Biển Đông là một trong các điểm nóng đối đầu trong quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm cuộc chiến thương mại, các lệnh trừng phạt của Mỹ, vấn đề Hong Kong và Đài Loan.  Hồi đầu tuần, trong một cuộc gặp cấp cao, Trung Quốc kêu gọi quân đội Mỹ ngừng “phô trương cơ bắp” ở Biển Đông và tiếp thêm “những bất trắc mới” về vấn đề Đài Loan, vùng  lãnh thổ Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai của mình.

Hải quân Mỹ thường xuyên khiến Trung Quốc khó chịu khi tiến hành các chiến dịch mà họ gọi là “tự do hàng hải” bằng cách cho tàu chiến tới gần một số thực thể trên Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm giữ hoặc cải tạo trái phép, khẳng định quyền tự do tiếp cận các vùng hải lộ quốc tế.

Hôm thứ Tư, tàu tác chiến ven biển Gabrielle Giffords đi vào vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép-PV), người phát ngôn Hạm đội 7 Mỹ, tư lệnh Reann Mommsen nói với Reuters.

 

Hôm thứ Năm, tàu khu trục Wayne E. Meyer đã tới gần quần đảo Hoàng Sa để thách thức “các hạn chế đi lại”, tư lệnh Mommsen nói. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ tay Việt Nam cộng hòa từ năm 1974.

“Các nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và chứng minh cam kết của chúng tôi về việc duy trì các quyền, sự tự do và việc sử dụng đúng pháp luật các vùng biển, vùng trời được đảm bảo đối với  mọi quốc gia”, bà Mommsen nói.

Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền vô căn cứ đối với hầu hết diện tích Biển Đông, việc bị nhiều nước trong khu vực và trên thế giới phản đối.

Mỹ cáo buộc Trung  Quốc quân sự hóa Biển Đông thông qua các tiền đồn, các đảo nhân tạo và cố tìm cách đe dọa các nước láng giềng khi họ muốn khai thác dầu mỏ và khí gas.

“Chúng tôi thúc giục (Mỹ) dừng những hành động gây hấn để tránh các tai nạn không lường trước”, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam của quân đội Trung Quốc nói trong một văn bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng bày tỏ sự tức giận, nói rằng họ đã có phản ứng mạnh mẽ về hoạt động của tàu chiến Mỹ. “Hành động  của phía Mỹ hủy hoại nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và sự an toàn, phá hủy hòa bình và ổn định ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông) và chúng tôi cực lực phản đối”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo hôm qua.

“Ngày càng nhiều chiêu trò”

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gặp kín với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề một hội nghị bộ trưởng quốc phòng diễn ra tại Bangkok, Thái Lan.

Theo lời một phát ngôn viên Trung Quốc, trong cuộc họp kín, ông Ngụy đã thúc giục ông Esper dừng “khoe cơ bắp ở biển Đông và không kích động, leo thang căng thẳng ở Biển Đông”.

Nhưng ông Esper cáo buộc lại Bắc Kinh, rằng “Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều chiêu trò ép buộc và đe dọa nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của họ” tại khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Ba nói Mỹ đang gia tăng thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc.

Mỹ “phản đối mọi nỗ lực của bất cứ quốc gia nào trong việc ép buộc hay đe dọa để giành lấy lợi ích quốc tế trong khi các nước khác phải chịu thiệt”, ông Esper nói trong chuyến thăm Philippines, một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ông cũng thúc giục các quốc gia ở Biển Đông tuyên bố khẳng định chủ quyền để “đưa Trung Quốc về con đường đúng đắn”.

Theo Tiền Phong