Triều Tiên phóng tên lửa để “nhắc khéo” Mỹ - Hàn?
7/26/2019 7:13:33 AM
Phóng tên lửa tầm ngắn, Triều Tiên muốn “đánh thức” tiến trình đàm phán đang “dậm chân tại chỗ” và cảnh báo sẽ không để bị Mỹ-Hàn “qua mặt”.

“Đánh thức” tiến trình đàm phán “ngủ quên”

Theo các quan chức Hàn Quốc, sáng 25/7, Triều Tiên đã phóng  2 tên lửa tầm ngắn từ một khu vực hướng ra biển ở phía đông nước này. Tên lửa đầu tiên có tầm bắn 430 km trong khi tầm bắn của tên lửa thứ hai là 690 km. Động thái này khiến tương lai đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng ngày càng bấp bênh.

trieu tien phong ten lua de "nhac kheo" my - han? hinh 1
Phóng tên lửa tầm ngắn, Triều Tiên muốn “đánh thức” tiến trình đàm phán đang “dậm chân tại chỗ” và cảnh báo sẽ không để bị Mỹ-Hàn “qua mặt”. Ảnh: AP

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định Seoul coi cuộc phóng tên lửa lần này là "một mối đe dọa về quân sự và là hành động hủy hoại những nỗ lực xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên".

"Chính phủ Hàn Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình và yêu cầu Bình Nhưỡng dừng ngay các hành động không giúp gì cho nỗ lực giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên như vậy", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo khẳng định.

Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định với CNN rằng họ "nhận được báo cáo về một loại vật thể tầm ngắn được phóng từ phía Triều Tiên" song từ chối bình luận thêm.

Adam Mount, giám đốc Dự án Tình hình Quốc phòng hợp tác cùng Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ đã khẳng định sự xuất hiện của loại tên lửa tầm ngắn mới này là đáng lo ngại bởi các thiết bị như vậy thường được cho là "vũ khí tấn công hạt nhân".

"Nó rất thấp và rất nhanh, rút ngắn thời gian cảnh báo và ra quyết định. Những loại vũ khí như vậy có thể hữu ích trong tình huống đáp trả song nó thậm chí còn phù hợp hơn cho một cuộc tấn công hạt nhân. Đó là lý do tại sao chúng ta đều nhất trí cấm Các lực lượng hạt nhân tầm trung trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.

Vụ phóng tên lửa ngày 25/7 diễn ra trong bối cảnh Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton - một người có quan điểm cứng rắn về vấn đề Triều Tiên, thăm Hàn Quốc vào tuần này để thảo luận về các vấn đề chiến lược song phương và chỉ cách một vài ngày sau khi Triều Tiên công bố một số bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát tàu ngầm thế hệ mới của Triều Tiên với hàm ý thể hiện khả năng quân sự của Bình Nhưỡng.

Đây cũng là vụ phóng tên lửa mới nhất kể từ khi Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 6/2019 tại khu vực phi quân sự. Tuy nhiên, chuyến thăm được kỳ vọng cao này lại không thể tạo ra bất kỳ dấu hiệu thực tế nào cho tiến trình ngoại giao nhằm mục tiêu phi hạt nhân hóa như Mỹ tuyên bố.

"Chuyến thăm của ông Trump tới Bàn Môn Điếm không có ảnh hưởng thực tế. Hiện vẫn chưa sắp xếp được thời gian cụ thể cho các cuộc trao đổi cấp chuyên viên. Thay vào đó, họ vẫn đang thử nhau. Ông Kim "thử" bằng chuyến thăm tàu ngầm hạt nhân và vụ phóng tên lửa mới đây", Vipin Narang, giáo sư nghiên cứu về khoa học chính trị tại MIT nhận định với CNN.

Theo chuyên gia Narang, dựa trên những mô tả ban đầu sáng 25/7, ít nhất 1 trong 2 vật thể được phóng đi có thể là tên lửa đạn đạo chạy bằng nhiên liệu rắn. Triều Tiên từng tiến hành các vụ phóng tên lửa tương tự vậy vào tháng 5/2019, cũng là vụ thử tên lửa đầu tiên kể từ năm 2017. Các nhà phân tích nhận định, động thái trên của Triều Tiên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thất vọng và mất kiên nhẫn của ông Kim Jong Un với tiến trình trao đổi với Mỹ. Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã "đi vào ngõ cụt" kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Không muốn bị Mỹ - Hàn “qua mặt”

Vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên còn nhằm thể hiện phản ứng trước thông bảo hôm 20/7 rằng Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành tập trận chung vào tháng tới theo kế hoạch, bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng khi cho rằng việc này phá vỡ thỏa thuận mà Tổng thống Trump từng đưa ra với ông Kim.

 

Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung song hai bên đã tạm dừng hoặc giảm quy mô diễn tập như một nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Bình Nhưỡng.

 Nhà phân tích Narang đánh giá Triều Tiên "không có thái độ khiêu khích hơn so với trước đó" khi mức độ vụ phóng tên lửa mới nhất cũng chỉ tương tự so với hồi tháng 5, tuy nhiên ông Narang cũng khẳng định thêm, Bình Nhưỡng vẫn sẽ tiếp tục hành động theo kiểu "ăn miếng trả miếng".

Joel Wit, một nhà phân tích tại Trung tâm Stimson và là giám đốc của trang web chuyên phân tích về Triều Tiên 38 North nhất trí rằng các cuộc thử tên lửa hôm 25/7 sẽ không phải động thái cuối cùng mà Triều Tiên sẽ thực hiện.

Theo ông Wit, việc công khai các bức ảnh ông Kim thị sát tàu ngầm thế hệ mới của Triều Tiên không phải một sự ngẫu nhiên.

"Không phải ngẫu nhiên bức ảnh ông Kim đứng trước một tàu ngầm được công bố. Đó là cách để họ thể hiện rằng họ là những người cứng rắn, mạnh mẽ và sẽ không cúi mình trước bất kỳ ai". Chuyên gia Joel Wit nhận định, đồng thời kêu gọi Mỹ nên có sự phản ứng bình tĩnh.

Triều Tiên không hài lòng với cuộc tập trận chung theo kế hoạch giữa Mỹ và Hàn Quốc và cuộc thử tên lửa lần này có thể nhằm mục đích gửi thông điệp tới Washington về những điều sẽ xảy ra nếu các biện pháp ngoại giao sụp đổ.

Trong những ngày gần đây, Triều Tiên đang gây sức ép buộc Mỹ và Hàn Quốc phải dừng các cuộc tập trận chung. Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố sẽ chấm dứt việc dừng thử lên lửa tầm xa và hạt nhân trong 20 tháng để đáp trả các cuộc tập trận này. Tổng thống Trump luôn coi cam kết về vũ khí này là thành tựu lớn trong chính sách Triều Tiên của ông.

Trong khi đó, một số chuyên gia nhìn nhận các động thái gần đây của Triều Tiên là một nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm chiếm ưu thế trước khi nối lại đàm phán với Mỹ. Triều Tiên muốn dỡ bỏ nhiều hơn các lệnh trừng phạt để nước này có thể phát triển kinh tế song Washington luôn hối thúc Bình Nhưỡng cần thực hiện nhiều bước đi giải trừ vũ trang đáng kể hơn trước khi bàn đến việc dừng cấm vận.

"Triều Tiên coi Tổng thống Trump là hy vọng lớn nhất để được dỡ bỏ trừng phạt và đây là cách để họ nhắc nhở thế giới và Mỹ rằng Bình Nhưỡng vẫn là một quốc gia sở hữu hạt nhân, họ vẫn còn những việc chưa hoàn thành và họ muốn quay trở lại bàn đàm phán", nhà phân tích Rob McBride nhận định trên trang Al Jazeera.

Triều Tiên muốn “chơi bài ngửa” với Mỹ, rằng nếu Washington không có bất kỳ bước đi đáng kể nào phá vỡ thế bế tắc của tiến trình đàm phán thì Bình Nhưỡng sẽ đi con đường của riêng mình. Triều Tiên cũng thể hiện thái độ nước này sẽ không “làm ngơ” nếu Mỹ và Hàn Quốc định “qua mặt” nước này để nối lại tập trận chung

"Bằng cách thử tên lửa, nêu vấn đề tập trận chung Mỹ - Hàn và công khai về một loại tàu ngầm mới, Triều Tiên đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng: "Có thể sẽ không có các cuộc trao đổi cấp chuyên viên nữa nếu Mỹ không thể hiện một lập trường linh động hơn", cựu đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân Kim Hong-kyun nhận định.

Harry Kazianis - một chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Washington nhận định: "Triều Tiên rõ ràng không hài lòng khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị tập trận chung. Vì thế, Bình Nhưỡng đã từ chối sắp xếp thời gian cho các cuộc trao đổi cấp chuyên viên với Washington, không chấp nhận hỗ trợ lương thực từ phía Seoul và hiện đang nối lại các cuộc thử vũ khí - một động thái chắc chắn sẽ khiến căng thẳng leo thang”.

"Chúng ta không nên sốc trước động thái này. Thực tế là ta nên coi đây là điều sẽ xảy đến", nhà phân tích này cho biết thêm./

Theo VOV

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh