Tự hào là chiếc nôi đào tạo giáo viên sư phạm của Tỉnh
11/11/2019 7:50:45 AM
 
 

Năm 2019 đánh dấu 60 năm xây dựng và phát triển của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An – 1 trong 2 ngôi trường sư phạm địa phương đầu tiên của miền Bắc. Từ ngôi trường này, hơn nửa thế kỷ qua, đã đào tạo hàng ngàn thế hệ giáo viên và dù có trải qua bao thăng trầm trường vẫn luôn lấy chữ tín, lấy chất lượng đào tạo làm động lực và mục tiêu để phát triển.

 
 

Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, tiền thân là Trường Sư phạm Trung cấp Nghệ An, chính thức được đi vào hoạt động năm 1959 trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa.

Tại Nghệ An, việc thành lập ở thị xã Vinh một trường Sư phạm đào tạo giáo viên THCS  không chỉ là sự tiếp nối và bồi đắp thêm truyền thống hiếu học của vùng đất này, mà còn để trực tiếp đào tạo đội ngũ giáo viên, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển nhanh hơn nữa. Vào năm 1959, đây cũng là 1 trong 2 ngôi trường sư phạm địa phương đầu tiên của miền Bắc được thành lập.

Những trang tư liệu và lưu bút cũ của các thế hệ giáo viên, sinh viên nhà trường.
Những trang tư liệu và lưu bút cũ của các thế hệ giáo viên, sinh viên nhà trường.
 

Những ngày mới đi vào hoạt động, trường có vẻn vẹn 2 ngành đào tạo Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Lúc này, toàn thị xã Vinh đang hoang tàn sau những ngày tiêu thổ kháng chiến, nhưng xác định được vai trò của một ngôi trường đào tạo nguồn cho ngành sư phạm, nên tỉnh nhà vẫn ưu ái dành một trong vài căn nhà gạch hiếm hoi còn sót lại để làm nhà hiệu bộ cho nhà trường. Còn lại, khu nội trú, khu lớp học, hội trường… đều chỉ là tranh tre nứa mét. Khó khăn là vậy, nhưng sau 2 năm đi vào hoạt động đến cuối năm học 1959 -1960, khóa học đầu tiên đã được tốt nghiệp với 200 sinh viên được ra trường. Thế hệ sinh viên này sau đó đã được phân công đi làm nhiệm vụ các trường phổ thông trong toàn tỉnh và trở thành nòng cốt, từng bước xây dựng phong trào dạy và học ở các địa phương.

 

Cột mốc đánh dấu sự phát triển của nhà trường, đó là vào đầu những năm 70 khi nhà trường đã mạnh dạn nâng cấp đào tạo giáo viên từ hệ 7+3 lên hệ 10+3 để nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo. Nhờ sự thay đổi này, từ chỗ mỗi năm nhà trường chỉ tuyển được hơn 100 học sinh tốt nghiệp cấp III, sau đó tăng lên 300 rồi đến 700 học sinh. Song song với đó, các ban đào tạo hệ sư phạm 10+3 của trường cũng được mở rộng dần, từ chỗ 3 ban: Văn – Sử, Toán – Lý, Sinh – Địa – Kỹ thuật đến chỗ đào tạo nhiều ban mới như: Địa – Sinh, Sinh – Thể, Sinh – Hóa, Ngoại ngữ…

Sinh viên tham quan phòng truyền thống nhà trường.
Sinh viên tham quan phòng truyền thống nhà trường.
 

Việc đổi mới trong chương trình còn là bước chuẩn bị về đội ngũ cán bộ giảng dạy, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất để ngày 21/3/1978 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị đã ký quyết định chuyển trường từ Sư phạm 10+3 lên Trường Cao đẳng Sư phạm. Kết quả này là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu quá trình phấn đấu suốt hơn 20 năm của Nhà trường. Từ đó, vị thế của nhà trường đã được nâng lên rõ rệt, hòa chung vào trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước, với nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 2 đạt trình độ Cao đẳng Sư phạm. Ngay sau quyết định này, việc sáp nhập 2 Trường Sư phạm 10+3 Vinh và Sư phạm 10+3 thị xã Hà Tĩnh đã được thực thi trong năm học 1979 – 1980.

Nhớ về giai đoạn này, thầy giáo Lê Văn Đệ, nguyên là hiệu trưởng nhà trường kể lại: Trường vừa thành lập đã phải chịu sự tác động nghiêm trọng do ảnh hưởng giảm sút của kinh tế. Vì thế không chỉ riêng Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh nhà mà 29 trường khác trong cả nước cũng phải giảm chỉ tiêu, ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của nhà trường. Tuy nhiên, càng khó khăn tập thể nhà trường lại càng đoàn kết, quyết tâm tự tìm được bước đi thích hợp, vững chắc để đạt mục tiêu là xây dựng trường cao đẳng sư phạm trên quê hương Bác Hồ thành một địa chỉ đào tạo giáo viên tin cậy và chất lượng.

Niềm vui của các giảng viên trong ngày thành lập trường.
Niềm vui của các giảng viên trong ngày thành lập trường.
 

Với tôn chỉ, mục đích quan trọng trên, kể từ khi được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm đến nay, nhà trường cũng đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường sao cho ngày càng hiệu quả, bám sát với nhu cầu thực tiễn của cán bộ, viên chức và các đơn vị trong trường đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.

Chỉ tính từ năm 2014 đến năm 2019, trường đã có 5 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nâng số tiến sĩ của nhà trường lên 10 người, hàng chục cán bộ bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, cán bộ hoàn thành chương trình cao cấp lý luận chính trị. Hiện nay, Trường có hơn 200 cán bộ, giảng viên, trong đó có 1 phó giáo sư, 10 tiến sĩ, 175 thạc sĩ và 16 người đang làm nghiên cứu sinh. Nhà trường có 2 cơ sở với hệ thống giảng đường, nhà làm việc được trang bị máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn; có thư viện, sân thể thao, nhà tập đa năng; ký túc xá và hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm được trang bị đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu ăn ở, học tập, nghiên cứu và rèn luyện của cán bộ, học sinh và sinh viên.

Trong thời điểm này, công tác cán bộ, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên được nhà trường quan tâm.
Trong thời điểm này, công tác cán bộ, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên được nhà trường quan tâm.
 

Thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhà trường triển khai vững chắc quá trình chuyển phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, thường xuyên xây dựng, chỉnh lý, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên các cấp trung học cơ sở, tiểu học và mầm non đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông  mới; công bố chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu xã hội.

Nhà trường đang tập trung cho việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp dạy và học, cải tiến công tác thi cử nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, mở rộng liên kết đào tạo, quan hệ quốc tế, đặc biệt chú trọng xây dựng đổi mới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp học mầm non, tiểu học, THCS có trình độ kiến thức vững vàng, có kỹ năng nghiệp vụ thông thạo và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Trường CĐSP Nghệ An có hệ thống giảng đường, nhà làm việc được trang bị máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn.
Trường CĐSP Nghệ An có hệ thống giảng đường, nhà làm việc được trang bị máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn.
 
 

Kết quả kiểm định chất lượng, một lần nữa đã khẳng định vị thế, uy tín và chất lượng giáo dục của Trường CĐSP Nghệ An; khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức, học sinh sinh viên nhà trường; góp phần nâng cao nhận thức về công tác đảm bảo chất lượng của cán bộ, giảng viên nhà trường và là đòn bẩy quan trọng giúp nhà trường cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đây cũng được xem như lời cam kết về chất lượng đào tạo mà trường mang lại cho người học, các bên liên quan và xã hội, là căn cứ để nhà trường quyết tâm xây dựng và phát huy văn hóa chất lượng trong mọi mặt hoạt động của mình. Trường CĐSP Nghệ An hiện là trường thứ 5 trong hệ thống các trường cao đẳng toàn quốc đạt được thành tích này.

Kỷ niệm 60 năm thành lập, nhìn lại quá trình phát triển, các thế hệ cán bộ, giáo viên và sinh viên của nhà trường cũng rất tự hào về những thành quả của nhà trường. Hơn thế, dù có những thời điểm khó khăn nhất, chông gai nhất nhưng trường vẫn nỗ lực vượt qua và  liên tục là điểm sáng, là địa chỉ tin cậy để đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và sau này là đào tạo Tiếng Việt cho học viên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Giờ thực hành của sinh viên ngành cao đẳng mầm non.
Giờ thực hành của sinh viên ngành cao đẳng mầm non.
 

Nói về nhiệm vụ sắp tới, PGS.TS Lưu Tiến Hưng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay nhà trường đang xây dựng các đề án nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có chất lượng cao và hệ thống trường lớp, CSVC hiện có như đề án thành lập trường phổ thông thực hành sư phạm và trường phổ thông có nhiều cấp học ở cơ sở 2 tại phường Hưng Bình. Bên cạnh đó, trường tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng cấp toàn diện Trường CĐSP Nghệ An, giai đoạn 2010 – 2020,  xây dựng trường trở thành trường đào tạo đa ngành, lấy việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên làm nhiệm vụ chủ yếu.

Tập thể nhà trường cũng tin tưởng, qua hơn nửa thế kỷ phấn đấu bền bỉ, với những bài học kinh nghiệm quý báu, Trường CĐSP Nghệ An sẽ vẫn tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh của mình trên sự nghiệp trồng người và tự tin đón nhận những cơ hội để phù hợp với xu thế hội nhập phát triển, theo đúng với tinh thần đổi mới giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

 
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh