Cuộc cạnh tranh địa chính trị diễn ra giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực ngày càng gay gắt
Báo cáo đánh giá rủi ro thường niên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch (DDIS) hôm 29-11 cho hay: "Cuộc cạnh tranh quyền lực của các cường quốc đang được định hình giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng mức độ căng thẳng tại Bắc Cực".
Đáng chú ý, báo cáo của DDIS cho rằng Trung Quốc đang tăng cường sử dụng các nghiên cứu khoa học ở Bắc Cực để mở đường xâm nhập khu vực này. Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc, tự nhận là một "quốc gia gần Bắc Cực", có tham vọng giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác, cũng như đẩy nhanh hoạt động thương mại ở tuyến đường biển phương Bắc, còn gọi là "Con đường tơ lụa Bắc Cực". Hồi năm 2017, Bắc Kinh đã đưa các tuyến đường này vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của mình, nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua các dự án và nghiên cứu cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu ở Bắc Cực. Nhưng người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch Lars Findsen cho biết các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực không chỉ là vấn đề khoa học mà còn nhằm phục vụ cho "mục đích kép". "Chúng tôi đã giám sát hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực và nhận thấy quân đội Trung Quốc đang có sự quan tâm ngày càng tăng ở khu vực này" - ông Findsen nhấn mạnh.
Quan chức này từ chối nêu tên các đoàn nghiên cứu có quân đội Trung Quốc tham gia nhưng chỉ ra những bằng chứng trong những năm gần đây báo hiệu một "diễn biến mới". Báo cáo của DDIS nêu rõ: "Có khả năng đây là một phần trong quá trình tích lũy kiến thức của Trung Quốc về Bắc Cực và năng lực hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực này sẽ diễn ra với sự kết hợp của cả yếu tố quân sự lẫn dân sự".
Đan Mạch đến nay vẫn khẳng định quan tâm hàng đầu của nước này là gìn giữ Bắc Cực như một lĩnh vực hợp tác quốc tế và giải quyết bất kỳ vấn đề tiềm năng nào thông qua đàm phán giữa các nước nằm trong khu vực Bắc Cực. Tuy nhiên, Đan Mạch khó có thể đạt được mục tiêu này khi Nga cũng đang tăng cường khả năng quân sự ở Bắc Cực. Báo cáo của DDIS cho hay: "Đó là một động lực khiến nhiều quốc gia ven Bắc Cực bắt đầu củng cố khả năng quân sự tại khu vực". Chưa dừng lại đó, chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ được công bố vào tháng 6 năm nay cùng với những ý kiến công khai từ các quan chức chính phủ và quốc phòng cấp cao đã góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cáo buộc Nga có hành vi gây hấn tại Bắc Cực và các hành động của Trung Quốc tại khu vực này cần phải được theo dõi chặt chẽ. Sự quan tâm của Mỹ đối với Bắc Cực ngày càng tăng, được nhìn thấy rõ hơn hết hồi tháng 8 khi Tổng thống Donald Trump đề nghị mua Greenland của Đan Mạch. Đề nghị này nhanh chóng bị chính phủ Đan Mạch và chính quyền Greenland bác bỏ.
Trong khi đó, ông Nikolai Korchunov, Đại sứ phụ trách hợp tác quốc tế ở Bắc Cực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, mới đây cho rằng Mỹ có tham vọng đạt được uy thế quân sự để kiểm soát tài nguyên và các tuyến đường vận tải ở Bắc Cực trong khi cáo buộc Nga và Trung Quốc là mối đe dọa để biện hộ cho những bước đi này.
Chẳng hạn, Mỹ đang phát triển phần phía Bắc của hệ thống tên lửa toàn cầu và lên kế hoạch triển khai thêm 20 tên lửa đánh chặn vào năm 2023, bổ sung vào 44 đơn vị đang hoạt động hiện nay. Song song đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định thành lập một bộ chỉ huy Bắc Cực và Đại Tây Dương trong khi các cuộc diễn tập của NATO ở Bắc Cực đang dần trở nên thường xuyên hơn với quy mô lớn. Chưa kể, hạm đội thứ hai của Hải quân Mỹ đã được tái kích hoạt.