Từ những vở kịch hát kinh điển
Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh bắt đầu được định hình, Nhà hát dân ca Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ đã chuyển tải thành công vở “Cô gái sông Lam” của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong bằng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh. Từ kịch bản chuyển thể này, nhạc sỹ Thanh Lưu và các nhà biên kịch nhà hát đã cải biên trên nền dân ca cổ tới 31 ca khúc trong vở nhằm khắc họa tâm trạng nhân vật cũng như lời thoại. Điều bất ngờ nhất là vở kịch hát này được biên kịch cho loại hình chèo đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng, là vở diễn nức tiếng một thời, đã lấy rất nhiều nước mắt người xem, nhưng khi chuyển thể sang kịch hát chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh cũng đã lay thức lòng người bằng những khúc thức, phân cảnh đạt chuẩn chính kịch. Tính kịch được đẩy lên cao trào cho các tuyến nhân vật, trở thành vở kịch kinh điển nhất của kịch hát dân ca xứ Nghệ.
NSND Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: “Mỗi một tác phẩm chuyển thể từ dân ca, ví giặm cổ có nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, khắc họa tình yêu quê hương đất nước, đều được chúng tôi đầu tư công sức chuyển tải. Đặc biệt là mang đến những điều gần gũi nhất, dễ thẩm thấu nhất”. Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ đã trình diễn nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc điển hình là vở “Lời Người- Lời của nước non”, tác giả Vũ Hải, chuyển thể kịch bản An Ninh, đạo diễn NSND Hồng Lựu; hay vở kịch “Đầu bến sông” của Trần Hữu Thung, là những tác phẩm đưa kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng và dân ca xứ Nghệ nói chung lên một tầm cao mới, hiện đại, đương thời.
Trong vở “Lời Người -Lời của nước non”, nhiều đoạn cao trào như đoạn bà Nguyễn Thị Thanh - chị gái Bác Hồ ra thăm em được tác giả miêu tả lời tự sự dựa trên làn điệu dặm kể đã khắc họa đúng tâm trạng nội tâm nhân vật; miêu tả sự nhớ nhung xa cách, tình yêu đặc biệt của người chị gái quê nhà với cậu em trai yêu quý, sau mấy mươi năm xa cách. Có thể nói, đây là một trong những vở chính kịch thành công nhất của Trung tâm, khi đi biểu diễn ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ vùng, miền nào cũng khiến khán giả rưng rưng trước hình ảnh Bác Hồ. Vở kịch cũng là niềm tự hào của một thế hệ diễn viên Trung tâm, khi có những ngày tháng họ diễn không biết bao nhiêu lần, mà không lần nào không rơi nước mắt cùng khán giả.
“Trong vở kịch, người xem thấy trong đó sự vĩ đại lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thấy Bác Hồ gần gũi bao la đến nhường nào. Chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh được lồng ghép cải biên và sử dụng uyển chuyển trong vở kịch khiến người xem có cảm giác nếu không là dân ca xứ Nghệ thì không có loại hình nào đủ sức chuyển tải được”.
… Xuyên suốt chiều dài lịch sử
Về đề tài tình yêu Tổ quốc, không thể không nhắc tới sự thành công của vở kịch “Đầu bến sông” của tác giả Trần Hữu Thung. Đây là vở kịch mang tính sử thi, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha ta trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Theo nhạc sỹ Thanh Lưu - nguyên Giám đốc Nhà hát dân ca Nghệ Tĩnh: “Dù là vở kịch manh nha cho kịch hát dân ca xứ Nghệ nhưng nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều thế hệ quân và dân xứ Nghệ. Sau vở diễn, mỗi khi ngân nga những câu ví, câu giặm, xẩm trong vở kịch, chúng tôi đều thấy xúc động, thấy như được sống trong bối cảnh lịch sử đó”.
Có thể thấy rằng, qua mỗi giai đoạn lịch sử, dân ca xứ Nghệ lại đảm trách một sứ mệnh riêng, nhưng luôn chứa đựng tình yêu quê hương, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần ý chí quật cường của quân và dân xứ Nghệ. Những vở kịch được chuyển thể công phu trên nền dân ca xứ Nghệ thì phân khúc ca khúc và tổ khúc được các nhạc sỹ đầu tư để trình diễn ở nhiều không gian diễn xướng, được đón nhận nồng nhiệt, đảm bảo tính kế thừa và phát huy mạnh mẽ.
NSND Hồng Lựu cho biết: “Ở mỗi kỳ liên hoan ví, giặm nào chúng tôi đều được thưởng thức nhiều ca khúc, tổ khúc xuất sắc khắc họa tình yêu Tổ quốc, lòng yêu nước của người dân xứ Nghệ. Nếu đơn vị nào chọn những phân cảnh ngắn có nội dung này đều để lại trong lòng người xem những ấn tượng đẹp”.
Vì thế để ví, giặm trường tồn, trước hết trong sự lưu truyền của nó phải có sứ mệnh đương thời, phải chuyển tải được hơi thở cách mạng. Như vở diễn “Hoa lửa Truông Bồn” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ (tác giả chuyển thể NSUT An Ninh) vừa ra mắt đã cho người xem hiểu rõ hơn sự hy sinh lớn lao, ý chí quật cường của những TNXP trên tuyến lửa Truông Bồn. “Có những đêm diễn ở tuyến huyện mà chúng tôi khóc sưng cả mắt, dù hôm qua hôm kia vừa diễn. Bởi, chỉ cần vài lời thoại bằng ví, giặm trong một phân cảnh chia tay, nhìn xuống dưới khán đài nhiều khán giả sụt sùi” - NSND Hồng Lựu chia sẻ.