| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 7,763
Tất cả: 99,760,716
 
 
Bản in
Nhà buôn Pháp và chiếu lều Bến Thủy
Tin đăng ngày: 28/1/2020 - Xem: 2551
 
 

Hiện chưa biết Jean Dupuis có mặt ở Nghệ An từ bao giờ, chỉ biết năm 1887, ông mua lại được một cơ sở kinh doanh lâm sản và thương mại ở đây. Sách Annuaire General de L’Indochine (Thư mục tổng quát Đông Dương) xuất bản năm 1912 ở Paris, viết: “Công ty Lâm sản và Thương mại An Nam” có trụ sở tại Bến Thủy, năm 1802, sau đó đổi tên thành “Xưởng gỗ và sản phẩm lâm nghiệp”. Nó được chuyển nhượng lại cho ông Jean Dupuis vào năm 1887”.

Năm 1885, Pháp đánh chiếm thành Nghệ An và bắt đầu thiết lập sự cai trị lên mảnh đất này. Cho đến nay, các sách sử viết về Nghệ An và Vinh đều cho rằng, phải hơn 10 năm sau, thực dân Pháp mới thiếp lập xong sự cai trị và từ đó các nhà tư bản Pháp và các nước mới đầu tư vào làm ăn ở Nghệ An. Thế nhưng, ít người biết rằng: Ngay từ năm 1887, nghĩa là chỉ 2 năm sau khi ngưng tiếng súng công thành, một nhà buôn Pháp đã đặt cơ sở buôn bán lâm sản đầu tiên ở Bến Thủy.

Jean Dupuis sinh ngày 7/12/1828, ở Saint Just la Pendue (Pháp), mất ngày 28/11/1912  ở Monaco, được sử sách gọi là nhà thám hiểm và thương nhân người Pháp. Sử Nhà Nguyễn chép tên ông là Đồ Phổ Nghĩa (涂普義). Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 1858 tại Ai Cập. Năm 1860, ông đến Trung Quốc, vừa buôn bán, kể cả buôn bán vũ khí, vừa thám hiểm các vùng đất phía Nam Trung Quốc, tiếp giáp Việt Nam. Từ những năm 1864, 1865 ông đã đặt vấn đề thám hiểm và khai thác sông Hồng cho mục đích thương mại. Sau nhiều nghiên cứu, năm 1871, ông đóng bè và thuê thêm một số người Trung Quốc rồi bắt đầu thám hiểm sông Hồng. Khởi hành chưa được bao lâu, đoàn của Jean Dupuis đã bị thổ phỉ ở Vân Nam đánh cho tan tác.

Không nhụt chí, Jean Dupus lại chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai. Chuyến thám hiểm thành công và Jean Dupuis rút ra kết luận hoàn toàn có thể khai thác sông Hồng cho mục đích thương mại. Ông lập tức cho đóng tàu ở Hồng Kông và về Pháp mua vũ khí. Jean Dupuis đã đưa thành công 2 chiếc tàu hơi nước chứa đầy vũ khí theo đường sông Hồng, từ Hải Phòng lên đến Vân Nam (Trung Quốc) để bán cho quân đội Trung Hoa và mua hàng hóa khác đưa về Bắc Kỳ bán. Thương vụ đầu tiên trót lọt, mang lại món lời lớn, Jean Dupuis tiếp tục chuyến thứ hai. Nhưng lần này việc lưu thông của Jean Dupuis trên sông Hồng đã bị triều đình Nhà Nguyễn phát hiện và yêu cầu dừng lại. Triều đình Nhà Nguyễn yêu cầu người Pháp trục xuất Jean Dupuis, còn phía Pháp lại đòi được tự do thương mại trên lãnh thổ Bắc Kỳ. Trước tình hình đó, năm 1873, Toàn quyền Nam Kỳ đã cử Francis Garnier đến Bắc Kỳ, danh nghĩa là để hòa giải cuộc tranh chấp. Gây sức ép cho Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương bất thành, ngày 20/11/1873, Garnier phối hợp cùng đội quân của Jean Dupuis đánh úp thành Hà Nội. Không chỉ thế, Jean Dupuis cũng chính là người sau đó đã tích cực giúp thực dân Pháp chinh phục vùng đất này.

Sau khi Garnier bị quân Cờ Đen tiêu diệt, thời thế thay đổi, Jean Dupuis không thể tiếp tục công việc kinh doanh như cũ. Ông trở về Pháp một thời gian, chờ cơ hội mới. Và, cơ hội mới có thể đã đến với Jean Dupuis khi tiếng súng công thành của Pháp vang lên ở Cửa Hội (Nghệ An), ngày 20/7/1885…

Bức ảnh chiếc lều của ông Jean Dupuis, với chú thích “Khai thác gỗ. Cơ sở cũ của Dupuis ở Bến Thủy, gần Vinh”.
Bức ảnh chiếc lều của ông Jean Dupuis, với chú thích “Khai thác gỗ. Cơ sở cũ của Dupuis ở Bến Thủy, gần Vinh”.
 

Trong một album ảnh về Đông Dương chụp từ năm 1887 đến 1892, có bức ảnh chiếc lều của Jean Dupuis. Bức ảnh chú thích là “Khai thác gỗ. Cơ sở cũ của Dupuis ở Bến Thủy, gần Vinh”. Trong ảnh là chiếc lều được dựng bằng tranh tre, nứa mét, rất đơn sơ, phía sau là núi Quyết. Trong lều khá đông người Tây đang ngồi, phía trước lều có vẻ như được cắm mấy lá cờ của Pháp. Theo chú thích ghi dưới bức ảnh, có thể suy đoán, tại thời điểm chụp ảnh Jean Dupuis đã xây dựng được cơ sở mới, đây là cơ sở cũ mà ông xây dựng khi mới đặt chân đến.

Ngoài kinh doanh gỗ, sau năm 1900, khi Pháp khởi công xây dựng đường sắt Hà Nội – Vinh, Jean Dupuis cũng đã tham gia thầu và có sự tăng trưởng nhanh chóng. Sách “Thư mục tổng quát Đông Dương” viết: “Năm 1894, nó được chuyển thành Công ty vô danh (Anonyme) với số vốn là 500.000 franc. Nó có mục đích là khai thác thương mại và công nghiệp các khu rừng của An Nam và Bắc Kỳ và tất cả các hoạt động liên quan đến việc khai thác khác như mua bán, trao đổi, xây dựng… Sau khi mở rộng hoạt động, vốn của nó vào năm 1900 đã tăng lên đến 1.000.000 franc. Công ty có 1 xưởng cưa hơi nước và xưởng mộc, 1 nhà máy diêm”.

Đến năm 1902, ở tuổi 74, Jean Dupuis chuyển nhượng cơ sở kinh doanh của mình cho Công ty Rừng và Diêm Đông Dương. Từ đó, Công ty Rừng và Diêm Đông Dương, với nhà máy gỗ, nhà máy diêm, nhà máy điện, có trên 1.000 công nhân, đã phát triển thành một đế chế lớn bậc nhất ở Trung Kỳ.

Cảng Bến Thủy nhìn về hướng nhà máy điện của Công ty Rừng và Diêm Đông Dương (SIFA).
Cảng Bến Thủy nhìn về hướng nhà máy điện của Công ty Rừng và Diêm Đông Dương (SIFA).
 

Rõ ràng Jean Dupuis là một nhà buôn, nhà thám hiểm gan góc, đồng thời cũng là một tên thực dân hiếu chiến. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, ông ta là một nhà sử học tài danh. Ông đã viết 4 cuốn sách về Bắc Kỳ, đồng thời cũng là người đầu tiên vẽ bản đồ Bắc Kỳ năm 1879. Đặc biệt, trong bản đồ Bắc Kỳ vẽ năm 1879, ông dùng tiếng Pháp để phiên âm một số địa danh mà người bản địa vẫn gọi. Một số địa danh như tên tỉnh “Lào Cai”, ngày nay đã thành địa danh chính thức.

Năm 1881, Jean Dupuis được Viện Hàn lâm Khoa học Paris trao Giải thưởng Delalande Guérineau cho công trạng thám hiểm và hỗ trợ chinh phục Bắc Kỳ. Dưới thời thuộc Pháp, tên của Jean Dupuis được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, đó là phố Hàng Chiếu ngày nay. Thậm chí một phù điêu mang chân dung ông cũng được dựng ở Hà Nội. Riêng ở TP. Vinh, dưới thời thuộc Pháp, tên Jean Dupuis đã được đặt cho một con phố nhỏ, nay là phố Nguyễn Nghiễm, thuộc phường Quang Trung.

Dù sao, có thể ghi nhận Jean Dupuis là nhà tư bản đầu tiên đầu tư vào Vinh – Bến Thủy nói riêng và Nghệ An nói chung.

  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Thông tin văn hóa:
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI (27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ" (27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào? (27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An (27/1/2023)
Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết cần có những gì? (20/1/2023)
Vì sao năm Mão của Việt Nam là mèo trong khi các nước châu Á lại là thỏ? (20/1/2023)
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 (9/1/2023)
Nghệ An có 6 nghệ sĩ được xướng tên tại lễ vinh danh các nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2022 (9/1/2023)
Phan Bội Châu với tư tưởng đoàn kết dân tộc trong đấu tranh cách mạng (26/12/2022)
Lan tỏa mạnh mẽ giá trị di sản Hồ Xuân Hương trên quê hương Nghệ An (28/11/2022)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website