Việt Nam sẽ phát huy sứ mệnh ngoại giao khi làm Chủ tịch ASEAN 2020
12/6/2019 7:36:55 AM
 Chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế và xây dựng quan hệ đối tác song phương thiết thực sẽ là điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tại Hội thảo Quốc tế “Duy trì hoà bình trong thời kỳ biến động: Hướng tới khả năng thích ứng và tự cường cao hơn của khu vực” trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 12 của Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP), các học giả Việt Nam, học giả quốc tế và các nhà hoạch định chính sách đã trao đổi về những thách thức về an ninh khu vực, vai trò và nhiệm vụ của Việt Nam khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020.

viet nam se phat huy su menh ngoai giao khi lam chu tich asean 2020 hinh 1
Toàn cảnh cuộc hội thảo

Thách thức về an ninh trong khu vực

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới nhưng cũng là nơi tồn tại nhiều vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, nơi sự cạnh tranh nước lớn có xu hướng gia tăng. Các vấn đề an ninh truyền thống như phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường vũ khí, tranh chấp lãnh thổ kéo dài đã trở nên nghiêm trọng hơn ở phạm vi và quy mô. Thêm vào đó những mối đe dọa phi truyền thống như an ninh lương thực, can kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, cùng nhiều vấn đề khác vẫn chưa được giải quyết.

Đặc biệt, Châu Á-Thái Bình Dương đang mở ra một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược và toàn diện mới giữa các cường quốc trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, quân sự đến kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác. Bản chất cạnh tranh trong quan hệ nước lớn làm gia tăng nhiều hệ lụy an ninh khó lường.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong nhận xét, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức lớn mà các nước trong khối ASEAN cần phải nhìn nhận rõ ràng và phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết. “Chúng ta từng nói rằng trật tự dựa trên quy tắc, thì như vậy Trung Quốc cũng phải đảm bảo sự phát triển của nước này không đe dọa các quốc gia khác, để tất cả các bên đều cùng nhau phát triển một cách hài hòa”.

Ông Liew Chin Tong cho rằng, ASEAN cần phải tìm hiểu rõ hơn sự đối đấu của các siêu cường trên thế giới để có cách thức ứng phó phù hợp, còn Trung Quốc cũng cần phải tìm hiểu vai trò của ASEAN hay các nước láng giềng, hiểu sự lo lắng của các nước nhỏ hơn, để thu hẹp bất đồng và chung sống một cách hòa bình.

Theo Thứ trưởng Liew Chin Tong, Việt Nam và Malaysia đều là những quốc gia đang nổi lên với vai trò ngày càng lớn hơn trong khu vực và có nhiều điểm chung để tăng cường hợp tác. Hai bên đã cho xuất bản Sách Trắng quốc phòng, trong đó đề cập nhiều vấn đề an ninh cấp bách. Ông khẳng định, cùng là các quốc gia ven biển, Việt Nam, Malaysia và Philippines có các quyền lợi không thể phủ nhận được tại Biển Đông. Đây là nền tảng để các bên hợp tác cùng nhau để ứng phó với những diễn biến mới trên Biển Đông.

viet nam se phat huy su menh ngoai giao khi lam chu tich asean 2020 hinh 2
Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong

Vai trò của Việt Nam trên cương vị mới

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, các quốc gia trong khu vực cần tăng cường hợp tác, phối hợp các chính sách để đối phó với những thách thức chung. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam sẽ tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác, đề xuất các sáng kiến để giúp ASEAN giữ vững vị thế và vai trò trung tâm của mình trong khu vực, cũng như trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam bởi chúng tôi sẽ giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để ASEAN ngày càng gắn kết và chủ động thích ứng hơn”.

Trong hơn 50 năm qua, ASEAN đã vượt qua nhiều khó khăn trong suốt chặng đường phát triển và chứng tỏ vai trò trung tâm của khối trong các thiết kế an ninh trong khu vực. ASEAN luôn đi đầu trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. Những thành tựu có được suốt thời gian qua là nền tảng vững chắc để có niềm tin rằng ASEAN sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào hòa bình và an ninh khu vực trong những năm tới đây.

“Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện tầm nhìn chung của cộng đồng ASEAN với sự kiên kết chính trị, xã hội, kinh tế ngày càng chặt chẽ nhằm giúp ASEAN ngày càng có năng lực tự cường tốt hơn, có khả năng phục hồi và đoàn kết để vượt qua thách thức cũng như nắm bắt những cơ hội trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ.

Ông cho biết thêm, ở cấp độ toàn cầu, trên cương vị là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức, phối hợp với các thành viên khác giữ gìn an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế, thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế bao trùm. Đây là cũng là ưu tiên hành động của Việt Nam trở thành cầu nối giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc nhằm thực hiện các mục tiêu chung, đặc biệt trong nỗ lực phòng ngừa xung đột và gìn giữ hòa bình bền vững.

Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là “thiết lập trật tự dựa trên quy tắc” kể cả ở khu vực và phạm vi quốc tế. Chính vì vậy, đây sẽ là một trong những chủ đề chính mà các nước ASEAN cùng thảo luận trong năm tới cũng như khi Việt Nam tổ chức các cuộc họp về cơ chế ASEAN để cùng cùng nhìn lại lịch sử cũng như xác định hướng đi mới và thách thức mới.

Điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã giới thiệu 1 số chủ đề chính trong chính sách đối ngoại của Việt Nam: trước hết là tập trung thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác thông qua các thể chế và thỏa thuận đa phương cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu, tiếp đến, theo đuổi mục tiêu phát triển và hội nhập với các quốc gia khác trên thế giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, cuối cùng là gắn chặt hoạt động với các thể chế đa phương, khu vực và toàn cầu.

Hoạt động ủng hộ chủ nghĩa đa phương của Việt Nam được minh chứng rõ nét trong suốt 3 năm qua. Việt Nam đã đăng cai thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019.

Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở các cấp độ khác nhau, như quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước thành viên thương trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nước thành viên của G7 và 13 trong số 20 nước của G20. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Việt Nam luôn đánh giá cao mối quan hệ với các quốc gia láng giềng, các cường quốc cũng như những người bạn truyền thống. Theo Thủ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, chủ động, tích cực hơn trong bối cảnh đa phương, hội nhập quốc tế toàn diện hơn và xây dựng quan hệ đối tác song phương thiết thực hơn sẽ là những dấu ấn của chính sách ngoại giao Việt Nam hiện tại và tương lai.

Theo VOV

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh