trở thành phố ẩm thực, TP.Vinh cần nâng cấp, đồng bộ lòng đường, vỉa hè con đường này vì hiện nay đã xuất hiện nhiều điểm xói lở, xuống cấp. Bên cạnh đó, cần tính toàn điểm tập kết rác hợp lý, không thể để người dân đổ rác ô nhiễm ngay đầu đường Nguyễn Tài giao với đường Nguyễn Văn Cừ như thời gian qua.
Đồ họa: Quang An
Các hộ kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh sau những tối tổ chức phố đi bộ
Để phục vụ nhu cầu vệ sinh cho khách đi bộ, thành phố sẽ khảo sát lại hiện trạng hệ thống các nhà vệ sinh dọc 4 tuyến phố đi bộ, trong đó chú ý đến các điểm vệ sinh công cộng tại các điểm nhà hàng, quán cà phê dọc 2 bên đường phố đi bộ để định hướng chỉ đạo để các chủ sở hữu cải tạo, mở rộng thêm nhằm khai thác cho mục đích đi bộ khi lượng khách tăng lên.
Nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn của 1 nhà hàng tại đường Hồ Tùng Mậu, có thể đáp ứng nhu cầu cho du khách. Ảnh: Quang An
Tuy nhiên, theo khảo sát của P.V, hiện nay đa số các nhà vệ sinh của các nhà hàng, quán ăn, cà phê trên 4 tuyến phố triển khai đi bộ đều khá nhỏ hẹp, trong khi quỹ đất để mở rộng hiện không còn nhiều, do đó sẽ khó khăn cho việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng các nhà vệ sinh.
Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, thành phố cũng định hướng các hàng quán, nhất là hàng quán ẩm thực khi đăng ký kinh doanh dịch vụ tại các tuyến phố đi bộ phải đảm bảo vệ sinh thực phẩm, có phương án cam kết đảm bảo yêu cầu vệ sinh tối thiểu cho mình và du khách trước, trong và sau khi hoạt động trong phố đi bộ.
Mặt khác, thành phố sẽ chỉ đạo các dịch vụ bán hàng lưu động tại các tuyến phố đi bộ phải có phương án, hướng dẫn cho khách về đảm bảo vệ sinh môi trường; ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị thành phố bố trí, tăng cường thêm nhân lực tại khu vực phố đi bộ để nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh đến từng khu vực; xây dựng ứng xử văn hóa, văn minh đối với môi trường, không vứt rác thải bừa bãi; đảm bảo dọn dẹp sạch phố đi bộ để ban ngày vẫn hoạt động bình thường.
Vấn đề thu gom rác thải kịp thời trên tuyến phố đi bộ là điều quan trọng. Ảnh: Quang An
Đối với hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, ngoài huy động nguồn lực xã hội hóa, thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ để các nhà hàng đầu tư lại vỉa hè, tham khảo kinh nghiệm tại các phố đi bộ lớn để bố trí thêm một số điểm công trình vệ sinh chung lưu động theo cự ly tuyến phố… Sau khi tổ chức phố đi bộ, các hộ dân kinh doanh phải tự thu gom rác thải xung quanh khu vực của mình mang ra điểm tập kết đúng quy định để công ty môi trường thu gom, hoàn trả lại mặt bằng nguyên vẹn vào sáng hôm sau.