Thầy giáo Phan Huy Dũng: "Muốn đổi mới phải cầu tiến, khát khao học hỏi"
11/19/2019 4:09:41 PM
 
 

Về ngày 20/11, chị đã nói đến hai chữ “tôn vinh” mà hầu như ai cũng nói và điều đó chẳng có gì sai cả. Nhưng riêng tôi, mỗi khi nghĩ đến ngày ấy, tôi lại sợ, vì phải thêm một lần đối mặt với tình trạng mong manh của danh tiếng “ông thầy”. Nhiều cái hay được bộc lộ mà không ít cái dở cũng cùng lúc được phô bày. Làm sao để mỗi người thầy thoát khỏi ảo tưởng về cái gọi là sứ mệnh cao quý mà mình đang mang gánh và thể hiện được cách xử sự trầm tĩnh trước vòng vây của hoa và… quà? (hoa, quà vừa hiểu theo nghĩa trần trụi, vật chất, vừa hiểu theo nghĩa bóng). Nói thật, tôi ngại hoa và hãi quà, vì hoa thì bây giờ quá sẵn, lúc nào muốn cũng có thể tặng được, chẳng cần có lý do gì đặc biệt, và quà thường là làm phiền cho cả hai phía – phía người tặng và phía người nhận. Tôi không cho việc giáo viên tự hào về “sứ mệnh” của mình là một việc đáng khuyến khích. Nghề giáo cũng là một nghề như mọi nghề khác, có những đòi hỏi riêng (đôi khi nghiêm ngặt) mà anh phải làm tròn để được trả lương. Hãy để cho thầy giáo được sống bình thường, đừng đặt ra những đòi hỏi phi lý với họ để rồi có lúc bực bội vì chính những điều mình tưởng là chân lý ấy.

 
 

Đúng như chị nói, nghề giáo trong giai đoạn hiện nay gặp quá nhiều khó khăn: Lương chẳng có gì hấp dẫn; sự trọng thị của xã hội giảm sút ghê gớm; dường như giáo viên bị cuốn vào một vòng xoáy rối bời, không thể đứng yên nhưng không biết làm gì để thoát khỏi tình trạng lùng nhùng… Lắm khi, giáo viên bị xem như tội đồ, là nguyên nhân của nhiều suy thoái, hư hỏng (chí ít là của học sinh).

Trong bối cảnh ấy, mấy ai còn can đảm lựa chọn ngành sư phạm, đặt cược tương lai của mình vào đó? Chưa cần nhìn đâu xa, cứ xem sự lựa chọn nghề nghiệp của nhiều con em giáo viên thì biết. Cũng vẫn có những gia đình xem nghề giáo là nghề truyền đời, kéo qua nhiều thế hệ, nhưng những trường hợp như thế ngày càng thưa vắng. Nguyên nhân của những hiện tượng nêu trên có nhiều, không ai vô can, nhưng đừng quy tất cả lỗi cho ngành giáo dục. Giáo dục là chiếc gương soi của xã hội, phản chiếu rõ nét mọi sự bất toàn có thực trong cuộc sống này. Cũng như ở mọi ngành, trong ngành giáo dục, người có năng lực và tâm huyết chưa bao giờ thiếu. Đó là vốn quý mà ta có thể đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng có một sự thực là càng tâm huyết bao nhiêu, người ta càng muốn cất tiếng phàn nàn bấy nhiêu. Vẫn biết, phàn nàn hay thở than luôn là cách bộc lộ tình cảm, thái độ tiêu cực, nhưng những người lãnh đạo ngành cần tiếp nhận nó với thái độ sáng suốt, chia sẻ, để từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý nhằm tháo gỡ những ách tắc.

 

Thú thực, tôi không biết tôi có đủ thẩm quyền trả lời câu hỏi này hay không? Để trả lời nó, phải có thừa sự tự tin vào mình, mà ở tôi, điều đó quả là rất thiếu. Dạy lâu năm thì tự nhiên trở thành “thầy” của nhiều thầy thôi, chẳng có điều gì lạ. Hai chữ “thâm niên” không phải bao giờ cũng nói lên được một cái gì thật có ý nghĩa đâu. Mọi lời khen dành cho mình (nếu có), tôi ít bận tâm, chẳng thấy tự hào, cũng không sung sướng, vì tôi biết, để xứng với lời khen “thật” (nói thế vì có những lời khen không thật, chỉ mang tính chất xã giao), người ta phải có một sự nỗ lực to lớn, suốt đời, và “phải” đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt khác nữa. Dễ dàng đón nhận rồi dễ dàng thỏa mãn thì tự mình sẽ biến mọi lời khen thành sự mỉa mai.

Tôi sống không nhiều tham vọng, chỉ cố gắng làm người tử tế, nuôi dưỡng sự tử tế. Dĩ nhiên, để tử tế được cũng khó lắm, vì ngoài thái độ ứng xử nhân ái, vị tha, phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung, người thầy rất cần phải giỏi (ở đây tôi chưa nói đến tác động nghịch chiều của môi trường sống). Nếu anh không giỏi nghề, cái tử tế của anh đã hao đi một nửa, vì nghề bắt buộc anh phải có được điều đó. Tất nhiên, muốn định nghĩa thế nào là giỏi nghề (ở đây là nghề giáo), cần phải có nhiều thời gian để suy ngẫm và nói ra.

 

Hãy giả định việc học sinh ngại học Văn là điều có thực, thì theo logic, không thể không nói đến nguyên nhân từ phía giáo viên. Sở dĩ tôi dùng từ “giả định” là vì việc tìm hiểu một thực trạng luôn đòi hỏi phải đi qua khâu khảo sát cẩn thận. Ngay khái niệm “ngại học Văn” cũng cần được làm rõ, để thoát khỏi sự chi phối của những ấn tượng cảm tính. Học sinh có thể ngại học Văn trong nhà trường, không thích cách dạy Văn mà các thầy các cô vẫn triển khai, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các em chán môn Văn hay thờ ơ với Văn học nói chung. Khi nói điều này, có thể nhận thấy ngay rằng cái gọi là “không còn mặn mà với văn học” chỉ là một khả năng có thể xảy ra. Nếu nó xảy ra thật, tôi cho cũng chẳng có gì nghiêm trọng, thậm chí tốt nữa là khác, vì nó góp phần chỉ ra cái bất ổn trong cách dạy của giáo viên, cái chưa được của chương trình và cái bệ rạc của nhiều thứ liên quan khác nữa. Làm gì có chuyện chương trình hay, giáo viên tâm huyết và có phương pháp dạy học tốt mà học sinh chán học bao giờ?

 

Quả là hiện nay tôi đang tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa Ngữ Văn THCS và THPT theo Chương trình mới. Công việc này có những đòi hỏi gắt gao về tiến độ, khiến tôi và những người cùng tham gia phải tranh thủ tối đa thời gian để hoàn thành công việc. Chương trình mới dĩ nhiên có nhiều điểm mới, không phải về tiểu tiết mà về triết lý, quan niệm, mô hình. Nó đặt ra cho người viết sách giáo khoa rất nhiều thách thức, tiếp đó, cũng sẽ đặt ra cho người thực thi, là đội ngũ giáo viên, những thách thức tương tự. Phần tôi, tôi muốn góp phần nhỏ vào việc xây dựng một bộ sách giáo khoa có thể tạo nên sự kết nối tốt đẹp giữa tri thức [trong sách] với cuộc sống, tạo nên một động lực để thúc đẩy việc tự học và học tập suốt đời. So với đòi hỏi của cuộc sống, những gì được dạy ở nhà trường là quá ít (vì không thể khác), do vậy, điều quan trọng là nhà trường phải xây dựng được cho học sinh một thái độ sống chủ động, một phương pháp hoạt động hữu hiệu để học sinh khi ra đời tự mình tích lũy tri thức, tự mình giải quyết được các vấn đề đặt ra cho bản thân.

Chị hỏi: “Phải làm gì để bộ môn Ngữ văn trở về với giá trị thực của nó?”. Tôi nghĩ câu hỏi này tưởng đơn giản mà không đơn giản, vì cái gọi là “giá trị thực” ấy không phải ai cũng hiểu giống nhau. Khái niệm “chất văn” mà người ta thường nhắc là một khái niệm khá tù mù. Cách nay hơn chục năm, có bao nhiêu người đã phản đối luận điểm nói về tính chất công cụ của môn Ngữ văn (bên cạnh một số tính chất quan trọng khác). Nhưng bây giờ, điều này đã được chấp nhận như một sự hiển nhiên. Qua dạy học Ngữ văn, năng lực văn học và năng lực ngôn ngữ được bồi đắp, phát triển. Điều quan trọng chưa phải là nhớ, hiểu về tác phẩm này, tác phẩm kia với tư cách là một đơn vị sáng tác cụ thể, mà phải nắm được chìa khóa để mở vào nhiều tác phẩm văn học khác mà học sinh sẽ gặp trong đời và tự lựa chọn cho mình theo sở thích và quan niệm thẩm mỹ riêng của họ. Nhà trường không đọc hộ văn học cho học sinh. Nhà trường chỉ tạo tiền đề, cơ sở tốt đẹp cho việc đọc ấy.

 

Với tư cách là người tham gia biên soạn sách giáo khoa, tôi thực sự lo lắng về đội ngũ giáo viên – đối tượng sẽ sử dụng sản phẩm này và đưa tư tưởng mới của Chương trình giáo dục phổ thông vào cuộc sống. Nhiều cuộc tập huấn đã được tổ chức, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Thói quen dạy học cũ là một lực cản. Nhưng tinh thần cầu tiến, khát khao tri thức, khát khao học hỏi mới là điều đáng nói hơn, vì không có nó, người ta sẽ chẳng thiết tha gì với việc đổi mới, nhất là khi tinh thần làm việc cầm chừng, cốt qua ngày, có vẻ ngày càng phổ biến, trở thành trạng thái sống quen thuộc của không ít người.

Nói chuyện này lại đụng đến những chuyện khác ở tầm vĩ mô, cho nên, muốn cải thiện tình hình phải cần đến một giải pháp tổng thể, bắt đầu từ việc xem xét lại những vấn đề cơ bản nhất, mang tính sống còn. Dĩ nhiên, các trường đại học sư phạm hoặc các trường đại học có mở ngành sư phạm đã sẵn sàng cho việc bồi dưỡng hay đào tạo lại đội ngũ giáo viên, vì dù sao, đây cũng là cơ hội tồn tại của nó trong thời điểm khó khăn. Nhưng một khi người ta không muốn vượt thoát trạng thái sống đã nói ở trên, thì công cuộc đào tạo lại chắc cũng chỉ thu được những kết quả ít ỏi, và không chừng, nó chỉ được nhìn nhận như một sự phiền phức, bồi thêm vào muôn sự phiền phức vốn có của cuộc đời. Nói gọn lại, công cuộc đổi mới giáo dục sẽ không thành công, cái hay của chương trình sẽ chỉ nằm trên giấy, nếu chất lượng đội ngũ giáo viên không được nâng lên.

 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh